Bão số 9 có khả năng đổ bộ vào miền Nam

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận định bão số 9 di chuyển phức tạp, sợ lặp lại sự cố Chanchu trước đây, chiều 7/11, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã họp trực tuyến với các tỉnh từ Quảng Bình đến Cà Mau để bàn biện pháp đối phó.
Bão số 9 có khả năng đổ bộ vào miền Nam
Đường đi bão số 9 theo dự báo của đài khí tượng Việt Nam, Hong Kong, Nhật Bản và Hải Quân Mỹ. Ảnh: Tiến Dũng.

Hà Nội, Ninh Bình cũng được mời tham dự buổi họp này. Theo Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Bùi Minh Tăng, 13h ngày 7/11, áp thấp nhiệt đới ở vùng biển Philippines đã mạnh lên thành bão số 9, tên quốc tế là Mayska, với sức gió cấp 8. 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 20-25 km một giờ.

"Chiều 8/11, bão cách Hoàng Sa chừng 200 km, sức gió cấp 9. Hai ngày tiếp theo, Mayska di chuyển chậm lại về hướng Tây, mỗi giờ đi 10 km. Chiều 9/11, tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Khánh hòa gần 400 km", ông Tăng nói.

Theo ông Tăng, diễn biến của bão Mayska vô cùng phức tạp. Sau khi đi theo hướng Tây Tây Bắc, bão số 9 có thể đi chậm lại và đổi hướng Tây Tây Nam, cách bờ biển Bình Định - Phú Yên 350 km.

Trong khi đài Hải quân Mỹ dự báo bão số 9 đi vào khu vực Bình Định, Phú Yên thì đài khí tượng Hong Kong và Nhật Bản đều nhận định bão đi xuống khu vực Nam Bộ. Riêng đài khí tượng của Việt Nam, do chỉ dự báo được 24 giờ nên hiện chưa thể xác định được rõ hướng đi của Mayska.

Hiện, thông tin về báo số 9 đã được thông báo cho 15.000 tàu, với hơn 80.000 ngư dân.

Sau khi báo cáo tình hình tàu thuyền cũng như biện pháp đối phó với bão, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Quảng Nam... đồng loạt "tố" Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thông tin không rõ ràng vị trí, hướng đi... của bão, gây khó khăn cho việc chuẩn bị, đối phó.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ngành thủy văn phải có trách nhiệm thông báo kịp thời, chính xác về tình hình thời tiết. "Đọc bản thông báo vẫn phức tạp, nặng về chuyên môn", ông Hùng nêu.

Bão đổ bộ vào miền Trung. Ảnh minh họa: Long Hồng.

Nhận định diễn biến bão số 9 rất mạnh, phức tạp, nhiều khả năng đi vào đất liền, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: "Trên biển, chắc chắn có bão lớn nên các tỉnh cần sẵn sàng ứng phó. Tỉnh nào có thuyền ngoài khơi thì phải kiểm kê và lên phương án an toàn. Cần lên phương án sơ tán bà con ở vùng lũ, lụt, sạt lở".

Trưởng ban Phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát cũng nhắc nhở các địa phương phải chủ động lương thực dự trữ trong vòng 15 ngày. "Nếu bão mới vào mà địa phương đã xin trợ cấp lương thực thì cần phê bình lãnh đạo địa phương đó", ông Phát nói.

Ngày 15/5/2006, sau khi được hình thành, Chanchu mạnh lên thành bão và được coi là siêu bão thứ hai ở biển Đông. Tuy nhiên, sau 2 ngày nhắm thẳng đến bờ biển nước ta, Chanchu đột ngột đổi hướng, di chuyển song song với bờ biển Trung Trung Bộ.

Người dân chậm nhận được thông báo đổi hướng nên vẫn đi vào vùng tâm bão. Do vậy, dù không ảnh hưởng tới vùng ven biển Việt Nam nhưng Chanchu vẫn quất thẳng vào 45 tàu cá đang lênh đênh trên biển, khiến khoảng 250 ngư dân mất tích. Bộ Thủy sản nhận một phần trách nhiệm trong vụ này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật