Ý kiến trái chiều về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Buổi thảo luận tổ Quốc hội chiều 6.6 liên quan đến Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn diễn ra nhiều ý kiến trái chiều nhau. Hai nội dung được đa phần đại biểu tranh luận là thời hạn và các mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm.

Đề nghị tăng thời hạn lấy phiếu tín nhiệm

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), quá trình xin ý kiến đại biểu trước kỳ họp cho thấy khá nhiều nội dung của nghị quyết còn có các quan điểm rất khác nhau. Về thời hạn, tờ trình của UBTVQH cho rằng nên chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu một lần, thời điểm lấy phiếu được ấn định vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3). Tuy nhiên, nhiều đại biểu trong buổi thảo luận cho rằng cần tăng thời hạn lấy phiếu tín nhiệm nhiều hơn 1 lần/nhiệm kỳ.

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) thẳng thắn: “Nếu bỏ một lần thì không giải quyết được vấn đề gì, không có tác dụng cảnh báo cũng như những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Theo tôi nên lấy tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ (kỳ thứ 5 và kỳ thứ 8)”. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cũng đề nghị cần lấy phiếu hai lần trong một nhiệm kỳ 5 năm. “Như kỳ họp thứ 5 được lấy phiếu, đến nay một số vị phiếu tín nhiệm thấp đã thay đổi.

Lần lấy phiếu thứ hai lấy vào cuối năm thứ 4 của kỳ thứ 8, khi đó người nào không đạt yêu cầu, không khắc phục được khuyết điểm thì phải bị bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc từ chức. Cách làm như vậy mặt khác còn làm cơ sở cho Quốc hội nhiệm kỳ tới lựa chọn, ứng cử người vào các vị trí Quốc hội bầu” - đại biểu Dân phân tích. Còn theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), nếu chỉ lấy 1 lần/nhiệm kỳ thì ít quá, không đánh giá được mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Tăng thời hạn lấy phiếu lên 2 lần nhằm có cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ và có tác động đến việc bố trí, quy hoạch cán bộ.

Trong khi đó, theo phân tích của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - đại biểu tỉnh Quảng Ninh, đây là việc làm mới của Quốc hội, mục đích là để các chức danh nhìn nhận lại bản thân, công việc của mình để làm tốt hơn. Phó Thủ tướng tán thành nên lấy phiếu 1 lần/nhiệm kỳ. “Vừa qua thí điểm đầu tiên, nhưng nếu năm nào cũng lấy thì thời gian quá ngắn, tạo sức ép không tích cực đối với cán bộ.

Những người dám nghĩ, dám làm cũng có thể chùn lại vì cho rằng kết quả tín nhiệm có tác động. Vì việc dám nghĩ, dám làm không phải lúc nào cũng có tác động ngay. Vì thế, tôi và nhiều bộ trưởng cùng đồng tình lấy tín nhiệm 1 lần mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp thứ 3”.

Vẫn giữ 3 mức đánh giá

Tại buổi thảo luận tổ, đa phần đại biểu tán thành với việc giữ nguyên 3 mức đánh giá lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) chỉ góp ý thêm, qua tiếp xúc cử tri cho thấy nhiều ý kiến cho rằng nên sửa lại khái niệm về mức độ tín nhiệm thể hiện trên phiếu. “Hiện tại quy định 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là chưa chính xác về mặt ngữ pháp. Cử tri kiến nghị nên sửa lại là: Tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình và thấp” - đại biểu Phúc nói.

Theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, bản chất của từ “lấy phiếu” là để đánh giá xem uy tín của cán bộ thế nào, để góp phần cho việc đánh giá. Vì thế nhất thiết phải để ở ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Về việc giải pháp tăng cường tính thực chất với cá nhân người được lấy phiếu, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, không gì bằng một vị cán bộ được cả Quốc hội hay HĐND lấy phiếu, đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của cán bộ đó, qua đó giúp họ thấy được hạn chế của mình để sửa. “Hơn nữa, không gì tốt bằng nhân dân.

Người dân đánh giá lĩnh vực đó cán bộ đã làm tốt chưa, nếu thấy đánh giá chưa tốt thì có ý kiến, đưa vào lấy phiếu thì kết quả thấp-cao chính là thể hiện sự đánh giá điều đó. Nếu vị cán bộ đó sửa chữa tốt thì đương nhiên lĩnh vực đó sẽ tốt lên” - ông Hạnh Phúc nói.

Chốt danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội

Trao đổi với báo chí sáng 6.6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ có 4 bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn kỳ họp này. Danh sách 4 bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tư lệnh ngành giáo dục sẽ tập trung vào nhóm vấn đề chất lượng đào tạo đại học, chất lượng dạy nghề; trách nhiệm của bộ này đối với việc sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều và đề án đổi mới giáo dục, trong đó có SGK.

Bộ trưởng Bộ Tài chính dự kiến sẽ trả lời các chất vấn về quản lý đầu tư công; giá cả thị trường; tránh thất thu thuế; đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tư pháp sẽ giải trình về việc triển khai Hiến pháp, ban hành các luật; thi hành án dân sự. Đối với Tổng thanh tra Chính phủ, các vấn đề tập trung vào công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng; công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay tại nội bộ ngành thanh tra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật