Chia bảng AFF Cup 2014: “Tử thần” ở đâu?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khái niệm “tử thần” chỉ mang ý nghĩa tương đối, phụ thuộc khá lớn vào mục tiêu cụ thể của mỗi đội bóng ở AFF Cup 2014.
Chia bảng AFF Cup 2014: “Tử thần” ở đâu?
Thầy trò Miura không thể xem thường bảng A

Nếu đặt mục tiêu vào bán kết, rõ ràng Việt Nam đã tránh được “tử thần” khi rơi vào bảng đấu được đánh giá dễ hơn. Nhưng nếu đặt mục tiêu cao hơn (vào chung kết hoặc vô địch), chúng ta đã gặp “tử thần”!

Bảng nào cũng khó!

Xét tương quan lực lượng, truyền thống và lịch sử, rõ ràng bảng B được đánh giá khó khăn hơn cả ở AFF Cup 2014. Đây là bảng đấu của 8 chức vô địch (Singapore 4 lần, Thái Lan 3 lần và Malaysia 1 lần). Trong khi đó, ở bảng A, Việt Nam là đội tuyển duy nhất từng vô địch AFF Cup. Bảng B đã khó lại có thêm sự góp mặt của đội nhất vòng loại nên chắc chắn thêm phần khó lường!

Bởi vậy, sau khi Phó Chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn bốc lá thăm mang chữ A1, không ít quan chức, cầu thủ và HLV tỏ vẻ mãn nguyện. Đơn giản bởi ĐT Việt Nam đã tránh được bảng “tử thần”, khái niệm được dùng để chỉ những bảng đấu mà nguy cơ bị loại được chia đều cho các đội bóng.

Tuy nhiên, trong thời đại bóng đá phát triển không ngừng, khái niệm “tử thần” đang dần bị lu mờ. Ở World Cup 2014, Costa Rica đã từng đảo lộn mọi dự đoán ở bảng D bằng cuộc nổi dậy bất ngờ. Ở khu vực Đông Nam Á cũng vậy! Khoảng cách chênh lệch giữa các đội bóng ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt khi chính sách nhập tịch vẫn đang là trào lưu phát triển.

Chẳng nói đâu xa, cứ nhìn vào Philippines! Cách đây 7 năm, đội bóng này chỉ được xem là kẻ lót đường ở AFF Cup 2007. Họ dễ dàng bị Malaysia và Thái Lan hạ đo ván với cùng tỉ số 4-0. Ở kì AFF Cup (2008) sau đó, Philippines không tham dự. Nhưng tới năm 2010, nhờ việc nhập tịch 1 số cầu thủ chất lượng, Philippines đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng, trong đó có “nạn nhân” Việt Nam.

Khi ấy, chúng ta là Nhà ĐKVĐ, vừa thắng giòn giã Myanmar 7-1 trong trận khai màn nhưng lại bất ngờ để thua Philippines 0-2. Đau đớn hơn, thất bại ấy diễn ra ngay tại SVĐ Mỹ Đình. Năm đó, Philippines và Việt Nam giành vé vào bán kết.

Cứ cho rằng Philippines ở AFF Cup 2010 chỉ là hiện tượng. Không! Năm 2012, ĐT Việt Nam lại để thua Philippines (0-1). Lần này, chúng ta đau đớn hơn vì bị loại ở ngay vòng đấu bảng sau 1 trận hòa và 2 trận thua. Năm đó, Philippines chỉ để thua Singapore (đội sau đó vô địch) với tổng tỉ số 0-1 ở bán kết.

Hai năm trôi qua, chắc chắn Philippines sẽ có bước phát triển mạnh hơn sau 2 giải đấu thành công vừa qua. Còn Indonesia vẫn là kì phùng địch thủ, là đối thủ ngang cơ Việt Nam ở bất cứ thế hệ nào nếu không muốn nói rằng họ nhỉnh hơn. Minh chứng là họ đã có tới 4 lần vào chung kết (Việt Nam chỉ 2 lần).

Thậm chí, ở thời điểm này, ĐT Việt Nam còn phải lo ngại các đối thủ đôn lên từ vòng loại như Lào hay Myanmar. Lào hiện tại đã khác nhờ cuộc cách mạng sâu rộng từ việc đào tạo trẻ, trong khi Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là thụt lùi sau thành công ở AFF Cup 2008.

Vậy lấy gì để khẳng định Việt Nam đã nằm ở một bảng đấu dễ thở. Ở 1 giải đấu 8 đội mà có tới 6 đội là ứng cử viên vô địch thì rõ ràng AFF Cup không có khái niệm “tử thần”. Hay nói đúng hơn, “tử thần” xuất hiện mọi nơi, mọi lúc. Bạn sẽ thất bại nếu không đánh giá đúng thực lực của đối thủ, giống như việc ĐT Việt Nam liên tục để thua Philippines trong 2 giải đấu gần nhất.

Khó vào chung kết

Không phải ngẫu nhiên mà sau lễ bốc thăm, tiền đạo Lê Công Vinh khẳng định muốn Việt Nam rơi vào bảng B (cùng với Malaysia, Thái Lan và đội nhất vòng loại). Nếu rơi vào bảng đấu được mệnh danh “tử thần” này, có thể thầy trò Toshiya Miura sẽ gặp khó khăn hơn bởi Malaysia và Thái Lan luôn là 2 đối thủ khó xơi với ĐT Việt Nam. Bên cạnh đó, phải kể tới nguy cơ tiềm ẩn từ đội nhất vòng loại.

Nhưng ở vòng bảng, ĐT Việt Nam có lợi thế sân nhà. Nếu tận dụng tốt lợi thế ấy để vượt qua ải tử thần, thầy trò Toshiya Miura sẽ tránh được những rủi ro lớn ở vòng bán kết để nuôi tham vọng góp mặt trong trận chung kết. Nói một cách đơn giản, đây là bước đi kiểu “khó trước, dễ sau”.

 


Năm 2008, trước khi lên ngôi vô địch, ĐT Việt Nam từng rơi vào bảng đấu khó khăn

Nhưng thực tế, ĐT Việt Nam nằm ở bảng A. Có nghĩa rằng nếu vượt qua vòng bảng, thầy trò Toshiya Miura sẽ đối mặt với những thách thức lớn ở vòng bán kết. Đó là 3 đối thủ đã từng giành chức vô địch AFF Cup và được đánh giá rất cao ở giải năm nay (Thái Lan, Malaysia và Singapore). Cơ hội vào chung kết của thầy trò Toshiya Miura chắc chắn sẽ giảm đi rõ rệt!

Thực tế, trong quá khứ, ĐT Việt Nam đã 2 lần vào chung kết và ở 2 lần ấy, chúng ta đều nằm ở bảng đấu được đánh giá khó khăn. Năm 1998, Việt Nam nằm cùng bảng với Singapore và Malaysia, trong khi bảng đấu còn lại chỉ có Thái Lan và Indonesia được đánh giá cao.

Còn vào năm 2008, Việt Nam nằm cùng bảng với Thái Lan và Malaysia. Chúng ta thi đấu vòng bảng rất chật vật khi thua Thái Lan 0-2 và chỉ thắng Malaysia sát nút 3-2 nhờ sai lầm của đối phương. Nhưng ở giải đấu đó, thầy trò Henrique Calisto đã tiến tới trận chung kết và giành chức vô địch đầu tiên.

Trong khi đó, ở nhiều giải đấu mà Việt Nam được đánh giá là “dễ thở”, chúng ta thường thất bại ở vòng bán kết. Ví như năm 2010, thầy trò Henrique Calisto để thua Malaysia dễ dàng với tỉ số 0-2. Năm 2012 còn tệ hơn khi chúng ta không thể vượt qua vòng bảng!

Thế nên, mọi dự đoán đều mang tính tương đối. Nếu đặt mục tiêu vào bán kết, rõ ràng Việt Nam đã tránh được “tử thần” khi rơi vào bảng đấu được đánh giá dễ hơn ở AFF Cup 2014. Nhưng nếu đặt mục tiêu cao hơn (vào chung kết hoặc vô địch), chúng ta đã gặp “tử thần”!


Bảng đấu cụ thể ở AFF Cup 2014

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật