Khó giảm ngay lãi suất cho vay

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 1 tháng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất huy động, không ít người ngóng đợi lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay nói chung cần có độ trễ.
Khó giảm ngay lãi suất cho vay
Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên chiều 15/4, một cán bộ chi nhánh Ngân hàng Bảo Việt trên phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) cho hay: Thực tế, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm ngay được do trước đây, không ít ngân hàng đã huy động vốn với mức lãi suất cao. “Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay cần phải đợi thêm một thời gian nữa, chứ chưa thể giảm ngay được”, cán bộ này cho biết.


Chuyển từ gửi ngắn hạn sang dài hạn


Theo khảo sát của phóng viên, ngoài việc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND từ 9%/năm xuống 8%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì các ngân hàng thương mại (NHTM) đều chưa có động thái hạ lãi suất cho vay ở các lĩnh vực khác.


Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: NHNN chỉ áp trần lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn nên xu hướng người dân đang chuyển sang gửi tiền ở các kỳ hạn dài. Ngân hàng vẫn phải trả lãi suất huy động ở các kỳ trung và dài hạn cao hơn mức 6%/năm. Bởi vậy, lãi suất cho vay chưa thể giảm hoặc có giảm thì cũng chưa giảm được nhiều. “Chưa kể trước khi có quyết định giảm lãi suất của NHNN vào ngày 18/3, nhiều ngân hàng đã khuyến khích khách hàng gửi tiền hạn dài. Động thái giảm trần lãi suất huy động ở kỳ ngắn hạn vừa qua chỉ có tác động nhỏ tới việc huy động và cho vay vốn của các ngân hàng”, ông Hiếu phân tích.


Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay hiện ở mức phổ biến từ 9-11%/năm, bằng với mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006; các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực miễn giảm lãi vốn vay, giảm lãi suất của các khoản cho vay cũ. Đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15/7/2012; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 300.000 tỷ đồng dư nợ.


Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh cho biết: Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè, công ty luôn cần vay vốn từ ngân hàng. Hiện nay, ngoài nguồn vốn vay trung hạn dùng để xây dựng nhà máy, công ty đang vay khoảng 50 tỷ đồng vốn lưu động với mức lãi suất 9%/năm. Mặc dù mức lãi suất chỉ giảm 1%/năm nhưng cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.


Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Lãi suất giảm là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp nhưng chỉ là những doanh nghiệp “khỏe” đang có nhu cầu mở rộng sản xuất. Còn lại, với những doanh nghiệp đang yếu, hàng tồn kho lớn, nếu được vay vốn với lãi suất thấp, họ cũng không dám vay.


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho hay: Chính sách tiền tệ đã làm những gì cần làm và lãi suất cho vay hiện không còn là vấn đề đối với doanh nghiệp nữa. Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp chưa biết vay để làm gì và ngân hàng vẫn tiếp tục thừa vốn. Bởi vậy, dù lãi suất có hạ nữa nhưng không kích cầu thì doanh nghiệp cũng chưa thể thoát khỏi khó khăn.


“Cuộc đua”tìm khách hàng


Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 3/2014 là 1,35% sau 2 tháng tăng trưởng âm. Mặc dù mức tăng trưởng này được NHNN đánh giá là tín hiệu khả quan nhưng thực tế vẫn cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy, nhiều chuyên gia lo ngại năm 2014 khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12-14%.


Tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho rằng: Theo quy luật, tín dụng tăng trưởng thấp trong quý I/2014 nhưng sẽ dần tăng tốc và đạt mức cao nhất vào quý cuối cùng của năm.


Đại diện hầu hết các ngân hàng cũng nhận định, trong những tháng tới, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn vì nền kinh tế đã thoát đáy. Những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu cũng như hệ quả từ chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Hệ thống ngân hàng chuyển biến khá, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá tốt, lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm và huy động tiền gửi dân cư tiếp tục tăng khá.


Rất nhiều ngân hàng đang chạy đua tìm khách hàng tốt để cho vay. Một nhân viên Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) cho biết: Trước đây ngân hàng thường áp chỉ tiêu huy động tín dụng cho nhân viên thì nay nhiệm vụ đó được thay bằng tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay. “Nói chung, nhiệm vụ ngày càng khó bởi trong bối cảnh hiện nay khách hàng tốt khá hiếm, có doanh nghiệp tốt thì ngân hàng nào cũng muốn chào mời nên buộc chúng tôi phải cạnh tranh”, nhân viên này chia sẻ.


Để khuyến khích khách hàng vay vốn, các ngân hàng cũng đang tung ra gói tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi. Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai chương trình “Ưu đãi cho vay - cơ hội trong tầm tay” dành cho các khách hàng cá nhân với lãi suất 7,99%/năm và hạn mức của gói ưu đãi lên tới 800 tỷ đồng. Từ ngày 14/4 - 10/5, Ngân hàng VP Bank triển khai chương trình “Chào hè 2014” với tổng số lượng giải thưởng lên đến hơn 19.000 giải. Khách hàng đạt giải nhất sẽ nhận được một chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm tới Singapore…

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật