Tạo cơ chế riêng đủ sức ‘níu chân’ thuyền viên

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khẳng định thuyền viên là một nghề nguy hiểm, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải biển đang tha thiết đề nghị cơ quan chức năng có cơ chế chính sách riêng đủ sức “níu chân” thuyền viên gắn bó với nghề.
Tạo cơ chế riêng đủ sức ‘níu chân’ thuyền viên
Thuyền viên luôn phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rủi ro cao

Đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập cho thuyền viên

Ông Vương Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Vinaship cho biết, thuyền viên là nghề đặc thù đòi hỏi phải có kiến thức và tay nghề cao, cường độ lao động vất vả, chịu ảnh hưởng của môi trường độc hại, khắc nghiệt, rủi ro cao lại phải sống xa gia đình, xa người thân.

Chính vì những thiệt thòi lớn này, nhiều nước trên thế giới đã có chính sách ưu đãi riêng đối với thuyền viên như: Chế độ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, chế độ phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, chính sách ưu đãi về thuế... Trong khi đó, thuyền viên Việt Nam lại chưa thực sự được quan tâm.

“Như thuế thu nhập cá nhân, theo quy định hiện nay, sỹ quan thuyền viên cũng như mọi người lao động khác làm việc trên bờ đều áp dụng chung một mức thuế là chưa công bằng” - ông Sơn nói.

Tổng Giám đốc CTCP Hàng hải Đông Đô Trần Văn Nghi cũng đề xuất miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên, những người luôn phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, nguy hiểm. Đề xuất này của ông Nghi nhận được sự đồng tình của ông Hoàng Long - Phó Giám đốc Công ty vận tải biển Vinalines. “Cần hiểu đúng lương của thuyền viên không phải thu nhập cao mà là trả lương cho lao động nặng nhọc vất vả nhằm tăng mức thu nhập thuyền viên được nhận” - ông Long nói.

Về vấn đề này, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, kiến nghị của các doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã kiến nghị cơ chế này tại Đề án nâng cao năng lực, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của các DN vận tải biển đang trình Chính phủ phê duyệt.

Nhiều quy định chưa phù hợp với Công ước quốc tế

Liên quan đến quy định về mức ăn cho thuyền viên, ông Vương Ngọc Sơn cũng cho biết, hiện tại, mức ăn với sỹ quan thuyền viên làm việc trên tàu chạy tuyến trong nước là 93 nghìn đồng/người/ngày, tàu chạy tuyến nước ngoài là 170 nghìn đồng/người/ngày. Trong số này, thuyền viên phải đóng 30%, còn lại công ty phải thanh toán.

Tuy nhiên, theo công ước quốc tế về lao động hàng hải (MLC), trong thời gian làm việc trên tàu, thuyền viên được cung cấp lương thực, thực phẩm miễn phí. Điều này có nghĩa là nếu áp dụng theo quy định hiện hành của Việt Nam, sẽ không phù hợp với Công ước quốc tế.

Cũng như vậy, ngày nghỉ phép của thuyền viên theo MLC là 2,5 ngày cho một tháng làm việc trên tàu. Như vậy, một năm thuyền viên sẽ được nghỉ phép 30 ngày, cao hơn so với quy định tại Bộ luật Lao động.

Ở một khía cạnh khác, bà Phạm Thị Cẩm Hà - Phó Tổng giám đốc CTCP Vận tải và thuê tàu biển VN cho biết, để tuân thủ MLC, các tàu phải được trang bị tủ thuốc và thiết bị y tế theo các danh mục của quốc gia có tàu mang cờ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các cơ quan chức năng lại chưa hề công bố danh mục này.

“Hiện tại, chúng tôi đang phải cung cấp cho các tàu các loại thuốc căn cứ vào tiêu chuẩn trang bị của quốc tế. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn này hoặc theo danh mục của Y học Biển Việt Nam, có nhiều loại thuốc có thể gây nghiện/hướng tâm thần.

Các loại thuốc này bị quản lý rất chặt và không được phép mua bán thông thường nên chúng tôi đang phải “mua chui” với giá rất cao để trang bị cho tàu, đáp ứng cho việc kiểm tra của sỹ quan Nhà nước cảng biển” - bà Hà nói.

Cũng từ đây, bà Hà đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm công bố danh mục thuốc và thiết bị y tế tối thiểu, giúp các chủ tàu trang bị cho các tàu một cách hợp pháp với chi phí hợp lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật