Mía đường “vật vã” thoát khó

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành mía đường đến nay chưa thể thoát khó bởi nhiều nguyên nhân nội tại cũng như khách quan.
Mía đường “vật vã” thoát khó
Ảnh minh họa

Ngoài vấn đề dư cung, sản lượng tồn kho tăng thì câu chuyện đường nhập lậu giá rẻ cạnh tranh với đường sản xuất trong nước đến nay vẫn chưa có lời giải.

CTCP Đường Kon Tum tại báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh công bố mới đây cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 88,5 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Song, lợi nhuận sau thuế của DN này còn bi đát hơn, khi chỉ đạt vỏn vẹn… 24 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về kết quả kinh doanh biến động theo chiều hướng giảm mạnh thời gian qua, đại diện công ty khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng giảm gần một nửa, nên doanh số bán hàng xuống thấp. Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn chính là giá bán ra cũng bị “down” xuống gần 10%, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận thu về.

Tương tự, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014 của CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng cho thấy đang có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt gần 531,452 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập DN đạt hơn 9,750 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm đến 1/3. Song, điều mà Casuco lo lắng chính là một số chi phí cấu thành giá đầu vào sản phẩm như chi phí quản lý DN, lương công nhân, thu mua nguyên vật liệu, vận tải…  lại tăng đáng kể.

Ông Đới Xuân Quảng, Trưởng đại diện phía Nam của Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngành mía đường đến nay chưa thể thoát khó bởi nhiều nguyên nhân nội tại cũng như khách quan. Ngoài vấn đề dư cung, sản lượng tồn kho tăng thì câu chuyện đường nhập lậu giá rẻ cạnh tranh với đường sản xuất trong nước đến nay vẫn chưa có lời giải.

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều DN mía đường của Việt Nam cũng mở rộng diện tích trồng và nhà máy chế biến sang Lào, Campuchia và xuất trở lại một khối lượng đường lớn vào thị trường trong nước, khiến áp lực tồn kho từ những niên vụ trước chưa giải tỏa được, thì đến niên vụ này càng thêm nặng nề hơn.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 4/8/2014, lượng đường tồn kho tại các nhà máy sản xuất đường trong nước là 414.617 tấn; nằm trong các công ty thương mại xấp xỉ 34.000 tấn. Nhiều DN đã và đang nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tiêu thụ hàng tồn kho, nhưng chất lượng đường thương phẩm của Việt Nam hiện nay còn thấp hơn của một số quốc gia khác, nên hướng giải pháp này khó thực thi.

Một số chuyên gia nhận định, trong xu thế cạnh tranh và hội nhập hiện nay, điều quan trọng chính là phải ổn định giá thành từ nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Casuco phân tích, với những nguyên nhân khách quan như đường nhập lậu, đầu tư,  quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, nhà máy chế biến ồ ạt… tác động đến kết quả kinh doanh thì một vài DN khó có thể thay đổi được. Nhưng đối với những nguyên nhân nội tại tác động trực tiếp đến giá thành, lợi nhuận thu về như chất lượng sản phẩm, chi phí đầu vào… thì DN có thể chủ động thay đổi và điều tiết.

Chính vì vậy, hiện nay, thay vì phó mặc chất lượng nguồn nguyên liệu cho người nông dân, nhiều nhà máy đã đầu tư vào vùng nguyên liệu từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, tưới tiêu… để cho ra đường thành phẩm chất lượng cao. Điển hình như Casuco, thời gian qua DN này đã chủ động tập trung mạnh vào vùng trồng nguyên liệu. Điều này giúp DN tiết giảm chi phí ngay từ khâu đầu vào, khi lựa chọn giống mía cho hàm lượng đường cao.

Bởi vì, một giống mía tốt không chỉ cho năng suất, trữ đường cao mà còn khắc phục được nhiều nhược điểm của sản xuất chế biến và là một trong những yếu tố cơ bản quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý thì có thể nâng năng suất của cây mía lên gấp 1,5 lần, thậm chí có trường hợp tăng gấp đôi.

Nhiều hộ nông dân trồng mía Tây Ninh cho biết, nhờ áp dụng mô hình lưu gốc mía, mùa vụ qua nhiều hộ dân đã thu hoạch được 8 tấn đường/hecta, bằng mức trung bình của Thái Lan, cao hơn mức trung bình của cả nước gần 3 tấn đường/hecta.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật