Tạo bước đột phá trong thanh tra, giám sát ngân hàng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Nguyễn Hữu Nghĩa xoay quanh một số quy định mới tại Nghị định số 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.
Tạo bước đột phá trong thanh tra, giám sát ngân hàng
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa

Những điều chỉnh tại Nghị định số 26/2014/NĐ - CP tác động như thế nào đối với công tác thanh tra, giám sát NH, thưa ông?

Nghị định số 26/2014/NĐ - CP đã thể hiện đổi mới căn bản về mô hình tổ chức thanh tra trong NHNN theo hướng bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương, phù hợp với xu hướng tập trung hóa quản trị, điều hành về trụ sở chính của TCTD… tạo khuôn khổ pháp lý về tổ chức cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ có tính đặc thù của Thanh tra, giám sát ngành NH.

Nghị định số 26 nêu rõ, thanh tra, giám sát ngành NH là cơ quan thanh tra nhà nước, được tổ chức thành hệ thống gồm Cơ quan TTGSNH trực thuộc NHNN và thanh tra, giám sát NH thuộc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi không có Cục TTGSNH thuộc Cơ quan TTGSNH.

Cục trưởng Cục TTGSNH được ra quyết định thanh tra, thành lập đoàn thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Pháp Luật; quy định về đối tượng, nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra, giám sát ngành NH theo hướng mở rộng hơn, phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện hành như: Luật NHNN Việt Nam, Luật thanh tra, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi...

Với những quy định mới trên, nhiệm vụ thanh tra, giám sát ngành NH được giao thực hiện rộng hơn, gồm đầy đủ 4 khâu của quá trình quản lý, thanh tra, giám sát đối với các TCTD: Cấp phép; xây dựng quy chế về an toàn hoạt động NH; giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ; xử lý vi phạm. Những quy định này hướng tới thực hiện thông lệ, chuẩn mực quốc tế về thanh tra, giám sát NH hiệu quả của Ủy ban Basel.

Bên cạnh đó, Nghị định số 26 đã bổ sung thêm quy định làm nền tảng đổi mới phương pháp thanh tra, giám sát tiến dần đến thực hiện thông lệ, chuẩn mực quốc tế như thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của TCTD, kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, Pháp Luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra, giám sát NH;

Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm chung cho toàn hệ thống; có thể kéo dài thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra trên 70 ngày theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; giao Thống đốc NHNN hướng dẫn về nội dung báo cáo kết quả thanh tra, nội dung kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra đối với các cuộc thanh tra TCTD, chi nhánh NH nước ngoài; bổ sung quy định về giám sát NH… đặc biệt là thanh tra, giám sát ngành NH có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát NH...


Cơ quan TTGSNH sẽ tác động tích cực đẩy nhanh tiến độ, chất lượng tái cơ cấu hệ thống các TCTD

Với những nhiệm vụ, quyền hạn khá lớn như vậy, liệu có tạo sức ép lên vai người đứng đầu Cơ quan Thanh tra, giám sát NH không, thưa ông?

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra, giám sát NH quy định tại Nghị định số 26/2014/NĐ-CP trên cơ sở kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh thanh tra, giám sát ngân theo quy định tại Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng Nghị định 26 có điều chỉnh phù hợp với khuôn khổ Pháp Luật hiện hành như Luật NHNN Việt Nam năm 2010, Luật thanh tra năm 2010, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012... Và như vậy khối lượng công việc đối với Cơ quan TTGSNH là không nhỏ.

Đó cũng là lý do cần thiết phải thành lập Cục TTGSNH đặt tại tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đồng thời để hạn chế tác động tiêu cực đến công tác quản lý, thanh tra, giám sát NH trong quá trình cải cách tổ chức hệ thống thanh tra, giám sát NH.

Việc thành lập Cục TTGSNH trực thuộc Cơ quan TTGSNH sẽ góp phần quan trọng vào việc khắc phục những tồn tại, bất cập của mô hình thanh tra, giám sát tại chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố hiện nay như chia cắt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát; song trùng lãnh đạo,... Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, việc thành lập các Cục TTGSNH được cân nhắc thận trọng, có lộ trình hợp lý, trước mắt thành lập Cục TTGSNH TP. Hà Nội và Cục TTGSNH TP. Hồ Chí Minh.

Đây là câu chuyện trong tương lai, còn thực tế từ khi thành lập, đi vào hoạt động đến nay, Cơ quan TTGSNH luôn được giao đảm trách nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu phải xử lý khẩn trương, đúng Pháp Luật, bao gồm cả nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 83 và các nhiệm vụ đột xuất do cấp có thẩm quyền giao. Trong những năm qua, không chỉ triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ về quản lý, thanh tra, giám sát, Cơ quan TTGSNH còn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo bước đột phá để tạo sự ổn định, phát triển của hệ thống tài chính NH.

Cụ thể: Cơ quan TTGSNH chủ trì tham mưu xây dựng, đầu mối triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015", Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án "Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”. Mặc dù chịu sức ép lớn từ khối lượng công việc phải xử lý nhưng Cơ quan TTGSNH nói chung và Chánh thanh tra, giám sát NH nói riêng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Do đó, từ kinh nghiệm xử lý công việc thực thi thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao, tôi cho rằng, trong thời gian tới, người đứng đầu cũng như Cơ quan TTGSNH sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Ban lãnh đạo NHNN.

Vậy có thể coi việc thực hiện áp dụng Nghị định số 26/2014/NĐ - CP cũng khiến Cơ quan TTGSNH tự “tái cơ cấu”?

Như tôi đã nói ở trên, Cơ quan TTGSNH đã xử lý và tiếp tục xử lý khối lượng công việc lớn, không ngừng tăng lên theo thời gian. Và các công việc này đều được Cơ quan TTGSNH lường trước để xử lý nên không rơi vào thế bị động. Có thể nói, ngay sau khi mới đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2009, Cơ quan TTGSNH đã sớm xác định các giải pháp nhằm không ngừng kiện toàn tổ chức, nhân sự, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động trên tất cả các mặt công tác của Cơ quan TTGSNH, trong đó có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn...

Đến nay, về cơ bản, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Cơ quan TTGSNH đang đi đúng “quỹ đạo”. Hy vọng, trong thời gian tới, với sự ra đời của Cục TTGSNH, Dự án "Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa" hoàn thành, việc triển khai Basel II, thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro... Cơ quan TTGSNH tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD.

Với quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra, giám sát ngành NH tại Nghị định số 26/2014/NĐ-CP cũng là cơ hội để Cơ quan TTGSNH “tái cơ cấu” nội tại nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát NH theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, tác động tích cực đến việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, góp phần bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu của Đề án đã đề ra.

Có thể nói, Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ra đời tạo nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát NH nhằm bảo đảm quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tài chính và kinh tế vĩ mô.

thanh tra, giám sát ngành NH có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, giám sát NH phải thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán một, một số hoặc tất cả các nội dung trong một số trường hợp cần thiết. Như vậy, có gây áp lực cho các TCTD và có cần thiết không nếu TCTD này chưa “lên sàn”?

Nghị định số 26/2014/NĐ-CP quy định cụ thể hơn những trường hợp yêu cầu kiểm toán bắt buộc để đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động và mức độ an toàn, lành mạnh của đối tượng thanh tra. Trên cơ sở đó Cơ quan TTGSNH áp dụng các biện pháp xử lý, bảo đảm an toàn. Việc thực hiện quyền hạn này giúp TTGSNH chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Và quy định này cũng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về thanh tra, giám sát NH.

Nhưng trên thực tế, không phải đến Nghị định 26 mới có những quy định như vậy. Mà yêu cầu kiểm toán độc lập để phục vụ công tác thanh tra, giám sát NH đã được quy định tại Điểm e Khoản 5 Điều 2 Quyết định số 83/2009/QĐ - TTg khi quy định Cơ quan TTGSNH có nhiệm vụ, quyền hạn yêu cầu đối tượng giám sát NH phải thực hiện kiểm toán độc lập để phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát NH trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, việc giao thanh tra, giám sát ngành NH có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra, giám sát NH phải thực hiện kiểm toán độc lập đều được quy định tại các Quyết định, Nghị định về quản lý hoạt động của các TCTD như Quyết định 843/QĐ-TTg, Nghị định 53/2013/NĐ - CP, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt...

Do đó, thời gian qua, NHNN đã thực hiện quyền yêu cầu kiểm toán độc lập đối với đối tượng thanh tra NH, đối tượng giám sát NH trong một số trường hợp, bao gồm cả việc kiểm toán để phục vụ xử lý TCTD yếu kém, tái cơ cấu TCTD, kiểm toán bên cạnh việc thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm... Hoạt động này đã góp phần đánh giá đúng thực trạng TCTD, nâng cao hiệu lực quản lý, thanh tra, giám sát, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD.

Như vậy, việc giao thanh tra, giám sát ngành NH sử dụng quyền yêu cầu kiểm toán độc lập để phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát NH không gây áp lực cho các TCTD. Tuy nhiên, chi phí kiểm toán do đối tượng thanh tra NH, đối tượng giám sát NH phải thanh toán nên NHNN sẽ hướng dẫn thanh tra, giám sát ngành NH thực hiện quyền yêu cầu kiểm toán độc lập theo hướng quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục để tránh việc lạm quyền.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật