Bí quyết quản lý công tác chủ nhiệm lớp

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý của người hiệu trưởng.
Bí quyết quản lý công tác chủ nhiệm lớp
Ảnh minh họa

Qua một quá trình nghiên cứu khá công phu, cô Vũ Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng An (Hưng Yên) chia sẻ những biện pháp khả thi giúp người Hiệu trưởng quản lý tốt công tác này.

3 công đoạn

3 công đoạn không thể thiếu trong công tác quản lý công tác chủ nhiệm lớp là: Kế hoạch hoá hoạt động chủ nhiệm lớp; tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch hoá trong quản lý giáo dục về bản chất là xây dựng chương trình hành động của nhà trường theo năm học, nhằm đảm bảo thực hiện chất lượng giáo dục.

Kế hoạch của nhà trường là chương trình hành động tập thể sư phạm được xây dựng trên cơ sở những chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giáo dục, được vận dụng và thực hiện trong những điều kiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm của trường. Chương trình hành động này bao gồm các chi tiết: Mục tiêu chất lượng, nội dung công tác, thời gian, hoạt động và phân công người chịu trách nhiệm và dự kiến sản phẩm.

Tổ chức thực hiện kế hoạch: Phân công rõ ràng từng nội dung công việc đến từng người thực hiện. Sự phân công phải cụ thể: Nội dung công việc, thời gian hoàn thành, chất lượng sản phẩm.

Xác lập cơ cấu phối hợp các bộ phận chức năng để công việc được tiến hành đồng bộ, toàn diện, đúng với tiến độ của kế hoạch chung.

Nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn bằng cách rút kinh nghiệm thường xuyên nghiên cứu áp dụng các kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn… Tiếp nhận các nguồn bổ sung nhân sự, vật chất thiết bị, tài chính và các tài liệu thông tin khoa học mới phục vụ cho công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.

Huy động toàn bộ lực lượng trong trường tích cực hoàn thành công việc đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng

Giám sát thực hiện công việc và điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý, tháo gỡ khó khăn và những trở ngại trong quá trình thực hiện kế hoạch, uốn nắn kịp thời những lệch lạc theo đúng quỹ đạo của chương trình chung

Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch gồm: Kiểm tra đánh giá tình trạng ban đầu; kiểm tra đánh giá tiến độ công việc; phát hiện sai sót, lệch lạc; tìm nguyên nhân để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời; tổng kết rút kinh nghiệm theo học kỳ và cả năm học để có những bài học bổ ích cho việc kiểm tra ở các năm sau.

Nâng cao nhận thức về đổi mới quản lý công tác chủ nhiệm

Để bồi dưỡng nâng cao nhận thức về đổi mới quản lý giáo dục trong trường, hiệu trưởng cần tổ chức cho các giáo viên:

Không ngừng học tập, nghiên cứu các chủ trương chính sách của Đảng, chính phủ, đặc biệt là các chủ trương, chính sách trong thời kỳ đổi mới, chú trọng chủ trương đổi mới công tác quản lý giáo dục

Nắm vững hệ thống các mục tiêu quản lý của trường tiểu học, trong đó có mục tiêu quản lý công tác chủ nhiệm lớp trong giai đoạn mới.

Người giáo viên phải thấy được vị trí, vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp đối với việc thực nhiệm vụ chính trị của bậc học, với việc thực hiện nhiệm vụ năm học. Ngày nay trong thời kỳ đổi mới, phải nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi phải có đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong ứng xử sư phạm và lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm với học sinh.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực làm giáo viên chủ nhiệm

Người hiệu trưởng kết hợp với các bộ phận chức năng xây dựng kế hoạch chiến lược về công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên chủ nhiệm; khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng…

Công khai kế hoạch, quy hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm ở từng giai đoạn đến từng thành viên trong nhà trường để các bộ phận, các cá nhân chủ động sắp xếp công việc tham gia vào khoá đào tạo, bồi dưỡng một cách chủ động, hiệu quả.

Tổ chức tọa đàm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của chính các giáo viên làm công tác chủ nhiệm giỏi trong trường, qua đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để vận dụng xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp của trường…

Thực hiện quản lý công tác giáo viên chủ nhiệm lớp một cách khoa học

Trước hết, người hiệu trưởng cần phải quản lý công tác chủ nhiệm lớp một cách có hệ thống, tạo nên một thể thống nhất, hoàn chỉnh và đảm bảo cho quá trình đó đạt được hiệu quả tối ưu. Hay nói cách khác, phải nhìn nhận quá trình đó ở trong trường dưới góc độ bao quát và toàn diện.

Cụ thể là, phải xác định được các thành tố trong quản lý công tác chủ nhiệm lớp, gồm: Quản lý những con người cụ thể là các thầy, cô giáo làm chủ nhiệm lớp; quản lý hoạt động của người giáo viên; quản lý những công việc cụ thể.

Quản lý các mối quan hệ: Giữa giáo viên chủ nhiệm lớp với học sinh, mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm lớp với giáo viên khác, giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh, với xã hội.

Quản lý hoạt động kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nền nếp của học sinh, đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Quản lý hồ sơ của chủ nhiệm lớp; quản lý việc sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

Để quản lý tốt công tác chủ nhiệm lớp, đảm bảo hệ thống vận hành đúng yêu cầu người hiệu trưởng cần phải:

Hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho giáo viên làm chủ nhiệm lớp một cách rõ ràng;

Có kế hoạch kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ đã giao;

Có hệ thống công cụ để theo dõi, kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện và chất lượng các nhiệm vụ được giao;

Động viên, khuyến khích kịp thời những việc làm, rút kinh nghiệm, uốn nắn những sai lệch một cách nghiêm túc, thường xuyên.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo cho phó hiệu trưởng, tổ trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quản lý hoạt động chủ nhiệm lớp.

Phối hợp các lực lượng

Hiệu trưởng cần có kế hoạch kết hợp giữa các lực lượng trong nhà trường với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để làm tốt công tác giáo dục. Kết hợp giữa công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, giáo viên bộ môn với giáo viên chủ nhiệm lớp để làm tốt công tác tổ chức thực hiện nền nếp, thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường.

Hiệu trưởng cũng phải có kế hoạch tổ chức các hoạt động của giáo viên chủ nhiệm lớp với lực lượng ngoài nhà trường như việc tổ chức họp phụ huynh học sinh, tổ chức giáo dục truyền thống quê hương, giáo dục những nét văn hoá quê hương, làm tốt công tác an ninh, trật tự trong nhà trường, phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn giao thông. Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong công tác giáo dục học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm phải báo cáo thường xuyên và định kỳ với hiệu trưởng về tình hình mọi mặt của lớp. Khi có thay đổi giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc học sinh chuyển lên lớp trên thì giáo viên chủ nhiệm cũ phải bàn giao cụ thể tình hình mọi mặt của lớp cho giáo viên chủ nhiệm mới.

Lồng ghép nội dung này trong quy chế khen thưởng chung của nhà trường, tạo sự khuyến khích các lực lượng tham gia công tác chủ nhiệm lớp

Xây dựng quy chế quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp gắn với công tác thi đua

Hiệu trưởng tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ các văn bản, thông tư về quy chế quản lý giáo viên, quản lý học sinh và tổng hợp thành văn bản của đơn vị. Trong văn bản đó cần cụ thể hoá những chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong nhà trường, ghi rõ nội dung công việc, đề ra yêu cầu cụ thể.

Tổ chức cho giáo viên thảo luận để đi đến thống nhất thành nghị quyết chung cho toàn bộ hội đồng sư phạm nhà trường.

Tổ chức thực hiện theo quy trình quản lý: Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh, làm cơ sở rút kinh nghiệm qua các lần đánh giá.

Xây dựng các tiêu chí đánh giá thi đua đánh giá hoạt động chủ nhiệm lớp; thi giáo viên chủ nhiệm giỏi hằng năm. Xây dựng tiêu chí đánh giá giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá công tác chủ nhiệm lớp

Nội dung kiểm tra, đánh giá công tác chủ nhiệm lớp bao gồm:

Kiểm tra việc thực hiện nền nếp của lớp hàng ngày: Như nền nếp đi học đúng giờ, trực nhật, vệ sinh, tập thể dục giữa giờ, trang trí lớp, bảo vệ của công; căn cứ vào những quy định cụ thể của trường để đánh giá cho điểm; công bố công khai trước toàn trường.

Những quy định của trường về cách đánh giá cho điểm được bàn bạc công khai, dân chủ

Kiểm tra việc ghi lý lịch của học sinh vào sổ kiểm tra đánh giá học sinh: Căn cứ vào kế hoạch được giao giáo viên chủ nhiệm phải ghi đầy đủ thông tin vào sổ.

Nghe chủ nhiệm báo cáo về hoàn cảnh đặc biệt của học sinh, diện con thương binh liệt sĩ, thương bệnh binh, hộ đói nghèo, những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, nghe giải pháp của giáo viên chủ nhiệm trong việc giúp đỡ học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Kiểm tra việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm, học lực học sinh cuối học kỳ, cuối năm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, những quy định cụ thể của trường về xếp loại hạnh kiểm, học lực của học sinh.

Căn cứ vào yêu cầu nội dung các môn học, kiểm tra việc đánh giá của giáo viên chủ nhiệm có đúng không.

Kiểm tra đột xuất: Dự các giờ sinh hoạt lớp để đánh giá việc tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật