Hiểm họa Ebola không chỉ từ sân bay

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 20/8, hai hành khách người Nigeria nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất đã được xuất viện sau khi được chăm sóc y tế đặc biệt vì triệu chứng sốt. Đây là việc làm cần thiết trong nỗ lực của ngành y tế ngăn chặn virus Ebola xâm nhập Việt Nam. Và không riêng gì đường hàng không, việc kiểm soát các nguy cơ đến từ đường bộ, đường biển cũng đang được thực hiện gắt gao.
Hiểm họa Ebola không chỉ từ sân bay
Du khách khai báo tình trạng sức khỏe khi qua Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Trung Quân
Mối lo từ đường biển

Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Sở Y tế Hải Phòng vừa cho biết, với số lượng 340-360 lượt tàu thuyền nhập cảnh (trên 6.000 lượt thuyền viên, hành khách nhập cảnh), các cửa khẩu cảng biển tại Hải Phòng cũng là nơi có nguy cơ bị virus Ebola xâm nhập. dịch bệnh nguy hiểm này có thể thông qua khách du lịch, người lao động từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua vùng dịch… lan truyền. Ngoài ra, đội ngũ thuyền viên từ tàu vận tải, du lịch đi qua các vùng dịch cũng là mối lo lớn. Do đó, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế đã phối hợp với cơ quan quản lý khu vực cảng biển thực hiện khai báo y tế đối với những hành khách, thuyền viên đến từ vùng dịch.

Trả lời phóng viên Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế khẳng định đang giám sát dịch tại 100% phương tiện, người, hàng hóa, trong khu vực cảng, nơi có tàu thuyền neo đậu; tiến hành đo thân nhiệt hàng ngày của 100% thuyền viên. Ngoài ra, đơn vị này đã có kế hoạch hành động khi xảy ra một trong 3 tình huống: Tàu từ vùng dịch đến; Tàu không từ vùng dịch đến nhưng có trường hợp nghi ngờ, có dấu hiệu sốt; Tàu không từ vùng dịch đến với các thành viên đều khỏe mạnh.

Tương tự, tại Quảng Ninh, Cục Hải quan cũng yêu cầu với các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, Cái Lân hỗ trợ cơ quan kiểm dịch y tế kiểm tra sức khỏe của người nhập cảnh trên các chuyến tàu nước ngoài đến Hạ Long. Ông Nguyễn Văn Tính, Trưởng trạm Kiểm soát liên hợp Km15, Bến tàu Dân Tiến (Móng Cái, Quảng Ninh) nói với PV Báo GĐ&XH: “Một trong những nguồn lây nhiễm loại virus nguy hiểm này là từ động vật hoang dã. Do đó, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã tăng cường lực lượng để ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép những mặt hàng nhạ‌y cả‌m này”.

Tại Quảng Ngãi, lực lượng biên phòng cũng vào cuộc để ngăn chặn dịch. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh này cho biết, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào khả nghi có biểu hiện của bệnh Ebola ở các tàu nước ngoài xuất nhập cảnh ra vào cảng Dung Quất. Tuy vậy, công tác kiểm dịch ngay tại phao số 0 trên biển vẫn được siết chặt, tránh bệnh xâm nhập vào nội địa, đe dọa sức khỏe của người dân. Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Đội trưởng Đội thủ tục xuất nhập cảnh, trong trường hợp phát hiện thủy thủ, thuyền viên có dịch bệnh thì Bộ đội Biên phòng sẽ có trách nhiệm giám sát tại tàu, còn bộ phận Y tế sẽ luân chuyển bệnh nhân đến trung tâm để cứu chữa kịp thời.
Nguy cơ từ đường bộ

Ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, ngay từ tháng 4/2014, một máy đo thân nhiệt hồng ngoại loại mới đã được lắp đặt thay thế chiếc máy cũ để đảm bảo độ chính xác. Ông Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cho biết, chiếc máy mới có độ nhạy tốt, kịp thời phát hiện từ xa những trường hợp có số đo thân nhiệt trên 37 độ C. Ngoài ra, Đội Kiểm dịch Y tế quốc tế ở Móng Cái cũng phối hợp với Trạm Kiểm dịch Đông Hưng (Trung Quốc) để kịp thời cảnh báo, thực hiện khai báo y tế với những trường hợp đến từ vùng dịch cũng như tư vấn, khám cho những người có biểu hiện không tốt về sức khoẻ. Phòng cách ly, điều trị ban đầu ở cửa khẩu đã được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.

Tại Lào Cai, khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II  Kim Thành đã được lắp đặt 2 hệ thống máy theo dõi thân nhiệt và khử trùng tự động để tăng cường giám sát người nhập cảnh. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tại đây còn tổ chức thực hành trên cơ sở các tình huống giả định khi có dịch bệnh xâm nhập vào Lào Cai qua các cửa khẩu. Do khả năng lây nhiễm rất cao của loại virus này nên các vật tư y tế như khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch cho nhân viên y tế, người tiếp xúc với các trường hợp nghi mắc dịch cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu không chủ quan với khả năng dịch xâm nhập qua đường bộ, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản chỉ đạo toàn ngành chủ động ứng phó với dịch Ebola. Theo đó, tất cả người tham gia xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu đều được tuyên truyền về dịch Ebola, đồng thời được kiểm tra thân nhiệt, thực hiện thủ tục khai báo y tế.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn khuyến nghị cán bộ, công chức hạn chế tối đa việc đi du lịch đến những vùng có dịch bệnh. Những trường hợp đi công tác hoặc phải quá cảnh tại những vùng có nguy cơ dịch bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan chức năng.
Uống thuốc hạ sốt để “qua mặt” máy đo thân nhiệt?

Cảng vụ Hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, ngày 19/8 một hành khách khác đến từ Nigeria đã được lưu lại sân bay trong 10 giờ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Người này đã sử dụng thuốc hạ sốt trước khi chuyến bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất và “qua mặt” máy đo thân nhiệt. Kiểm tra y tế cho thấy, vị khách này bị viêm họng và dùng thuốc hạ sốt khoảng 6 giờ trước.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật