Mưa axit - nguy cơ lớn!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mưa axit đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Trong khi đó, hiện nay, chiếm một lượng lớn trong số lần mưa là mưa axit, gây những tác hại không nhỏ đối với con người, cơ sở hạ tầng, sản xuất... Trao đổi về mưa axit ở Việt Nam, ông Dương Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường, viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cho biết:
Mưa axit - nguy cơ lớn!
Ảnh minh họa
Để xác định tính axit trong nước mưa, giá trị pH được sử dụng làm thước đo. Trong đó, giá trị trung tính của nước mưa trong khí quyển  được lấy ở mức pH =5,6. Khi pH > 5,6 tức là bình thường, và khi pH < 5,6 là mưa axit. Hai ion chính gây ra tính axit trong nước mưa đó chính là SO4 và NO3, 2 ion này kết hợp với ion H+ tạo ra các axit H2SO4 và HNO3.

- PV: Mưa axit có phải là một hiện tượng hiếm không, thưa ông?

- Ông Dương Hồng Sơn:  Hiện tượng mưa axit ở Việt Nam không phải là hiếm. Việt Nam tham gia mạng lưới giám sát mưa axit vùng  Đông á vào năm 1998, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...,  năm 2000 chúng tôi bắt đầu tiến hành đo đạc số liệu. Qua chuỗi số liệu đo được các năm cho thấy, trung bình chiếm đến 30% số lần mưa ở Việt  Nam là mưa axit.  Thậm chí có những vùng tần suất lên  đến 50%, có thể kể  đến một số  nơi: Việt Trì, Tây Ninh và Huế.

Mưa axit tập trung lớn vào  đầu mùa mưa vì qua một mùa khô ít mưa, các hóa chất tập trung lơ lửng trên không trung, khi mưa sẽ kéo theo lượng hóa chất này rơi xuống. Mưa axit nghiêm trọng phải có độ pH < 4, song ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra mưa axit gây hậu quả nghiêm trọng.

- PV: Những khu vực có tần suất xuất hiện mưa axit lớn thường tập trung vào các khu công nghiệp hoặc những đô thị lớn?

- Ông Dương Hồng Sơn:  Không hẳn là những khu công nghiệp hay đô thị lớn thì có tần suất mưa axit lớn hơn, số liệu  đo  đạc cho thấy, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tần suất xuất hiện mưa axit thấp hơn các vùng khác. Bởi, lắng đọng axit mang tính lan truyền và phụ thuộc vào những phản ứng hóa học xảy ra trong khí quyển, do vậy, không phải khu nào phát thải lên thì khu đó hứng chịu.

Có thể khẳng định, lắng đọng axit là hậu quả của ô nhiễm không khí kéo dài. Lắng đọng của các ion chính trong nước mưa có sự khác nhau khá lớn giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Phần lớn các vị trí quan trắc tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam xuất hiện giá trị pH < 5,6 với mức độ, tần suất khác nhau, phụ thuộc vào vị trí địa lý, điều kiện khí hậu và đặc điểm kinh tế xã hội. Tại những tỉnh, thành phố lớn hay những thành phố phát triển về công nghiệp như Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Việt Trì, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh,... lại có giá trị pH rất thấp. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có tần suất xuất hiện pH < 5,6 thấp chỉ khoảng 20 - 30%.

- PV:  Vậy đã đánh giá được tác  động của mưa axit đối với con người, cây trồng... chưa?

- Ông Dương Hồng Sơn: Nghiên cứu của chúng tôi mới chỉ dừng lại ở phân tích đo đạc số liệu, chưa phân tích được tác hại của mưa axit  đối với con người, sinh vật, đời sống, cơ sở hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Hay mối quan hệ của mưa axit với biến đổi khí hậu thế nào?

Cũng đã có một vài mô hình nghiên cứu nhỏ lẻ của nước ngoài về tác động của mưa axit tới con người nhưng họ chưa công bố rộng rãi. Tuy nhiên, theo tôi, mưa axit chắc chắn là có liên quan tới biến đổi khí hậu. Trung Quốc đã chứng minh được ở phía Nam, hàng năm mưa axit làm giảm 25% sản lượng mùa màng.

- PV: Theo ông, những yếu tố nào sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất?

- Ông Dương Hồng Sơn: Tác hại thấy rõ nhất là mưa axit sẽ làm trung hòa đất. Bên cạnh đó, mưa axit sẽ ảnh hưởng đến 2 yếu tố chính: cơ sở hạ tầng, kết cấu công trình, đường ray cầu cống. Ví dụ, cầu Long Biên bị ảnh hưởng của mưa axit sẽ khác so với không bị ảnh hưởng. Và thứ 2 là nông nghiệp. Có thể khẳng định là mưa axit có ảnh hưởng nhưng để định hóa ảnh hưởng như thế nào, bao nhiêu thì cần phải nghiên cứu tiếp.

- PV: Do chưa có kinh phí để nghiên cứu tiếp hay do yếu tố con người, thưa ông?

- Ông Dương Hồng Sơn: Mưa axit là vấn đề nghiên cứu tương đối mới ở Việt Nam. Hơn nữa, những năm qua mưa axit ở nước ta cũng chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, ngoài yếu tố kinh phí, thì yếu tố con người cũng nằm trong số đó.

Song, nếu có kinh phí để tiếp tục nghiên cứu tác động của mưa axit tới con người, sinh vật... thì chúng tôi cũng có thể làm được. Nhưng cũng tùy thuộc vào yêu cầu, làm đến mức nào, còn nếu để làm được ngay như nước ngoài thì không thể. Nếu có kinh phí, bước tiếp theo chúng tôi sẽ tiến hành phân tích, chứng minh được tác hại của mưa axit tới con người, tới hoạt động sản xuất... 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật