Bán Mi-35 cho Pakistan: Nga khiến Mỹ, Trung, Ấn phải ‘nuốt hận’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Pakistan có thể mang lại nhiều lợi ích cho Moscow.
Bán Mi-35 cho Pakistan: Nga khiến Mỹ, Trung, Ấn phải ‘nuốt hận’
Ảnh minh họa

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) đăng bài viết nhận định: Quyết định của Nga khi xúc tiến bán trực thăng vũ trang Mi-35 cho Pakistan, bất chấp sự quan ngại từ Ấn Độ, được xem là dấu hiệu của một sự tái định hình quan hệ chiến lược trong khu vực sau khi Mỹ dần rút chân khỏi Afghanistan.

Trên thực tế, hai nước đã có những đối thoại nhằm tăng cường sự liên kết từ trước đó và chúng không chỉ trong khuôn khổ hợp tác an ninh. Động lực chủ yếu của bước đi này là chiến lược “nam tiến” của Nga để mở rộng thị trường và nhu cầu của Pakistan tìm kiếm một đối tác mới với ít nguy cơ về chính trị hơn.

Nếu thỏa thuận Mi-35 thành hiện thực sẽ cho thấy quyền lợi địa chính trị chung của Nga và Pakistan đã đủ lớn để 2 nước tiến tới một mối quan hệ hợp tác bán toàn diện lâu dài, tương tự như mối quan hệ trong quá khứ giữa Ấn Độ - Nga và Mỹ - Pakistan.

Trong một thế giới mà sự cạnh tranh và hợp tác cùng tồn tại song song thì khái niệm "đối tác chiến lược" trở nên ít có ý nghĩa, quan trọng là những lợi ích kinh tế thiết thực có được từ mối quan hệ đó. Do vậy, Pakistan và Nga không chỉ hướng việc chống khủ‌ng b‌ố đơn thuần mà còn nhắm đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp năng lượng và luyện kim của Pakistan.

Có thể nói một phần nguyên nhân thúc đẩy Nga và Pakistan xích lại gần nhau là sự hiện diện của Mỹ tại khu vực trong hơn 1 thập niên qua, với cuộc chiến tại Afghanistan.

Sự tham gia của Pakistan trong cuộc chiến chống khủ‌ng b‌ố của Mỹ, được đảm bảo bằng những khoản viện trợ quân sự, đã gây ra những bất ổn trong nước, đặc biệt là tại những khu vực tự trị của các bộ tộc giáp biên giới với Afghanistan. Những chiến dịch an ninh trong nước làm tăng nhu cầu về vũ khí và khiến Pakistan đa dạng hóa nguồn cung cấp thiết bị quân sự với chi phí thấp hơn, đồng thời không gây hậu quả về chính trị trong nước.

Trực thăng Mi-35. Ảnh: RIA Novosti

Mi-35 là một lựa chọn hợp lý và hữu dụng cho những hoạt động quân sự tại các khu vực đồi núi chống lại tổ chức Taliban tại Pakistan (TTP). Hiện nay, trực thăng vũ trang mà Pakistan đang sử dụng là AH-1 Cobra của Mỹ, được mua với mục đích ban đầu để chống lại các đơn vị thiết giáp của Ấn Độ ở địa hình bằng phẳng, trống trải. Cho mục đích chống khủng bố, Pakistan cần những vũ khí phù hợp, có chi phí thấp hơn, đặc biệt là nếu họ không còn nhận được viện trợ quân sự từ Mỹ.

Cho đến gần đây, Nga vẫn hiếm khi bán vũ khí mang tính tấn công cho Pakistan do lo ngại điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng giành được các hợp đồng quân sự lớn từ Ấn Độ, tiêu biểu như dự án chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ trị giá nhiều tỷ USD (MMRCA). Vào năm 2010, tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC), một trong những công ty tham gia đấu thầu cho MMRCA, cho biết có thể sẽ tác động để ngăn Trung Quốc tái xuất khẩu 150 động cơ Klimov RD-93 sang Pakistan trang bị cho JF-17.

Tuy nhiên đến năm 2013, sau khi UAC không được chọn cho MMRCA thì việc cung cấp động cơ được nối lại. JF-17 sẽ đóng vai trò là chiến đấu cơ chính của không quân Pakistan. Như vậy, cho dù thương vụ Mi-35 có thành công hay không thì trong tương lai, Pakistan vẫn sẽ phụ thuộc vào nguồn cung cấp động cơ từ Nga. Cộng với việc Nga cũng đã cung cấp những máy bay tiếp nhiên liệu trên không IL-78 MP cho Pakistan, có thể thấy 2 nước đang ngày càng gắn kết với nhau hơn.

Máy bay chiến đấu JF-17

Kết quả là hiện nay Nga đã sẵn lòng bán những vũ khí tấn công cho Pakistan, đặc biệt là những loại mà Ấn Độ không có nhu cầu mua từ Nga, như trực thăng vũ trang. Ngoài yếu tố tài chính, các hợp đồng trên còn là cách để Nga tìm kiếm sự hỗ trợ của Pakistan trong việc đảm bảo an ninh cho các dự án năng lượng của nước này trong khu vực.

Mỹ từ lâu đã vận động cho sự hình thành của một hành lang năng lượng từ Trung Á đến Ấn Độ, tiêu biểu như tuyến đường ống dẫn khí đốt TAPI (Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-India). Nga gần đây cũng bày tỏ mong muốn được tham gia TAPI, cho dù đồng thời cũng đang đề xuất 1 đường ống khác chạy song song. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn tham gia dự án đường ống Iran – Pakistan - Ấn Độ.

Trong tất cả những dự án trên, Pakistan đều đóng vai trò quan trọng, và do đó, Nga cần xây dựng mối quan hệ tốt với nước này. Ngoài hợp tác quân sự, Nga cũng có thể lấy lòng Pakistan bằng cách chia sẻ thông tin tình báo về những nhóm khủ‌ng b‌ố ở Trung Á có liên hệ với tổ chức Taliban tại Pakistan.

Đối với Pakistan, có thêm một nguồn cung cấp vũ khí từ Nga giúp nước này giảm được sự phụ thuộc vào Mỹ. Đồng thời, nó cũng mở ra cơ hội cho những dự án quốc phòng 3 bên Nga-Trung Quốc-Pakistan, tương tự như dự án JF-17.

Trước đây, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại và quốc phòng chính của Pakistan. Nhưng gần đây, do tình hình an ninh xấu đi tại Tân Cương cũng như ngay tại Pakistan mà Trung Quốc đã giảm bớt đầu tư vào nước này. Như ngành đường sắt Pakistan thậm chí phải thuê 50 đầu máy từ Ấn Độ để giải quyết tình trạng thiếu hụt trước mắt do không tìm được nguồn hỗ trợ từ Trung Quốc.

Dù vậy giới lãnh đạo nước này vẫn không muốn mở cửa hoàn toàn với đầu tư từ Ấn Độ và muốn có 1 đối tác khác, an toàn về chính trị hơn. Pakistan đang thuyết phục Nga đầu tư vào dự án khai thác than tại mỏ Thar, mỏ than có trữ lượng đứng thứ 6 trên thế giới, và các dự án tái cấu trúc lại ngành luyện thép.

Nga cũng muốn thông qua sự hợp tác giữa 2 nước để mở đường tiến ra bờ biển Ấn Độ Dương. Một nhà máy khí hóa lỏng có thể được xây dựng tại cảng chiến lược Gwadar, giúp giảm giá thành vận chuyển.

Ngoài ra, với đối tác mới là Nga, Pakistan cũng giảm được sự phụ thuộc vào những đối tác truyền thống mà có xu hướng ủng hộ khủ‌ng b‌ố như Ả Rập Saudi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật