Luật sư đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội cố ý làm trái

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 28-5, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội cố ý làm trái.
Luật sư đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội cố ý làm trái
Luật sư Hoàng Đôn Hùng đề nghị tuyên bầu Kiên không phạm tội cố ý làm trái - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng 28-5, phiên toà sơ thẩm xử bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần các luật sư bào chữa cho bầu Kiên với các tội danh Kinh doanh trái phép và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong tội danh Cố ý làm trái, VKS cáo buộc bầu Kiên cùng đồng phạm ra chủ trương uỷ thác cho 19 nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng ở Ngân hàng Vietinbank khiến “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là sai quy định của nhà nước.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng cuộc họp của thường trực HĐQT vào tháng 3-2010 và ra Nghị quyết của Ngân hàng ACB về ủy thác tiền gửi không sai Pháp Luật vì chủ trương này thuộc phạm vi của ACB để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phù hợp với lợi ích cổ đông.

Theo ông Hùng, Luật các tổ chức tín dụng, được hiểu, tất cả các ngân hàng thương mại đều được cấp phép ủy thác và trong đó có hoạt động gửi tiền. Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, trước 5 năm khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực. Do đó việc ủy thác không vi phạm.

Do vậy, Luật sư Hùng đề nghị làm rõ một số vấn đề về giá trị pháp lý của Công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Nếu không có chữ ký của Thống đốc thì đấy là quan điểm cá nhân” - Luật sư Hùng nói.

Công văn số 350/NHNN-TTGSNH ký ngày 17-5-2012 của NHNN là tài liệu quan trọng trả lời cơ quan điều tra về hành vi Cố ý làm trái. Trên cơ sở công văn 350/NHNN-TTGSNH trên, Kết luận điều tra và cáo trạng xác định hành vi vi phạm của bầu Kiên và đồng phạm.

Theo công văn này, Ngân hàng ACB được thực hiện nghiệp vụ ủy thác nhưng việc ủy thác cho cá nhân khi chưa có hướng dẫn của NHNN là vi phạm Điều 106 Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, việc uỷ thác gửi tiền của ACB không vi phạm điều 106 luật các tổ chức tín dụng.

Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý ủy thác trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của NHNN.

Dù Luật có hiệu lực từ đầu năm 2011, song mãi đến ngày 8-3-2012, NHNN mới ra Thông thư 04 hướng dẫn nghiệp vụ ủy thác, cho phép ngân hàng được ủy thác gửi tiền. Trong khi đó, ACB ủy thác cho 19 cá nhân gửi tiền vào Vietinbank lại trong năm 2011.

Bầu Kiên ngồi nghe bào chữa sáng 28-5 - Ảnh chụp qua màn hình

Luật sư Hùng dẫn lại lời của đại diện NHNN rằng công văn 350 chỉ là công văn tham khảo. Do vậy, việc dựa vào Công văn 350 để kết tội bị cáo Kiên thể hiện sự lúng túng của cơ quan công tố vì không biết ACB vi phạm quy định nào trong Pháp Luật. Ông Hùng đề nghị, NHNN cần có văn bản trả lời rõ vấn đề này.

Trước đó, trả lời câu hỏi của HĐXX về tính pháp lý của công văn 350/NHNN-TTGSNH, đại diện NHNN khẳng định: “Công văn 350 là sơ bộ ban đầu trả lời cơ quan điều tra chứ chưa tiếp cận nhiều tới văn bản Nhà nước”.

Ông Hùng cho rằng việc bầu Kiên bị khởi tố tội Cố ý làm trái một phần do việc thiếu trách nhiệm của NHNN. Với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, NHNN đã chậm ban hành hướng dẫn luật, thanh tra NHNN đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.

Nếu quy kết các bị cáo tội cố ý làm trái thì hàng loạt DN phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm NHNN đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật các tổ chức tín dụng.

Luật sư Hùng kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Nhà nước; tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phạm tội cố ý làm trái...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật