Teen hành xác ăn vạ thời “2 lẻ 8”

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ăn vạ”, một cụm từ xấu xí dành cho những người hay lu loa đổ tội cho kẻ khác. Rất lạ là đôi lúc những xì tin thiếu thông minh, thừa dại dột vẫn tìm đến “binh pháp” của Chí Phèo nhằm đòi hỏi quyền lợi cho mình.
Teen hành xác ăn vạ thời “2 lẻ 8”
Giả ốm cũng là một cách ăn vạ (Hình minh hoạ)
Các kiểu "ăn vạ" quái chiêu

Mới đây, vụ tử tự của một học sinh trường Đ gây xôn xao giới teen Hà Nội. Thế nhưng, hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình với kiểu “ăn vạ” thời “2 lẻ 8” của cô nữ sinh này. Liên tục đi học muộn, vi phạm nội quy, L phải mời phụ huynh tới gặp cô chủ nhiệm. Không bàn tới thái độ bất cần của gia đình và của chính nữ sinh, quay lại lớp học được vài tiếng, L nhảy từ lan can tầng 3 xuống sân trường trong sự bàng hoàng của bạn bè.

Rất may tính mạng của L vẫn còn giữ được, vì khoảng cách từ lan can xuống nền gạch đất mềm không cao lắm. Trong nhiều trường hợp quá bi quan, quẫn bách với những khó khăn không tài nào giải quyết nổi, những người trẻ tìm đến cái chết khiến bạn bè lẫn gia đình đau xót, xã hội thương cảm. Nhưng hầu hết “khán giả” bất đắc dĩ tại trường Đ, hoặc cộng đồng teen đều thắc mắc liệu có phải bạn nữ này coi việc nhả‌y lầ‌u của mình là “thượng sách” để “dằn mặt” cô giáo? Người giáo viên bao năm tận tuỵ với nghề vẫn không tài nào tin nổi chỉ vì phản ánh lỗi lầm của học trò với gia đình, mà suýt mang cái tiếng ác “hại” người.

Một câu chuyện khác, không rùm beng trên báo mà chỉ bạn học của Đ.A.G (sn1991) mới biết. Tự "tưởng tượng” ra là cô giáo dạy Anh ghét mình, G kiên quyết không học lớp dạy thêm của cô. Điểm kém dần vì mải chơi, mải yêu nhưng cuối kỳ G vẫn không thèm xin kiểm tra bù điểm. Kết quả là G phải thi lại. Thế là G bù lu bù loa khắp trường rằng cô Anh trù học sinh “tận mạng”, rằng thì G đau tim mà cô không châm chước chấm thêm điểm vở.

Nghĩ rằng với thân hình “ốm đau” của mình, mọi người sẽ bênh và lên án cô Anh, G nhịn ăn, dầm mưa cho ốm thì thôi. Gia đình lo sốt vó, còn G thều thào “Con đau lắm, không đi học nữa, đi học toàn bị trù...”, bố mẹ G bênh con nên đến trường tìm giáo viên định làm ầm ỹ. Nhưng khi tới nơi, chứng kiến từ giám thị đến bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của G thông báo kết quả học bết bát, vi phạm nội quy, bố mẹ G mới tin tất cả những “trò hề” của con gái chỉ vì không dám nhận kết quả thi lại nên bù lu bù loa đổ lỗi cho cô giáo.

Những thế hệ “tân Chí Phèo” này thường đi “trước” người khác vài bước, môĩ khi thấy mình bị thiệt thòi, hoặc mọi chuyện không như ý là lu loa, khóc lóc, thậm chí cả hành xác để lôi kéo sự thương hại về mình, đổ lỗi cho người khác và gây sự chú ý.

Mối tình của Thuỷ (sn1990) và bạn trai tên Quân vốn nổi tiếng khắp trường P.H. Vốn Quân có “khí chất” giang hồ từ năm... 10 tuổi, chuyên tụ tập ở Ga Hàng Cỏ, nghiện... đua xe và điện tử, nhưng Thuỷ vẫn dành nhiều cơ hội cho người yêu. Từ năm Thuỷ học lớp 11, Quân đã đe doạ “Thằng nào mà đụng vào “vợ” tao, tao cho “đi” trước rồi tao “đi” theo”. Lúc đấy thì Thuỷ tự hào lắm, nhưng dần dần tình cảm cũng nhạt đi, bởi Quân chẳng chịu học hành mà chỉ lông bông mãi.

Như các mối tình tuổi teen khác, chia tay là thôi thì đã quá may cho Thuỷ. Ngay sau khi cô tỏ thái độ, Quân gào ầm ỹ “Có giỏi em bước khỏi đây là anh rạch nát chân cho em xem !!”. Không nghĩ Quân dám làm, cô bạn bước đi thì nghe cái “rụp”..., bắp chân kẻ ăn vạ kia đã dài một đường máu. Run lẩy bẩy, Thuỷ đành rút lại lời chia tay mặc dù tình cảm chắc chắn không còn. Những lần sau, mỗi khi thấy Thuỷ tỏ ý chán chán, là anh họ “Chí” lại đòi rạch tay, đòi nhả‌y lầ‌u hoặc đập đầu vào tường. Đến giờ trên trán Quân cũng có đủ sẹo của vài ba lần đập vào tường, còn Thuỷ thì đành “nhắm mắt” mà yêu, bởi cô sợ một ngày nào đó Quân sẽ nhả‌y lầ‌u thật.

Với người ngoài thì còn bỏ qua được, nhưng ăn vạ ngay chính trong gia đình chỉ vì muốn mua xe như Minh (sn1992) thì... Thấy bạn đi xe ga, Minh nằng nặc đòi bố mua bằng được. Gia đình chẳng giàu có gì nên bỏ ra gần trăm triệu mua chiếc xe ga là điều không tưởng, vậy mà Minh vẫn nghĩ “các cụ”... giấu tiền, tiếc con nên mới chưa mua. Học đòi mấy cậu công tử, Minh cũng tìm cách tự hành xác, ăn vạ để bố mẹ xót phải chiều con.

Đầu tiên là chiêu giả ốm, Minh lấy khăn chườm nước nóng liên tục lên trán, lên cổ rồi nằm rên hừ hừ, nước mắt lã chã. Thấy bố mẹ đã bắt đầu lo, cậu giở thêm chiêu nói lảm nhảm, khóc lóc còn hơn cả trẻ con ăn vạ... bim bim. Chí Phèo phiên bản mới còn giả... điên, đêm mê sảng gọi tên cái... xe ga. Không chịu nổi, bố Minh mời bác sĩ về khám mới phát hiện con mình chẳng có bệnh tật gì hết. Chỉ tới khi bố mẹ dẫn cậu ra tận ngân hàng xem tài khoản của gia đình là bao nhiêu, có đủ để mua cái xe rồi... nhịn đói hay không, Minh mới chấp nhận từ bỏ ước mơ xe ga hão huyền.

Ăn vạ hay cách sống vô trách nhiệm?

Quen được nuông chiều nên nhiều teen có tính cách “bù lu bù loa” xấu xí này luôn giữ nguyên tư tưởng gây áp lực cho người khác bằng những việc làm dại dột. Cô học sinh nói trên có lẽ sẽ chẳng bao giờ tự đặt mình vào vị trí của cô giáo, để hứng chịu cảm giác day dứt, sự mang tiếng của một nhà giáo, mà chỉ vô trách nhiệm hết sức khi lấy tính mạng ra đùa với tâm lý nổi loạn.

Kịch bản ăn vạ không phải lúc nào cũng có kết quả tốt. Sau vài ngày dầm mưa nhằm bị ốm để doạ cô giáo, Đ.A.G đã “lĩnh” nguyên bệnh viêm phế quản dai dẳng, đến giờ vẫn bị ho có đờm mỗi khi thời tiết thay đổi. Không biết nâng niu trách nhiệm với chính bản thân, thì những cơ hội, cố gắng và hoài bão mãi mãi chỉ là mơ ước mà thôi.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật