Chiến lược, tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn... trên giấy

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đã không giấu được xúc cảm khi nói về những chính sách dành cho nông nghiệp nông thôn và nhân dân trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáng qua (23-5).
Chiến lược, tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn vẫn... trên giấy
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thảo luận tại tổ sáng 23-5

Để đưa các chính sách này vào cuộc sống, theo đại biểu Tâm, cần có những người cán bộ đủ tâm, tầm và nhiệt huyết...

NGƯỜI NÔNG DÂN Ở THẾ NÀO CŨNG YẾU

Dù đã cố kìm nén nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ về những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, về một nền nông nghiệp phát triển bấp bênh và ít được quan tâm dù luôn được khẳng định là “trụ cột của nền kinh tế”. Thừa nhận là chúng ta đã nói nhiều đến “tầm nhìn, chiến lược” cho lĩnh vực này nhưng theo đại biểu Tâm, mọi thứ vẫn còn nằm trên... giấy. Và những “tầm nhìn, chiến lược” ấy quá xa xỉ với người nông dân. “Đọc nghe rất đúng, nhưng chính sách nào, chủ trương nào thì không cụ thể” - đại biểu Tâm bức xúc, đồng thời cho rằng, nông nghiệp cần có cái nhìn cụ thể hơn và cần dành thời gian thích đáng để phát triển nông nghiệp. Bà Tâm cũng nhấn mạnh không thể để tình trạng này cứ mãi xấu như vậy dù Quốc hội đã lên tiếng, đại biểu đã phát biểu nhiều lần.

Chia sẻ với bức xúc của đại biểu Tâm, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý rằng nông nghiệp, nông dân hiện vẫn vô cùng khó khăn. Người nông dân ở thế nào cũng yếu, trong khi nông nghiệp phát triển không bền vững. “Quốc hội cần có nghị quyết liên quan đến ngành nông nghiệp, nông dân, ngư dân. Nền nông nghiệp cần đảm bảo cung - cầu, phát triển bền vững” - đại biểu Ngân nêu quan điểm.

Cho rằng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn làm theo kiểu mùa vụ, không có chiến lược nên người nông dân luôn ở trong tình trạng “được mùa mất giá”, dịch bệnh chưa đến thì nông dân đã “chết” rồi, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) góp ý cần có chiến lược quy hoạch lại khu vực sản xuất nông nghiệp. “Sản phẩm nông nghiệp lớn nhưng việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào được sau thu hoạch, công nghiệp chế biến còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp muốn vào để làm sau thu hoạch nhưng cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu” - đại biểu Khiết phản ánh và yêu cầu Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chế biến nông sản. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) thì đề nghị Chính phủ tổ chức lại thị trường tiêu thụ, cung ứng sản phẩm nông nghiệp cũng như hỗ trợ người nông dân xây dựng thị trường.

Chung nỗi băn khoăn về nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) cũng phàn nàn chương trình xây dựng nông thôn mới còn chậm. Theo đại biểu Minh, cần thiết có một đánh giá trở lại chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, một trong những giải pháp để dành nguồn lực cho chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đại biểu Minh, là hạn chế việc tổ chức các lễ hội. “Tôi rất dị ứng với Festival. Thay vì làm mấy cái lễ hội to đùng đó thì nên giúp cho người nông dân, ngư dân” - ông Minh nói.

KINH TẾ ĐANG PHỤC HỒI YẾU ỚT

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế thời gian qua song nhiều đại biểu cho rằng xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc. Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 tăng thấp, hàng tồn kho giảm nhẹ, nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản trong khi nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), sau khi chạm “đáy” từ quý 2-2013, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng quá yếu ớt và đến nay vẫn đang trong giai đoạn trì trệ, “ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe”. Với tình hình hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại kinh tế khó đạt kỳ vọng thoát ra khỏi tình trạng trì trệ nếu không có giải pháp đặc biệt. “Chúng ta đã chuyển từ lạm phát bị động sang lạm phát chủ động để tạo dư địa cho tài khóa và tiền tệ nhưng đến nay tín dụng không tăng được, tiền không đi vào nền kinh tế” - ông Lịch phân tích, đồng thời phân vân dòng tiền cứ luẩn quẩn trong ngân hàng thương mại và kho bạc Nhà nước như vậy thì làm sao khai thông được tổng cầu. Để giải quyết những tồn tại này, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị cần thay đổi thủ tục để giải ngân được tiền, bởi lẽ, “tiền bạc nằm đó, đến cuối năm tiền mới đi ra thì không thể khai thông được, không kíc‌h thí‌ch tổng cầu, không kíc‌h thí‌ch tăng trưởng nền kinh tế”.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, vấn đề lớn bây giờ là phải thay đổi luật ngân sách, phải làm sao “không ai chi được tiền nếu phần tiền đó không nằm trong dự toán”. Với chi thường xuyên, đại biểu Lịch nhấn mạnh “phải cắt nữa, cắt tối đa, cắt cả chi đi nước ngoài. Tình hình đất nước như thế này thì không thể chi như thế được”. Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) tán thành ở thời điểm này cần thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, “cấm tiệt các đoàn ra đoàn vào”. “Theo tôi, cần đổi mới thị trường xuất khẩu, hướng ra các nước như EU và Mỹ, không để mình lệ thuộc vào ông hàng xóm xấu bụng” - ông Đương nói.

Lưu ý trong điều kiện hội nhập, các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định) cho rằng mỗi bước đi của nước nào đó phải tính toán kỹ. Theo ông Huệ, trước mắt chúng ta cần giải quyết tốt những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đối với kết cấu hạ tầng về giao thông, sớm ban hành văn bản, nghị định về hợp tác công tư, đi kèm với việc phải quy định rõ ràng các thể chế trong hợp tác công tư để phát huy thêm các nguồn lực xã hội hóa, tăng cường đầu tư. Theo nghị quyết của Quốc hội, cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mục tiêu trong hai năm 2014 - 2015 rà soát lại kết quả đạt được, chú trọng gắn tổng thể với vấn đề trọng tâm, tái cơ cấu ngành, trước mắt cần thiết tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với tam nông. Đại biểu Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao tăng trưởng tín dụng mấy năm nay đầu năm thì thấp, cuối năm thì tăng nhanh. Và năm nay rút kinh nghiệm từ những bài toán thành công của năm trước cố gắng từ bây giờ chúng ta phải đẩy tín dụng ra không để những ngân hàng tháng 9 - tháng 10 tín dụng không đạt, khi còn 1 - 2 tháng tín dụng lại vọt lên đạt và vượt kế hoạch. Đây là bài toán tín dụng chúng ta phải xem xét”.

Đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay và trong thời điểm hiện tại cần đánh giá một cách nghiêm túc, tránh việc tô hồng. “Bởi vì chúng ta chưa lạc quan được bao lâu thì gặp phải những khó khăn thách thức rất lớn đặc biệt là từ sự kiện biển Đông. Tôi cho rằng Chính phủ cần đánh giá những tác động ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta qua sự kiện này để chúng ta có chủ trương giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời, tránh sự hụt hẫng khủng hoảng có thể diễn ra” - đại biểu Quân nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật