Khó tiêu tiền cho chính phủ điện tử

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai hy vọng trong tháng này hoặc tháng tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quản lý đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách.
Khó tiêu tiền cho chính phủ điện tử
Thứ trưởng Trần Đức Lai (người đang nói) chủ trì buổi thảo luận tại Hội thảo Quốc gia về CPĐT Việt Nam. Ảnh: NM

Ngày 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2008, với 2 chuyên đề: hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho chính phủ điện tử (CPĐT) và chuyên đề tài chính, đầu tư và một số vấn đề khác liên quan đến CPĐT.

Tại Hội thảo chuyên đề về Tài chính và đầu tư cho CPĐT, hầu như không có một con số nào được đưa ra về số tiền mà Việt Nam đã đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Khi được hỏi, ông Lê Thành Trung, Phó trưởng phòng Đầu tư tài chính, Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT), đã trả lời "khó có thể nói được số tiền". Một số đại biểu khác cho rằng khó có con số thống kê đầy đủ vì việc ứng dụng CNTT ở địa phương, bộ ngành tùy thuộc vào điều kiện ngân sách của mình. Hơn nữa, việc lấy tiền từ ngân sách đầu tư cho CNTT cũng không dễ.

Trao đổi bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Trần Đức Lai công nhận đầu tư cho dự án CNTT có đặc thù là không lớn như các dự án xây dựng cơ bản khác, nhưng lại có cái khó hơn so với lĩnh vực khác.

Đó là hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam điều chỉnh các lĩnh vực về đầu tư xây dựng cơ bản, hầu như thuần túy về đầu tư xây dựng cơ bản, trong khi đó CNTT lại có những đặc thù riêng biệt. Chẳng hạn như, xây dựng cơ bản tập trung đầu tư nhanh để hoàn thành công trình, chi phí xây dựng lớn. Nhưng với CNTT, vấn đề quan trọng nhất là khi thiết lập dự án, việc tư vấn, thiết kế để có một hệ thống thích hợp, lộ trình triển khai tốt là rất quan trọng. Do đó, Thứ trưởng Trần Đức Lai nói việc áp dụng đầu tư CNTT vào xây dựng cơ bản rất khó, khó từ xây dựng định mức, quy trình, thủ tục đến tiêu chí.

Sự thất bại của đề án 112 là một ví dụ. Thứ trưởng Lai cho rằng 112 là một đề án có mục tiêu tốt, nhưng triển khai chưa tốt. Theo ông, rõ ràng trong quá trình triển khai, nhất là về tài chính đầu tư vì chưa đầy đủ các quy trình thủ tục hướng dẫn nên mỗi người vận dụng một kiểu, do đó có những sai phạm về tài chính, đầu tư. Đây là một bài học và chúng ta có thể rút ra để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho những dự án CNTT sau này. Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều nhiều văn bản hướng dẫn để tháo gỡ, song vẫn chưa đủ. Thứ trưởng hy vọng sắp tới chính phủ sẽ ban hành một nghị định tổng thể nhất về vấn đề đầu tư tài chính cho CNTT, đó là Nghị định quản lý đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Thứ trưởng cho biết hiện đã có những nghiên cứu tương đối đầy đủ về vấn đề này và hy vọng chính phủ ban hành sớm trong tháng này hoặc tháng sau.

Ông Wie-Choong Lam, Giám đốc quản lý Công ty Veros Consulting, một diễn giả tại Hội thảo cho biết ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT vấn đề quan trọng nhất là lãnh đạo. Khi được hỏi Việt Nam cần bao nhiêu tiền để đạt được sự thành công về CPĐT như Singapore hiện nay, ông Wie-Choong Lam nói: “Vấn đề không phải là các bạn sẽ chi bao nhiêu. Chẳng hạn như, dự án CPĐT ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada, có những dự án tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng cuối cùng dự án cũng bị xóa bỏ, vậy tiền có giúp thành công cho CPĐT không?”. Theo ông Wie-Choong Lam, điều quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của CPĐT là sự lãnh đạo, ủng hộ của chính phủ. Singapore bắt đầu cuộc hành trình triển khai CPĐT từ đầu những năm 1980, đã trải qua 25 năm và đến bây giờ mới đạt được những thành công đầu tiên của CPĐT.

Ngày mai (17/12), Hội thảo chính về CPĐT Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra với sự tham gia của các cấp lãnh đạo như Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp và nhiều lãnh đạo cao cấp, chuyên gia trong và ngoài nước khác.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật