“Ký sự vùng cao” hút khán giả

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi loạt serie chương trình “Ký sự vùng cao” do Ban biên tập Truyền hình tiếng dân tộc thực hiện được phát sóng trên kênh VTV1, rất nhiều khán giả đã gửi thư về bày tỏ sự cảm phục và tình cảm sâu sắc dành cho những người làm chương trình. VTV.vn xin trích đăng lại những dòng tâm sự của bạn Vũ Đình Năm ở Pleiku.
“Ký sự vùng cao” hút khán giả
(Ảnh: Quốc Khánh_VTV5)

Là một người làm báo không chuyên, hiện đang công tác trên vùng đất Tây Nguyên, nhưng từ khi Ban biên tập tiếng Dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam phát sóng loạt serie chương trình “Ký sự vùng cao”, tôi thực sự cảm thấy phấn chấn, hồi hộp. Hàng ngày, tuy phải làm việc ở cơ quan rất bận rộn, tối đến toàn thân cũng thấm mệt, nhưng sở thích muốn được “khám phá” đất nước trên màn ảnh nhỏ nên ngày nào tôi vẫn gắng đợi đến 23h20’ để được đón xem từ tập đầu tiên của chương trình.

Nhiệt huyết, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, những người làm chương trình “Ký sự vùng cao” đã đậm ghi tính chân thực và rất sinh động về đời sống, lối sinh hoạt thường ngày của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau. Từ đó, giúp tôi và các độc giả VTV1 được bổ sung thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu biết hơn về tình yêu thiên nhiên, đất nước. Sự hoà quyện giữa những con người rất đỗi mộc mạc, chất phát với thiên nhiên hùng vĩ tại các vùng sơn cước đã để lại những dấu ấn không thể phai về sự hoang sơ của núi rừng, về đời sống và những nét văn hóa phong tục tập quán, văn hoá ẩm thực.. ở nhiều vùng, nhiều miền trong lòng độc giả xem truyền hình.

Một bản miền núi qua góc máy của PV VTV5

Cứ mỗi tập phát sóng, chương trình như đang dẫn dắt tôi đến với từng bản làng heo hút, biết kỹ hơn về cuộc sống mỗi dân tộc anh em, mỗi dòng họ, bản sắc văn hoá từng vùng.. Có những dân tộc ít người, xưa nay tôi chỉ mới được đọc tên trên sách báo, nhưng qua hình ảnh sống động của chương trình “Ký sự vùng cao” đã trở nên gần gũi, thân thương từ cách làm, đến suy nghĩ, sinh hoạt.

Chẳng hạn như dân tộc Lô Lô ở tỉnh Hà Giang (nơi địa đầu của tổ quốc) sống ở lưng chừng núi, quanh năm mù sương, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng họ đang cố vươn lên làm chủ thiên nhiên. Hay những đôi nam nữ ở chợ tình Khâu Vai thật lãng mạng, mộc mạc, sâu nặng. Đời sống của những người dân, chiến sỹ bộ đội biên phòng sống cột mốc số 0 ở vùng cực Tây của tổ quốc (Apa Chải - Điện Biên)..

Đoàn làm phóng sự của VTV5 chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc số 0 với các chiến sỹ bộ đội

Theo dõi chương trình, tôi nhận thấy hầu hết cuộc sống của đại bộ phận dân cư vùng sơn cước của nước ta vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu do vị trí địa lý, khí hậu, độ màu mỡ của đất đai, trình độ văn hoá của người dân bản địa.. nhưng mỗi nơi lại ẩn chứa nét văn hoá truyền thống rất độc đáo, tinh tế. Thông qua chương trình “Ký sự vùng cao”, nét đẹp độc đáo của từng dân tộc, từng vùng đã góp phần gắn kết người dân Việt Nam chúng ta gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn, tô thắm thêm bức tranh toàn cảnh Việt Nam rực rỡ, sinh động và nhân văn.

Mỗi việc làm tốt, mỗi cách làm hay, sự đoàn kết gắn bó keo sơn trong đời sống cộng đồng của người dân vùng sơn cước ghi lại dấu ấn huyền thoại của núi rừng trong quá khứ và tương lai. Đây là một thực tế đang đặt ra với công tác quản lý cũng như phong trào thi đua yêu nước mà Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm, cũng như việc hoạch định các chính sách hợp lý để phát triển KT-XH cho mỗi vùng, mỗi miền.

Săn tìm những hình ảnh đẹp nhất, thật nhất để lên sóng

Theo tôi, trong thời gian tới, Ban tiếng Dân tộc - Đài truyền hình Việt Nam nên tổ chức sản xuất thêm nhiều chương trình ký sự hoặc phóng sự bổ ích giống như chương trình “Ký sự vùng cao”, thời lượng phát sóng dài hơn, có thể phát sóng sớm hơn để nhiều người cùng được xem. Vì những người bận rộn như tôi (hiện đang sinh sống ở vùng rừng núi Tây Nguyên) ít có điều kiện đi lại, nhưng vẫn có điều kiện để hiểu và đồng cảm với con người, thiên nhiên của mỗi dân tộc, mỗi vùng độc đáo và sự tiềm ẩn nhiều vẻ đẹp hoang sơ ấy vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Pleiku, tháng 12-2008

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật