Trí tuệ nhân tạo Việt Nam tiệm cận với thế giới

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hội nghị trí tuệ nhân tạo PRICAI-08 diễn ra tại ĐH Bách Khoa Hà Nội từ ngày 16/12 đến 19/12 được đánh giá là sự kiện học thuật trình độ cao hiếm khi tổ chức tại Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo Việt Nam tiệm cận với thế giới
Giáo sư Hồ Tú Bảo phát biểu tại Hội nghị PRICAI-08. Ảnh: Tuấn Linh
Cuộc hội ngộ đẳng cấp quốc tế

Nằm trong nhóm các Hội nghị Trí tuệ nhân tạo có thứ hạng cao của quốc tế như IJCAI, ECAI và AAAI của Mỹ, PRICAI là hội nghị trí tuệ nhân tạo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được hình thành từ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhà khoa học Nhật Bản.

Các hội nghị quốc tế ngành nghệ thông tin có nhiều thứ bậc trong đó có nhiều hội nghị được khuyến cáo là không nên tham dự xuất phát từ lý do chất lượng. Hội nghị tầm cỡ PRICAI thường có tỷ lệ nhận tham luận dưới 30%. Tại PRICAI-08, trong số 234 tham luận được gửi tới từ tháng 6/2008 chỉ có 82 bài được tham gia trình bày tại hội nghị.
Đối với các nước đang phát triển và có năng lực nghiên cứu chưa cao, rào cản tài chính của những hội nghị như PRICAI cũng là một vấn đề lớn. Để tham dự hội nghị, đại biểu thường phải chi phí từ 2.000 đến 3.000 USD gồm phí máy bay, phí hội nghị và ăn ở. Giáo sư Hồ Tú Bảo, viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, đồng trưởng Ban tổ chức và Ban chương trình PRICAI-08 cho biết: "Cán bộ ta thường chỉ có thể có kinh phí đi hội nghị nếu có bài, nhưng lại rất khó có bài ở những hội nghị thứ hạng cao là nơi có thể học được rất nhiều, khác với các hội nghị thứ hạng thấp là nơi dễ đến nhưng không có nhiều thứ để học".

Vì vậy, sự kiện PRICAI-08 tổ chức ở Việt nam lần này mang lại cơ hội cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tham gia một sinh hoạt học thuật quốc tế với chi phí thấp. Trong số 21 bài tham luận của các chuyên gia Việt Nam, đã có 8 bài được tuyển chọn để trình bày tại hội nghị. Không chỉ những nhà nghiên cứu, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam có thể tham dự hội nghị miễn phí nên đây là cơ hội giao lưu, học hỏi tốt cho nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

Các tham luận trình bày trong hội nghị được phân thành 4 chủ đề chính về: "Thu nhận tri thức", "Xử lý ngôn ngữ tự nhiên", "Tính toán mềm", "Tin sinh học".  Ngoài ra, đại biểu và người tham dự hội nghị còn được nghe thuyết trình của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong khu vực như: Giáo sư Paul Cohen, ĐH Arizona, Mỹ với "Các phương pháp thực nghiệm trong trí tuệ nhân tạo"; Giáo sư Chengqi Zhang, ĐH Công nghệ Sydney, Australia với "Tác tử và khai phá dữ liệu"...

Triển vọng trí tuệ nhân tạo của Việt Nam

Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực của tin học của công nghệ thông tin, nhằm làm cho máy có những khả năng của trí tuệ con người, như biết suy nghĩ, lập luận, hiểu ngôn ngữ và tiếng nói, biết tự đọc để có kiến thức mới, biết điều chỉnh để thích nghi với môi trường...

Ngành trí tuệ nhân tạo đã phát triển trên thế giới hơn 50 năm, ngay sau khi máy tính điện tử ra đời. Những ví dụ tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo như người máy thông minh Asimo, máy tính thắng vô địch quốc tế cờ vua Garry Kasparov, tìm kiếm thông tinh trên internet...

Từ năm 1970, môn trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên ngành tin học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ban đầu, bộ môn có tên gọi "Trí khôn nhân tạo" sau được chuyển thành "Trí tuệ nhân tạo". Sự thay đổi này đánh dấu nhận thức của giới chuyên môn và khả năng ứng dụng của môn học vào thực tiễn cuộc sống ở Việt Nam. "Sự khác biệt giữa "khôn" và "tuệ" nằm ở nhận thức về khả năng "tự học" của máy tính", giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, viện Tin học Pháp ngữ, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết.

Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy nói về hành trình trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Ảnh: Tuấn Linh

Hiện ở Việt Nam Trí tuệ nhân tạo phát triển theo xu hướng nghiên cứu trí tuệ tính toán và có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, nhất là việc nâng cao hiệu năng làm việc của hệ thống máy tính. Sản phẩm ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu được triển khai từ những năm 1980 với sự ra đời của các hệ chuyên gia. Một trong những ứng dụng hiệu quả là hệ chuyên gia hỗ trợ đánh giá cảm quan thực phẩm của nhóm nghiên cứu do giáo sư Hà Duyên Tư, giáo sư Nguyễn Thanh Thủy thực hiện. Hệ thống này đã được dùng trong công tác đánh giá sản phẩm đầu ra của ngành Công nghệ thực phẩm.

Năm 1999, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội Bùi Quốc Bảo kết hợp với kiện tướng Đặng Vũ Dũng viết "Chương trình cờ điểm", một loại trò chơi dựa trên kiến thức về trí tuệ nhân tạo giành được giải chính thức trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam. Năm 2001, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Cuộc thi lập trình cờ tướng đã thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên. Những sự kiện này đánh dấu sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống cũng như hoạt động học tập nghiên cứu của sinh viên.

Sang những năm 2000, trí tuệ nhân tạo Việt Nam phát triển sang hướng khai phá dữ liệu, nâng cao khả năng học tập của máy tính. Điển hình cho ứng dụng của sự phát triển này là chương trình diệt virus D2 của Thạc sỹ Trương Minh Nhật Quang, ĐH Cần Thơ. Từ "tìm diệt", D2 đã được trang bị khả năng "chẩn đoán" và diệt virus. "Khi chương trình có thể "chẩn đoán" tức là máy đã có khả năng học hỏi, biểu hiện của trí thông minh", giáo sư Nguyễn Thanh Thủy nói.

Trong tương lai, Trí tuệ nhân tạo càng có vai trò to lớn trong sự phát triển của khoa học và xã hội. Đánh giá vai trò của Trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Hồ Tú Bảo nhận định: "Có thể nói rằng trí tuệ nhân tạo là một phần quan trọng của Công nghệ thông tin khi ta muốn phát triển phần mềm".
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật