Văn chương chuyển ngữ... rợn tóc gáy!

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự cẩu thả, thô thiển trong bản dịch cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel văn chương “Tình ơi là tình” (Die Liebhaberinnen, của nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek) đến mức có độc giả khi đọc xong chỉ còn biết kêu… trời!
Văn chương chuyển ngữ... rợn tóc gáy!
Bìa cuốn "Tình ơi là tình". (Ảnh: TTOL).

 

Bản dịch cuốn tiểu thuyết “Tình ơi là tình” do NXB Đà Nẵng và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam xuất bản và phát hành.

 

Phải bỏ cuộc ở trang... 25

 

Khi nhận được những phản ánh từ bạn đọc, phóng viên đã tìm mua tiểu thuyết Tình ơi là tình để tìm hiểu thực hư. Quả thật, cuốn sách dày 274 trang thì có đến… 264 trang được trình bày cẩu thả, lỗi câu một cách sơ đẳng: đầu dòng, đầu đoạn, danh từ riêng… không một chữ viết hoa!

 

Từ trang 11 đến trang 274, người dịch hầu như không hề để ý đến việc chấm phẩy, xuống dòng hay viết hoa đầu dòng, kể cả tên các nhân vật, người dịch cũng chẳng buồn… viết hoa. Nhiều đoạn chỉ có 1 câu và câu này không được viết hoa đầu dòng, kể cả danh từ riêng. Chẳng lẽ đây là… nghệ thuật(?!). Thậm chí có những từ được dịch sang tiếng Việt một cách thiếu văn hóa, thô thiển và tục tĩu như: ỉa, cứt, nịt vú, liếm đít… Có những đoạn chỉ có 3 câu với 60 từ nhưng người dịch đã dùng đến 5 từ tục, thiếu văn hóa như vừa kể trên.

 

Anh Nguyễn Thái H., một trong những người được coi là “mọt sách”, bức xúc: “Khi tôi mua cuốn Tình ơi là tình, tôi đọc phần giới thiệu tác giả, lời bạt cũng như những nhận xét của các nhà văn, nhà nghiên cứu về tác phẩm đó. Điều khiến tôi tin tưởng hơn, đó là tác phẩm này đạt giải Nobel văn chương năm 2004.

 

Tôi được biết Tình ơi là tình là một tác phẩm hay và rất độc đáo. Thế nhưng, khi đọc bản dịch Việt ngữ thì không thể chấp nhận được. Cả mấy trăm trang sách hầu như không viết hoa đầu dòng cũng như tên nhân vật; chấm, phẩy loạn xạ, xuống dòng một cách tùy tiện.

 

Tôi đã đọc rất nhiều bộ sách, nhưng đây là cuốn sách đầu tiên tôi không thể đọc quá trang 25, mặc dù nó dày đến 274 trang. Đây là cuốn sách được dịch từ tiếng nước ngoài nên việc chọn từ ngữ sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt để tránh những phả‌ּn cả‌ּm nhất định là cần thiết”.

 

Đúng là “vất vả”!

 

Ở phần đầu cuốn sách, dịch giả Lê Quang có viết: Tình ơi là tình đôi khi gây sốc bằng một giọng điệu rất Jelinek, nhưng nhờ đó mà cuộc sống nội tâm của mấy người đàn bà đầy rẫy nhẫn nhục và ngây thơ được mổ xẻ một cách kiệt xuất. Đó cũng là trở ngại lớn khi chuyển tải tác phẩm sang tiếng Việt, không chỉ đơn thuần vì chẳng dễ dịch các kiểu chơi chữ hay đặt chấm phẩy có vẻ như tùy tiện để tạo nhịp câu, mà bối cảnh câu chuyện đòi độc giả phải vất vả đọc giữa hai dòng chữ để hiểu và liên tưởng. (...)

 

Và tôi mạn phép được trích đáp từ của chính tác giả để xin thứ lỗi cho khiếm khuyết nào xảy ra trong quá trình chuyển ngữ: “Thật khổ cho các nhà dịch thuật! Họ phải viết lại hoàn toàn công việc của tôi bằng ngôn ngữ nước họ để cho tác phẩm có thể chứa đựng giá trị nguyên gốc. Những trò chơi ngôn ngữ chỉ được yêu thích ở những nơi được phép. Và chỉ những nhà văn mới yêu thích trò chơi này”. Tôi rất mong bà chỉ nói dỗi để làm dáng, hoặc đoán lầm!

 

Tuy nhiên, trong phần này lại chẳng thấy dịch giả lý giải việc tại sao lại không in hoa những từ đầu dòng, đầu câu, đầu đoạn và những danh từ riêng?

 

Độc giả cần một câu trả lời từ NXB Đà Nẵng và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam.

 

Theo Nguyên Khôi

Sài Gòn Giải Phóng

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật