Gia tộc Chu Vĩnh Khang giàu có đến mức nào?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con cháu, họ hàng Chu Vĩnh Khang đã vơ vét nguồn lợi nhuận khổng lồ nhờ quyền lực và ảnh hưởng của ông ta.
Gia tộc Chu Vĩnh Khang giàu có đến mức nào?
Một biệt thự sang trọng của Chu Vĩnh Khang

Sau khi cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang chính thức bị tuyên bố điều tra, dư luận Trung Quốc không ngừng bàn tán xôn xao và đồn đoán về khối tài sản khổng lồ mà nhân vật có quyền lực và tầm ảnh hưởng cực lớn này vơ vét được bằng các hành vi tham nhũng của mình.

Tuy nhiên, có vẻ như chỉ một phần rất nhỏ trong khối tài sản khổng lồ đó có liên quan trực tiếp tới Chu Vĩnh Khang. Là người đứng đầu gia tộc, Chu Vĩnh Khang không trực tiếp tham gia vào các thương vụ làm ăn, mà chỉ tạo ra một chiếc ô bảo kê vô cùng vững chắc cho các hoạt động vơ vét của người thân trong nhà.

Theo các tài liệu điều tra mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng thu thập được, gia tộc họ Chu sở hữu hoặc có liên hệ với ít nhất 37 công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, vươn tới tận Bắc Mỹ. Các công ty, tập đoàn này làm ăn trong lĩnh vực dầu khí, bất động sản, thủy điện, du lịch và rất nhiều ngành nghề khác.

Chu Vĩnh Khang (giữa), nhân vật quyền lực một thời, chính thức bị điều tra.

Trước đây, Reuters từng ước tính rằng tổng khối lượng tài sản mà gia tộc này sở hữu có thể lên tới 90 tỉ nhân dân tệ, một con số khiến nhiều người bàng hoàng.

Ông Hu Xingdao, bình luận viên chính trị thuộc viện Công nghệ Bắc Kinh nhận định: “Nếu con số này là đúng, nó quả là khủng khiếp. Từ lâu, người ta đã nói tới ‘thu nhập xám’ và nguồn tiền tham nhũng chiếm tới hơn 30% tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc, nhưng như vậy là quá nhiều”.

Tuy nhiên, trong hàng ngàn trang tài liệu điều tra mà tờ Washington Post thu thập được, cái tên “Chu Vĩnh Khang” hầu như không xuất hiện.

Thay vào đó, cái tên xuất hiện nhiều nhất là Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang, người đứng ra điều hành “đế chế kinh doanh” của gia tộc. Tiếp theo là mẹ vợ của Bân, bà Zhan Minli, người có vai trò vô cùng tích cực trong các hoạt động vơ vét của đế chế này. Người cháu Chu Phong và chị vợ của anh này cũng có vai trò đáng kể trong các hoạt động phi pháp trên.

Cả đại gia đình với quan hệ dây mơ rễ má này nắm trong tay một đế chế kinh doanh khổng lồ, có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với những nhân vật từng chịu ơn Chu Vĩnh Khang về chính trị hoặc tiền bạc.

Con trai Chu Bân của Chu Vĩnh Khang điều hành công việc làm ăn chủ yếu thông qua các họ hàng bên vợ hay các bạn học và một số đối tác khác, còn ông này thì tìm cách ẩn mình càng kín kẽ càng tốt. Được biết Zhan Minli, mẹ vợ của Bân, là cổ đông lớn của ít nhất 9 công ty trong đế chế của gia tộc họ Chu.

Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang

Những người quen biết gia đình này cho hay, Chu Bân chẳng có tài cán kiệt xuất gì trong kinh doanh và không có cái khí tiết hơn người như của người cha Chu Vĩnh Khang. Tuy vậy, trong khoảng 10 năm qua, anh ta vẫn đưa được một công ty con đăng ký kinh doanh ngay tại nhà và trở thành một siêu tập đoàn có giá trị lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ quản trị quốc tế ở Mỹ, Chu Bân về nước đầu những năm 2000, và thành lập một công ty công nghệ không có tên tuổi ở Bắc Kinh vào năm 2003 tại ngôi nhà mượn của mẹ vợ.

Một năm sau, bà mẹ vợ của Bân tung ra 4 triệu tệ để thành lập một công ty khác và nắm giữ tới 80% cổ phần. Công ty mới thành lập này lập tức trở thành cỗ máy kiếm tiền cho Chu Bân. Ít lâu sau, công ty này bắt đầu thực hiện các dự án với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi Chu Vĩnh Khang từng là chủ tịch và vẫn còn có ảnh hưởng vô cùng lớn.

Công ty này đã thực hiện nhiều dự án lớn với CNPC, trong đó có dự án nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ cho 8.000 trạm xăng dầu ở nhiều tỉnh thành, thế nhưng, quá trình mời thầu cho các dự án này không hề có bất cứ hồ sơ pháp lý nào.

Nhiều nguồn tin cho biết, chiến lược kinh doanh của Chu Bân là mua các dự án của chính phủ với giá rẻ nhờ ảnh hưởng của người cha quyền lực, sau đó bán lại cho các công ty khác với giá cao hơn rất nhiều.

Tạp chí Tài Kinh cho hay, vào năm 2007 và 2008, Chu Bân đã kiếm lời hơn 500 triệu tệ bằng cách bán lại dự án giếng dầu Changyin và Changqing ở tỉnh Thiểm Tây cho đối tác khác. Tài Kinh cho rằng, trong các thương vụ mua bán dự án giếng dầu này, không ai có thể qua mặt được Chu Bân, con trai của một ủy viên Bộ Chính trị, người từng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Đến năm 2011, Công ty Công nghệ Năng lượng Ánh dương Zhongxu của Chu Bân đã có tổng tài sản lên tới 139 triệu tệ với mức lợi nhuận hàng năm là 32,9 triệu tệ.

Ở Tứ Xuyên, nơi được coi là căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang, Chu Bân lấn sân vào lĩnh vực thủy điện và bất động sản, cũng như nhiều dự án du lịch béo bở khác. Ông ta và mẹ vợ đầu tư vào hai nhà máy thủy điện trên sông Dadu và bán điện cho người dân trong khu vực, thu về lợi nhuận 900 triệu tệ mỗi năm.

Tại đây, Chu Bân có nhiều mối quan hệ làm ăn với ông trùm khai mỏ Lưu Hán, kẻ vừa bị kết án t‌ử hìn‌h vì cầm đầu một đường dây kiểu mafia chuyên tống tiền, giết người và sở hữu cả một kho súng ở Tứ Xuyên.

Tỉ phú mafia Lưu Hán có quan hệ làm ăn chặt chẽ với Chu Bân

Theo tờ Washington Post, Chu Vĩnh Khang đã từng có lần nhờ Lưu Hán để ý tới con trai mình. Chu Bân bán một công ty du lịch cho Lưu Hán vào năm 2004 với giá 12 triệu tệ, mặc dù giá trị thực của công ty này chưa tới 6 triệu tệ.

Chu Bân không phải là thành viên duy nhất trong gia tộc lợi dụng ảnh hưởng của Chu Vĩnh Khang để kiếm tiền. Hai người anh em trai của Chu Vĩnh Khang cũng đã vơ vét được một khoản tiền rất lớn nhờ dựa hơi ông ta.

Tại địa phương, người anh trai Chu Nguyên Hưng của Chu Vĩnh Khang đã lợi dụng tiếng tăm và quyền lực của em mình để trở thành kẻ chuyên móc nối cho các quan chức trong chính quyền chạy chọt. Người em trai Chu Nguyên Thanh cũng trở thành chiếc cầu nối để các quan chức cấp thấp ở khắp nơi có thể “cậy nhờ” Chu Vĩnh Khang trong con đường thăng tiến.

Các cháu của Chu Vĩnh Khang cũng không bỏ lỡ cơ hội khi thành lập một công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hoạt động ở các tỉnh Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Tân Cương để vơ vét nguồn lợi nhuận rất khổng lồ. Tập đoàn Honghan do họ thành lập kiểm soát cổ phần của 20 công ty khác, với tổng mức đầu tư lên tới 400 triệu tệ.

Ông Hu Xingdou, một chuyên gia bình luận, nhận xét: “Dù có ít bằng chứng cho thấy Chu Vĩnh Khang có liên quan trực tiếp tới số tài sản khổng lồ này, chúng vẫn sẽ bị coi là tài sản có nguồn gốc không rõ ràng. Dù gì đi chăng nữa, dư luận Trung Quốc vẫn rất ủng hộ quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật