Khi cán bộ dân số chăm sóc người nhiễm HIV

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của Dự án Life – Gap, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai Mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng tại 2 tỉnh Nam Định, Nghệ An. Sau 5 năm triển khai, mô hình được đánh giá là mang tính ý nghĩa nhân văn, giá trị thực tiễn, nên được duy trì và mở rộng để góp phần vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Khi cán bộ dân số chăm sóc người nhiễm HIV
Cán bộ dân số phường Trường Thi, TP Nam Định tư vấn và chăm sóc người nhiễm HIV. Ảnh: T.NGUYÊN
Chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ của người  nhiễm HIV

Năm 2014 là năm thứ 24 chị Cao Thị Phương (ở xã Xuân Tân, huyện Xuân Trường, Nam Định) làm công tác dân số cơ sở. Từ năm 2009, chị nghỉ công việc của một cán bộ chuyên trách, chuyển qua làm cộng tác viên dân số. Đúng lúc này, xã Xuân Tân được lựa chọn là một trong 10 xã, thị trấn của huyện Xuân Trường triển khai Mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng thông qua hệ thống cán bộ DS-KHHGĐ tại cơ sở. Tin tưởng vào kinh nghiệm và sự tín nhiệm trong cộng đồng, chị Phương được lựa chọn để tham gia tổ nhân viên tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV, đến nay đã được tròn 5 năm.

“Tất nhiên là công việc có sự khác nhau, nhưng điểm chung của một cộng tác viên dân số và nhân viên tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV đó là sự kiên trì, nhẫn nại, nhiều khi phải “chai mặt” nữa mới được việc! Nhiều hơn cả, đó là tình thương, sự đồng cảm, trách nhiệm giữa bà con chòm xóm với nhau”, chị Phương mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy bên lề Hội thảo tham vấn chính sách Mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng, được Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức ngày 20/8 tại Nam Định.

Nhớ lại ngày mới làm mô hình, chị Phương ngậm ngùi: “Cơn bão m‌a tú‌y tràn vào huyện Xuân Trường, len lỏi về tới xã Xuân Tân. Rồi dịch HIV/AIDS tưởng chừng xa lạ đã xuất hiện, quật ngã bao nhiêu thanh niên vốn khỏe mạnh, biết bao gia đình tan nát, biết bao đứa trẻ vô tội cũng nhiễm thứ virus đáng sợ này. Một phần là do người dân chưa hiểu biết đầy đủ, chưa biết cách phòng tránh an toàn. Sự kỳ thị của cộng đồng lúc đó với người nhiễm HIV rất khủng khiếp. Không thiếu những người muốn buông xuôi, muốn trả thù đời…”.

Còn chị Bùi Thị Sáu - cán bộ chuyên trách dân số xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường tâm sự: “Nhiều gia đình có con nhiễm HIV khi thấy chúng tôi đến nhà đã tỏ ý nghi ngại, tự ti. Họ rất ngại tiếp xúc với người ngoài một phần là sợ lộ thông tin, vậy nên không ít lần chúng tôi bị “đuổi cổ” ngay từ đầu ngõ. Chúng tôi xác định phải “mưa dầm thấm lâu”, có trường hợp để tiếp xúc được với người nhiễm HIV, chúng tôi phải đi lại tới 7 - 8 lần vào mọi thời điểm bất kể đêm khuya để tỉ tê, thuyết phục”.

Chị Nguyễn Thị Kiểu, cán bộ chuyên trách xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường thì chia sẻ: Điều quan trọng nhất trong làm công tác này, đó là sự đồng cảm, chia sẻ, động viên tinh thần vươn lên của những người có H, đặc biệt, rất cần sự kín đáo, tế nhị và nắm bắt tâm lý của họ. Những điều này rất gần với công việc của một cán bộ dân số cơ sở như chúng tôi. Chúng tôi chăm sóc người nhiễm HIV từ những việc nhỏ nhất, nhắc nhở, tư vấn cho gia đình và người bệnh từ việc gội đầu, đánh răng như thế nào đến cả bữa ăn, tuân thủ điều trị ARV, rồi giúp họ tiếp cận với các nguồn hỗ trợ xã hội, vay vốn, tạo việc làm...
Mô hình mang tính nhân văn, hiệu quả rất lớn

Sau 5 năm thực hiện, hiện nay, mô hình đã được triển khai ở 58 xã, phường, thị trấn của 6 đơn vị: Huyện Đô Lương, TP Vinh, thị xã Thái Hòa  (tỉnh Nghệ An); huyện Giao Thủy, Xuân Trường, TP Nam Định (tỉnh Nam Định). Mô hình nhận được sự hỗ trợ của Dự án Life-Gap, thuộc Chương trình dự phòng lây nhiễm và chăm sóc HIV/AIDS. Điểm đặc biệt của mô hình là công tác chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số tại cơ sở.

Tính đến thời điểm này, tổng số đối tượng nhiễm HIV được chăm sóc tại 6 địa bàn là 1.994 người, số người thân được tư vấn, hỗ trợ là 2.608 người.

Đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai mô hình, ông Đặng Văn Nghị - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ), điều phối viên Ban quản lý mô hình Trung ương cho biết: Không thể phủ nhận những đóng góp của mô hình đối với cộng đồng, xã hội. Với phạm vi triển khai còn hẹp nhưng hiệu quả đạt được của mô hình thực sự rất lớn. Chúng ta đã tạo được lòng tin giữa những người nhiễm HIV với cộng đồng, giảm sự k‌ì th‌ị, phân biệt đối xử với người bệnh. Mô hình cũng đã huy động được hỗ trợ của xã hội đối với người nhiễm HIV, như giúp họ học nghề, cho vay vốn, tạo công ăn việc làm...

Là người trực tiếp tư vấn, chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng, chị Bùi Thị Sáu cho hay: Cái được từ mô hình, đó là những người nhiễm và gia đình tìm được một địa chỉ tin cậy, kín đáo để chia sẻ những điều khó nói nhất. Nói tin cậy là bởi, nếu ban đầu họ “xua đuổi” các chị thì giờ đây, các chị đã trở thành người bạn thân thiết trong gia đình. “Còn kín đáo ư? Nếu chúng tôi có lỡ đánh mất cuốn nhật ký ghi chép theo dõi khách hàng thì cũng không phải lo lộ thông tin. Bởi tất cả các khách hàng – người nhiễm HIV đều được ký hiệu, mang mã số riêng. Chúng tôi đảm bảo bí mật hoàn toàn thông tin khách hàng”, chị Sáu nói.

Quan trọng hơn, đó là giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng với gia đình và người bệnh. “Đau lòng lắm! Trước đây không ít trường hợp nhiễm HIV qua đời, chỉ độc nhất có người thân lo ma chay mà thôi, bởi người ngoài rất sợ bị lây nhiễm. Nay thì đã khác, cộng đồng hiểu biết hơn, gia đình người nhiễm HIV ít mặc cảm, thêm tự tin, cởi mở hơn. Chúng tôi còn vận động địa phương hỗ trợ mai táng phí, giúp đỡ, chia sẻ cùng gia đình trong lúc tang gia…”, chị Sáu tâm sự.

Tại Hội thảo tham vấn này, đa phần các đại biểu đều cho rằng, đây là một mô hình ý nghĩa, đầy tính nhân văn. Thực tế trong 5 năm qua đã chứng minh một điều: Việc các cán bộ chuyên trách ngành Dân số  tiếp cận, hỗ trợ cũng như chia sẻ với người nhiễm HIV là rất thuận lợi, phù hợp. Do vậy, việc duy trì và nhân rộng, đảm bảo tính bền vững của mô hình này ra nhiều địa phương khác là điều nên làm.
Tại Hội thảo, TS Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở, cùng với sự đồng thuận của các đơn vị hữu quan đã góp phần làm nên thành công hiệu quả của mô hình đầy tính nhân văn này. Những hoạt động, việc làm thiết thực qua 5 năm triển khai đã minh chứng được hướng đi đúng đắn của mô hình. Hiệu quả này một lần nữa khẳng định mô hình rất cần được tiếp tục duy trì, mở rộng.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật