Đàm phán hòa bình Syria tiếp tục bế tắc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập tiếp tục có những bất đồng khi hai bên đều có những đề xuất riêng và không thể thống nhất.
Đàm phán hòa bình Syria tiếp tục bế tắc
Cuộc gặp cấp ngoại trưởng của 11 quốc gia với thủ lĩnh Liên minh đối lập Syria tại London. (Ảnh: AFP)

Bước vào ngày đàm phán thứ 3 của Vòng đàm phán thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị Geneva 2, đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập tiếp tục có những bất đồng khi cả hai bên đều có những đề xuất riêng rẽ và không thể thống nhất chương trình nghị sự chung, đặt vòng đàm phán trước nguy cơ thất bại.

Ngày 12/2, phe đối lập Syria đã đề nghị thành lập một cơ quan điều hành chuyển tiếp. Cơ quan này sẽ giám sát lệnh ngừng bắn tuyệt đối dưới sự quản lý của Liên hợp quốc và được trao quyền đánh bật các tay súng nước ngoài ở cả hai phe trong cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn lực lượng đối lập Syria, ông Louay Safi cho biết: “Hôm nay (13/2), chúng tôi đã trình bày tài liệu phác thảo của chúng tôi về các bước khác nhau và nguyên tắc cho quá trình chuyển đổi, tổng cộng gồm 22 điểm. Về cơ bản, bản đề xuất này kêu gọi thành lập một Cơ quan điều hành chuyển tiếp giám sát lệnh ngừng bắn đối với cả hai bên”.

Trong khi đó, phái đoàn của chính phủ Syria tham gia cuộc hòa đàm tại Geneva cùng ngày cho rằng các cuộc đàm phán trước tiên phải tập trung vào việc chống khủ‌ng b‌ố trước khi thảo luận bất cứ vấn đề nào khác. Phái đoàn chính phủ Syria cũng phản đối cuộc đàm phán song song, theo đó sẽ cho phép cùng lúc thảo luận về ưu tiên thành lập chính quyền chuyển tiếp của phe đối lập và xem đề xuất này là một ý tưởng "vô ích".

Bà Bouthaina Shabaan-Cố vấn của Tổng thống Syria cho biết: "Thật không may, các cuộc đàm phán gặp khó khăn. Ngay từ ngày đầu đàm phán phe đối lập bắt đầu nói về chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố và họ đã dự định tiếp tục đề cập đến vấn đề này cho đến khi hai bên đạt được nhận thức chung. Tuy nhiên, phái đoàn chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi hôm 12/2 nhận được đề xuất đàm phán về Cơ quan điều hành chuyển tiếp mà không phải những vấn đề thực sự nằm trong chương trình nghị sự".

Như vậy, có thể thấy bất đồng sâu sắc nhất hiện nay là những nội dung chính trong chương trình nghị sự. Chính phủ Syria muốn tập trung thảo luận cuộc chiến chống khủ‌ng b‌ố, trong khi phe đối lập cho rằng giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột là thành lập một Cơ quan điều hành chuyển tiếp mà không có sự tham gia của Tổng thống al-Assad.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Brahimi đã phải sử dụng các cuộc gặp "con thoi" riêng rẽ nhằm "giảm áp" căng thẳng trước khi đưa hai bên vào đàm phán trực tiếp. Ông Brahimi thừa nhận, cuộc đàm phán có khả năng thất bại bởi diễn biến phức tạp của chiến trường Syria khi bị bên ngoài "đạo diễn".

Trong lúc các cuộc đàm phán tại Hội nghị Geneva 2 không đạt bước đột phá nào, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại tranh luận gay gắt về dự thảo nghị quyết do Australia, Jordan và Luxembourg soạn thảo liên quan vấn đề trợ giúp nhân đạo tại Syria.

Bản dự thảo đề xuất về vấn đề viện trợ nhân đạo ở Syria được đệ trình với Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 6/2, trong đó ngoài thời hạn 15 ngày để các bên giao tranh tại Syria thực hiện yêu cầu ngừng tất cả những hình thức B.L, vi phạm quyền con người, ngừng phong tỏa các thành phố, còn đề xuất áp án phạt đối với những bên cản trở việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến Syria.

Nga cho rằng bản dự thảo nghị quyết này "xa rời thực tế", có ý đồ làm gia tăng rạn nứt chính trị chung quanh tình hình Syria và sẽ "phá vỡ các nỗ lực nhân đạo của cộng đồng quốc tế" tại quốc gia Trung Đông này. Do vậy, Nga kiên quyết khẳng định sẽ không thông qua bản dự thảo nghị quyết mang tính một chiều này.

Đồng thời, nguồn tin ngoại giao của Liên Hợp Quốc cho biết, Nga đã đệ trình một dự thảo Nghị quyết về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria khác lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã trình 4 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong cuộc họp ngày 12/2. Dự thảo nghị quyết của Nga bao gồm một phần dự thảo của các nước Arab và phương Tây.

Theo nhà ngoại giao này, các bên liên quan đang tiếp tục đàm phán về việc liệu có thể kết hợp 2 dự thảo này thành một nghị quyết về Syria hay không. Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, mục tiêu của họ là tìm kiếm một thỏa thuận, giúp thông qua một nghị quyết  yêu cầu tiếp cận ngay lập tức đối với tất cả các khu vực cần phân phát viện trợ của Syria .

Tuy được khởi đầu tích cực với quyết định gia hạn lệnh ngừng bắn tại thành phố Homs, nơi xảy ra giao tranh ác liệt giữa hai phe, để tiến hành chiến dịch nhân đạo, nhưng với những diễn biến trong 3 ngày đàm phán vừa qua, vòng đàm phán thứ 2 kéo dài tới hết 14/2 tại Geneva (Thụy Sỹ) giữa đại diện chính phủ Syria và phe đối lập được cảnh báo có thể kết thúc thất bại

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật