Yêu cầu tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú an toàn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
11h ngày 7/11, Chỉ đạo PCLBTW - UBQGTKCN đã có công điện khẩn số 73 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tầu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Theo đó, Ban Chỉ đạo PCLBTW - UBQGTKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành:

 

Bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (Vùng nguy hiểm trên biển Đông được xác định từ vĩ tuyến 10 đến 17 độ Vĩ Bắc);

 

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố. Kiểm đếm và quản lý số lồng, bè nuôi thuỷ sản, giao chính quyền địa phương tổ chức chỉ đạo phương án di chuyển lồng bè vào nơi neo đậu. Hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè neo đậu theo quy định, không để xảy ra thiệt hại tại nơi neo đậu. Kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu và các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản khi có bão vào;

 

Bên cạnh đó, yêu cầu bộ Ngoại giao thường xuyên theo dõi diễn biến của ATNĐ và liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện cho tàu thuyền và ngư dân vào trú tránh bão; Chủ đầu tư các khu vực khai thác dầu khí, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình;

 

Kiểm tra, rà soát dân cư ở các vùng trũng thấp ven biển, ven sông suối, vùng hạ lưu các hồ chứa, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng phương án sơ tán dân khi bão đổ bộ hoặc mưa lớn trên đất liền. Chuẩn bị dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu đảm bảo cho 15 ngày tại những khu vực dễ bị chia cắt khi có lũ;

 

Ngoài ra, phải kiểm tra mực nước hồ, theo dõi diễn biến công trình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để xử lý đảm bảo an toàn các hồ chứa nước. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang xây dựng trên sông suối; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành. Huy động lực lượng xung kích và phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố;

 

Ban Chỉ đạo PCLBTW - UBQGTKCN yêu cầu bố trí trực ban 24/24 và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của ATNĐ để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Văn phòng Ban chỉ đạo PCLBTW và Văn phòng UBQGTKCN.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, 10 giờ ngày 7/11, vị trí vùng tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

 

 

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau chuyển hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 10 giờ ngày 9/11, vị trí trung tâm bão ở vào khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi - Phú Yên khoảng 250 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 km đến 74 km một giờ), giật cấp 10.

 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bắc, vùng biển Trung Trung Bộ và khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật