Đồng tiền bỏ ra phải có động cơ và động lực

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 7-6 về việc thực hiện chính sách, Pháp Luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012…
Đồng tiền bỏ ra phải có động cơ và động lực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu ý kiến

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Trong những năm qua, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng trong bất kì hoàn cảnh nào, Chính phủ, Quốc hội cũng vẫn dành một nguồn lực rất lớn cho xóa đói, giảm nghèo. Chỉ trong 8 năm, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước cho xóa đói, giảm nghèo là 864.050 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 120.000 tỷ đồng). Đây là một khối lượng vốn rất lớn. Việc này đã đem lại kết quả hết sức tốt đẹp, không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng đã đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra: “Chúng ta nhìn thẳng vào sự thật thấy còn nhiều điều chưa hài lòng trong lĩnh vực này. Ở đây có một vấn đề là dàn trải trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội đề cập trong nhiều kỳ họp và có thể nói Chính phủ cũng đã tiếp thu rất nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội”.

Bộ trưởng chỉ ra một nguyên nhân khá mâu thuẫn dấn đến những hạn chế, đó là hiện nay chúng ta hỗ trợ cho người nghèo theo quan điểm nhân đạo: “tất cả mọi đối tượng, ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau”. Theo ông, đây là “điều làm cho hiệu quả đầu tư về giảm nghèo giảm đi rất nhiều, thậm chí phản tác dụng”.

Bộ trưởng kể lại, trong quá trình lãnh đạo của mình ở địa phương, ông luôn nhận được các phàn nàn từ người dân, chủ yếu đồng bào dân tộc nói rằng Chính phủ không công bằng. Không công bằng ở chỗ, khi hỗ trợ Tết là cứ ai nghèo cho như nhau, rồi hỗ trợ giảm nghèo như nhau.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh dẫn chứng một câu chuyện cụ thể về một cụ bà đến gặp ông lúc ông đang làm bí thư tỉnh ủy. Cụ bà cho biết mình già nhưng ngày nào cũng lên nương để lao động sản xuất. Do vậy, gia đình cụ bà có thu nhập hơn gia đình khác. Kết quả là gia đình cụ bà “không được nghèo” và không được bất kỳ một chế độ gì. Trong khi đó, có gia đình khác ở địa phương, rất trẻ, nhưng suốt ngày đánh bi a, suốt ngày nghiện hút thì lại được hỗ trợ, “con học không mất tiền, khám, chữa bệnh thì không mất, cho hết cái này, cho cái kia". Cụ bà nói như vậy là "khuyến khích cho bọn lười nó không đi lao động". Từ câu chuyện này, Bộ trưởng khẳng định: “Nhân dân nhìn rất cụ thể, đồng bào dân tộc người ta nhìn rất cụ thể, mình thấy rất đúng. Cho nên nhân đạo có nhân đạo, nhưng đồng tiền bỏ ra phải có động cơ và động lực”.

Ông cho rằng, chúng ta cần có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ, có thể theo kiểu: “Ban đầu tôi cho anh 1-2 năm hưởng chế độ của người nghèo (cộng lại các chế độ này rất nhiều), anh phải cam kết vươn lên như thế nào và tiêu chuẩn như thế nào mới được hưởng hộ nghèo, không phải cứ thu nhập dưới 400 nghìn đồng là hộ nghèo. Phải cam kết vươn lên, nỗ lực hết mình. Trong bình xét thì không được nghiện hút, nếu nghiện hút thì không cho, phải như vậy mới có giá trị. Đồng bào nghèo khắp nơi mong muốn điều này và chúng ta làm chính sách cũng phải thấy điều này, nếu như vậy thì tác động tốt”.

Ông chỉ ra, vì chúng ta không làm nên “bây giờ tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều nơi đã giảm nhưng mọi người đều mong muốn ở lại làm hộ nghèo, không ai muốn vươn lên. Đó là điều rất vô lý, vì chính sách quá nhiều, thoát nghèo thì không được gì”. Từ đó ông kiến nghị, cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước. Người được hỗ trợ phải thấy xấu hổ khi có điều kiện nhưng không vươn lên thoát nghèo, trừ trường hợp bệnh tật, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có công thì nhà nước, xã hội phải chăm lo.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan hữu quan của Chính phủ và Quốc hội sẽ có một chính sách cho giai đoạn 2016-2020. Một tiêu chí mới, một nguồn lực sử dụng trung hạn cho 5 năm, phân ra rõ cho trung ương, địa phương và huy động các nguồn lực xã hội”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật