2008 và Top 10 câu chuyện IT (kỳ II)

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc khủng khoảng tín dụng đã trở thành câu chuyện của mọi nhà trong năm 2008: từ các hãng bán lẻ, hãng sản xuất ô tô, người tiêu dùng cho tới các chuyên gia công nghệ.
2008 và Top 10 câu chuyện IT (kỳ II)
Nguồn: CNET

Rồi vẫn phải kể đến những vụ sáp nhập cỡ lớn như HP mua lại EDS. Sự ra mắt của những sản phẩm rất được chờ đợi như ĐTDĐ Google G1.

Cuộc chiến định dạng kết thúc sau 6 năm dằng dai, với chiến thắng thuộc về công nghệ Blu-ray. Microsoft góp mặt trong rất nhiều câu chuyện đáng chú ý nhất năm qua, từ việc chính thức nghỉ hưu của Bill Gates cho đến vở kịch nhiều hồi Micro-hoo.

Hãy cùng IDG điểm lại 10 câu chuyện IT tiêu biểu nhất năm 2008.

6. Cuộc chiến định dạng kết thúc

Nguồn: PCW

Tháng 2 năm nay, Toshiba chính thức thông báo sẽ ngừng sản xuất các sản phẩm HD DVD, nhường lại chiến thắng cho Sony và định dạng Blu-ray.

Động thái này đã đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến định dạng kéo dài 6 năm trời, nhằm tranh giành vị trí "kẻ thay thế DVD".

Cú đòn quyết định "hạ gục" Toshiba chính là việc hãng phim đại gia Warner Bros tuyên bố sẽ ngừng phát hành phim bằng HD DVD để toàn tâm toàn ý hỗ trợ Blu-ray.

Trước đó, hồi tháng 1, chuỗi siêu thị khổng lồ Wal-mart cũng thông báo sẽ ngừng bán các sản phẩm HD DVD do doanh số tiêu thụ không như mong đợi.

Mặc dù vậy, cũng khó kết luận Blu-ray là kẻ chiến thắng tuyệt đối cho tới thời điểm này.

Cả hai phe HD DVD lẫn Blu-ray đều đã rót hàng trăm triệu USD vào cuộc chiến định dạng.

Nhiều khi không phải để cải tiến cho sản phẩm tốt hơn mà chỉ nhằm "ve vãn" các hãng cung cấp nội dung. Chưa hết, cuộc chiến kéo dài còn khiến người dùng rối tung, lẫn lộn và e dè khi mua sắm.

Tương tự, khâu lưu kho của các hãng bán lẻ trở nên khó khăn hơn. Nhận thức rõ điều này, Sony đã thừa nhận "bán hàng" không phải là mục tiêu chính của hãng trong năm nay.

Nguyên do là vì giá đầu đĩa lẫn đĩa phim Blu-ray quá cao, song Sony và các hãng đồng minh lại không muốn giảm giá nhiều sau khi đã vung tiền "cật lực" vào cuộc chiến.

7. "Vua thư rác" ngã ngựa

Nguồn: SecurityLabs

Cuối tháng 10 vừa qua, McColo, một công ty có trụ sở tại California và chịu trách nhiệm về hàng loạt chiến dịch tội phạm mạng, đã bị đóng cửa. Gần một nửa số lượng thư rác của toàn mạng Internet biến mất.

Công đầu thuộc về nhà báo Brian Krebs của tờ Washington Post. Chính anh đã gây sức ép buộc các ISP phải ngăn chặn dịch vụ của McColo.

Vấn đề là không có sự hậu thuẫn từ cảnh sát và các cơ quan liên bang, chẳng có gì đảm bảo là những công ty như McColo sẽ giải nghệ vĩnh viễn cả.

Một dân thường như Krebs không có quyền hạn để lục soát và niêm phong các công nghệ trung tâm dữ liệu.

Mà chỉ có việc làm trên mới có thể vĩnh viễn đánh sập hoạt động của McColo mà thôi.

Nhiều chuyên gia bảo mật cho biết sau một thời gian tạm lắng, số lượng thư rác lại đang tăng nhanh. Họ nghi ngờ McCola, bằng cách này hay cách khác, đã "tái xuất giang hồ".

Chừng nào luật pháp và các lực lượng tư pháp quốc tế chưa thực sự hiệu quả, chiến thắng trước vấn nạn thư rác sẽ chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi.

8. XP muôn năm

Một sự kiện mà chẳng ai mong chờ cuối cùng cũng xảy đến vào ngày 30/6.

Máy tính cá nhân xuất xưởng sẽ không còn được cài sẵn hệ điều hành 7 năm tuổi Windows XP nữa.

Microsoft cũng ngừng hỗ trợ kỹ thuật cho hệ điều hành này, với hy vọng thuyết phục (bắt ép thì đúng hơn) người dùng chuyển sang xài Vista.

Điều tồi tệ là Vista dính quá nhiều lỗi, ngốn quá nhiều tài nguyên của máy và không tương thích với hàng loạt phần cứng/phần mềm hiện hành.

Với nhiều người, Vista chẳng khác gì cơn ác mộng. Điều đó càng khiến cho họ quyến luyến và tiếc nuối XP hơn.

Hệ quả là hàng loạt chiến dịch vận động Microsoft "kéo dài tuổi thọ" cho XP đã được phát động. Một số hãng như Dell còn tranh thủ "kiếm chác" từ xu thế này, khi đồng ý cài đặt lại XP cho các máy tính Windows Vista với một mức phí nhất định.

Mặc dù Microsoft đã cố gắng khắc phục và trau chuốt Vista rất nhiều, song hệ điều hành này vẫn chẳng nhận được sự tôn trọng từ giới IT.

Tuy nhiên, các fan của XP vẫn có thể chạm tay vào hệ điều hành này nếu như bạn mua notebook giá rẻ.

Theo cam kết mới nhất của Microsoft, hãng sẽ vẫn tiếp tục cung cấp Window XP cho các hãng sản xuất máy tính xách tay bình dân đến hết ngày 30/6/2010.

9. Chính trị 2.0: Ông Obama biến công nghệ thành vũ khí

Nguồn: AP

Có thể nói, tân Tổng thống Mỹ là người tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử có tổ chức và có hiệu quả nhất trong lịch sử.

Sức mạnh điện toán, công nghệ cơ sở dữ liệu, mạng xã hội ảo, quản lý danh sách email chính là những trục xương sống trong chiến dịch của ông.

Những người ủng hộ Obama có thể tạo ra bảng tin trực tuyến trên website của ông, từ đó kết nối các hoạt động tình nguyện dễ dàng hơn.

Công nghệ di động cũng được sử dụng tích cực để nhắm đến giới trẻ và bộ phận những người mê công nghệ.

10. Hoàng hôn của kỷ nguyên Bill Gates

Nguồn: Getty Image

30/6/2008: Ngày làm việc chính thức cuối cùng của Bill Gates tại Microsoft.

Đó là một cột mốc đáng nhớ không chỉ với riêng Gates, mà còn là của cả ngành công nghệ toàn cầu.

Gates không phải là người phát minh ra máy tính cá nhân, nhưng ông đã "đẻ" ra cả ngành công nghiệp PC.

Công ty của ông đã cung cấp một nền tảng phần mềm để máy tính và ứng dụng từ các hãng khác nhau có thể liên thông, làm việc với nhau.

Năm 1981, khi còn là một doanh nhân trẻ măng, Gates đã giành được hợp đồng cung cấp hệ điều hành cho máy tính của gã khổng lồ IBM.

Có thể nói, sự nghiệp của Gates phản chiếu rõ những bước đi của thị trường máy tính cá nhân, từ khi chập chững cho tới lúc trở thành "vật dụng mọi nhà" như hiện nay.

Có thể bây giờ, vai trò của PC không còn sừng sững như trước, do nó bị cạnh tranh quyết liệt bởi ĐTDĐ. Nhưng phần mềm điện toán cá nhân thì vẫn góp mặt trong hàng tỷ thiết bị, dưới mọi kích cỡ và kiểu dáng.

Và dù đã nghỉ hưu, song Gates vẫn còn khá trẻ. Ông vẫn còn cơ hội để tạo ra những ảnh hưởng lớn tới các lĩnh vực khác ngoài máy tính.

Trọng Cầm (Theo PCWorld)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật