Chính biến Ukraine:B.L lan rộng,Nga cảnh báo về ‘Gruzia thứ 2’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, hoạt động quân sự của Kiev khiến cho B.L bùng phát dữ dội ở đông Ukraine khiến Nga phải lên tiếng cảnh cáo về “một Gruzia thứ 2”.
Chính biến Ukraine:B.L lan rộng,Nga cảnh báo về ‘Gruzia thứ 2’
Xe thiết giáp của quân đội Ukraine chạy về phía người biểu tình

Quân đội Ukraine hỗn loạn, xuống cấp về tinh thần

Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng hỗn loạn và xuống cấp về tinh thần trong quân đội nước này. Tình hình căng thẳng nhất diễn ra tại Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 93 đóng tại làng Cherkasy, tỉnh Dnepropetrovsk. Điều này làm dấy lên những lo ngại về một cuộc phản chiến giống như tại Lữ đoàn lính dù số 25.

Những phản kháng đầu tiên chống lại chỉ huy đã xuất hiện tại một đơn vị dự bị động viên của Lữ đoàn này khi các binh sĩ dự bị động viên cũng như các quân nhân chính quy không muốn tham gia vào hoạt động trấn áp người biểu tình mà họ gọi đó là một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”.

Thêm vào đó, những quân nhân dự bị cũng cảm thấy bất mãn về điều kiện sống không đảm bảo như chăn đệm rách rưới, thức ăn kham khổ, khẩu phần dinh dưỡng quá thấp, không được huấn luyện thực chất và thực hành với vũ khí và những lời hứa suông của chính quyền Kiev.

Ban đầu, họ được động viên tham gia quân đội trong 10 ngày, song đã bị giữ lại trong quân ngũ đã hơn 1 tháng mà không một lời giải thích và nâng cấp chế độ quá hạn.

Chính quyền Ukraine đã đẩy gia đình quân nhân dự bị vào tình cảnh khó khăn, nhiều người ngay sau khi động viên đã bị mất việc làm thường ngày nhưng nhà nước không hỗ trợ gì cho vợ con họ.

Tuy nhiên, đề cập tới sự hỗn loạn ở Dnepropetrovsk, Bộ Quốc phòng Ukraine khẳng định không có sự nổi dậy nào. Theo họ, đây là cuộc kiểm nghiệm hành động của quân đội trong trường hợp bạo loạn nổ ra.

Được biết, trước đây quân nhân của lữ đoàn dù số 25 của Ukraine cũng đã phản chiến, mang xe thiết giáp giao nộp cho lực lượng dân quân Donbass ở thành phố Slovyansk - tỉnh Donetsk. Sau sự kiện này, Kiev đã giải tán Lữ đoàn và dọa truy tố binh lính phản chiến trước tòa án binh.

Tổ chức cực đoan thành mũi nhọn xung kích

Trong một sự kiện có liên quan, ngày 23-4, lãnh đạo của tổ chức dân tộc cực đoan Ukraine “Khu vực cánh hữu” (Pravyi sector) Dmitry Yarosh, đồng thời cũng là một ứng cứ viên tranh cử chức Tổng thống Ukraine cho biết, tổ chức này đã chuyển trụ sở từ Kiev đến Dnepropetrovsk.

Trước đó, ông Yarosh đã tiến hành một cuộc hội nghị truyền hình với người đứng đầu chính quyền khu vực Dneptropetrovsk là Igor Kolomoisky để đề đạt các ý kiến và làm công tác tổ chức cho việc di chuyển đại bản doanh.

Pravyi Sector cũng tuyên bố phủ nhận là tổ chức của mình đã nhận các khoản hỗ trợ từ những ông trùm chính trị ở Ukraine. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, trong một cuộc chiến, quân đội nước này có thể nhận những hỗ trợ tài chính từ phía các nhà tài phiệt để duy trì ngân sách.

Ngày 23-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích, bất chấp các thỏa thuận đưa ra tại Geneva, nhóm Pravyi Sector vẫn hoạt động khá tích cực. Ví dụ điển hình là vụ tấn công trạm kiểm soát của người biểu tình ở ngoại ô thành phố Slovyansk vào đêm ngày lễ Phục sinh, ngay sau khi lệnh ngừng bắn của chính phủ được ban hành.

Lãnh tụ của Pravyi sector, ứng viên Tổng thống Ukraine Dmitry Yarosh

Cũng trong ngày 23-4, Interfax-Ukraine cho biết, sau khi chuyển trụ sở của Tổ chức mình đến thành phố Dnepropetrovsk, “ứng viên Tổng thống”, thủ lĩnh Pravyi sector Dmitry Yarosh đã thông báo bắt đầu thành lập Lữ đoàn Đặc nhiệm Donbass từ các đại diện tỉnh Donetsk để bảo vệ người dân tại miền Đông nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở mới, ông Yarosh cho biết, tất cả các hành động của họ đều đã được sự nhất trí của lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), các chiến binh được huấn luyện của tổ chức này sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan đặc nhiệm Ukraine.

Trước đây, sau vụ các thành viên của Tổ chức này bao vây trụ sở của Verkhotna Rada (quốc hội) Ukraine, Kiev đã dự định cấm hoạt động và giải giáp tổ chức này. Ngay cả Cao ủy Ngoại giao EU là bà Catherine Ashton đã lên án hành động “uy hiế‌p nền dân chủ”, kêu gọi "Pravyi sector” nhanh chóng đầu hàng, nộp vũ khí cho chính quyền.

Tuy nhiên, trước tình trạng xuống cấp tinh thần và phản chiến của binh lính quân đội, Pravyi sector đã biến thành “mũi nhọn xung kích” của Kiev trong các hoạt động trấn áp người biểu tình ở phía đông nước này. Theo tin không chính thức, đã có hơn 10.000 chiến binh của tổ chức này hiện diện tại miền đông, chỉ riêng tại thành phố Slavyansk đã có hơn 5000 người.

Nga cảnh báo về một Gruzia thứ 2

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn quốc tế “Nước Nga ngày nay”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23-4 đã tuyên bố, nếu lợi ích hợp pháp của Liên bang Nga bị xâm phạm, Nga sẽ đáp trả đích đáng trong trường hợp bị tấn công hoặc “lợi ích của người Nga bị xâm phạm”, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết.

Xe tăng - thiết giáp Nga tiến vào Gruzia năm 2008

Ông còn không quên nhắc nhở về những bài học trong quá khứ: "Nếu lợi ích hợp pháp của nước Nga và lợi ích của người Nga bị trực tiếp xâ‌m lấ‌n, ví dụ như ở Nam Ossetia, tôi thấy không có con đường nào khác ngoài việc đáp trả trên cơ sở tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế"

Bác bỏ những cáo buộc của phương Tây về vấn đề quân đội Nga tập trung ở biên giới giáp với 2 nước, ông Lavrov nói rằng quân đội Nga tham gia các cuộc diễn tập quân sự đã trở thành thường xuyên kể từ khi ông Sergei Shoigu lên làm Bộ trưởng quốc phòng.

Ông nhắc lại là năm ngoái, các cuộc tập trận đã diễn ra ở miền Đông của Nga, ở Siberia, sau đó chuyển sang phần trung Nga, gần Ukraine. Và ông cho rằng, hiện quân đội đang có những kế hoạch diễn tập mới, đây là một quá trình liên tục, bởi vì quân đội cần cảm thấy phù hợp và sẵn sàng.

Trước đây, ngày 08-04, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Viktor Ozerov cho biết, quyết định ngày 01-03 của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cho phép Tổng thống Putin can thiệp quân sự vào Ukraine “vẫn còn hiệu lực”.

Trên thực tế, Moscow đã nhiều lần cảnh báo Kiev là, tuy Nga không có ý định đưa quân vào Ukraine nhưng nếu “chính quyền Kiev sử dụng quân đội hoặc lực lượng đặc biệt để đàn áp người dân khu vực phía đông Ukraine, Nga có thể ngay lập tức tiến hành cuộc can thiệp quân sự”.

Hiện nay, Ukraine đang tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm trấn áp hoạt động biểu tình đòi Liên bang hóa. Trong 2 ngày 23 và 24-04, đụng độ đã diễn ra ở khắp các khu vực miền đông nước này làm nhiều người thương vong. Nếu tình hình tiếp tục leo thang, rất có thể Tổng thống Putin sẽ sử dụng quyền hạn được Quốc hội trao bất cứ lúc nào “nếu thấy cần thiết”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật