Thời kịch bản phim “mì ăn liền”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầu hết phim Việt Nam ra mắt khán giả từ đầu năm 2008 đến nay đều bị chê ngay khâu đầu tiên: kịch bản có nội dung hời hợt, thiếu chiều sâu, thiếu thực tế. Thù lao trả cho biên kịch trung bình 5 triệu đồng/tập phim, có khi viết chỉ 1-3 ngày là xong một tập. Song thực tế thu nhập hấp dẫn này lại không tỷ lệ thuận với chất lượng của kịch bản. Lỗi tại ai?
Thời kịch bản phim “mì ăn liền”
Ảnh minh họa

Nở rộ “biên kịch” tay ngang

Tôi có một cô bạn, trước đây là PR cho mảng phim video gia đình của Đài Loan, Trung Quốc, thỉnh thoảng phụ dịch kịch bản cho nhóm lồng tiếng, và phụ tôi dịch tài liệu về phim, diễn viên…Một ngày, cô điện thoại khoe: “Đang nhận viết kịch bản”. Chưa hết ngạc nhiên vì tôi quá rõ khả năng của bạn mình…cô lại nhắn “phim Tình yêu… của tớ sắp phát sóng đấy, nhưng đứng tên của một biên kịch lâu năm”. Đạo diễn của phim là một người giỏi nghề, rất nổi với một phim tuổi teen “hot” nhất năm 2007. Song 3 tháng sau khi phim phát sóng, nhà sản xuất vẫn lắc đầu: “Phim ấy đến giờ vẫn bị đem ra làm ví dụ khi nhắc đến phim…dở”.

Tôi còn một chị bạn là hoạ sĩ, chuyên vẽ pano, áp phích phim. Khá lâu mới gặp, chị than bị stress quá vì đang bị ép hoàn thành một kịch bản dài tập để đưa vào sản xuất. Bà cô của tôi, từng là trưởng phòng nhiều năm của chị ở cơ quan kể: “Lạ thật! Có lần cô này viết  một cái đơn xin nghỉ phép mà không xong”. Tìm hiểu kỹ thì trường hợp các nhà biên kịch “tay ngang” như hai người bạn kể trên của tôi hiện nay rất nhiều. Một nhà biên kịch lâu năm đắt show đặt hàng viết kịch bản than thở: “Bây giờ tìm người chịu nhận viết kịch bản chi tiết hiếm quá”.

Thời phim sản xuất nhiều, cần lượng kịch bản rất lớn, nên các nhóm viết kịch bản mọc như nấm…Ở phía Bắc có một số nhóm như: SGr đã viết kịch bản Chàng trai đa cảm; Song thuỷ lưỡng hà đã viết các kịch bản: Âm tính, Lập trình trái tim, Tuổi yêu…Ở phía Nam có các nhóm: Sena film viết các kịch bản: Lọ lem thời @, Tình yêu pha lê, Bố dượng…; nhóm của nhà văn Nguyễn Thu Phương với các kịch bản: Thám tử tư, Phiên chợ số; nhóm Thằng Mô với các phim: Đô la trắng, Sóng gió thương trường; và còn nhiều nhóm khác. Sinh viên, đạo diễn, nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, thậm chí cả nông dân, công nhân, nội trợ - những người vốn xa lạ với chuyện cầm bút cũng tham gia viết kịch bản.

Lợi và hại của viết nhóm

Viết kịch bản theo nhóm có ưu thế là tốc độ đáp ứng được công nghệ làm phim đến đâu phát sóng đến đó. Nếu trước đây một người viết 30 tập phim phải mất 6-7 tháng, nay thời gian rút ngắn có khi viết 1-3 ngày xong một tập phim. Thứ hai là tập hợp khả năng sáng tạo, sở trường và thế mạnh của mỗi người, phù hợp với mọi loại đề tài trong phim truyền hình dài tập, phim sit.com…Thường ở mỗi nhóm viết kịch bản đều có một tổng biên kịch – có kinh nghiệm trong nghề - làm nhiệm vụ phác thảo ý tưởng kịch bản, thảo luận và nhận yêu cầu từ nhà sản xuất, phân công người viết và tập hợp chỉnh sửa kịch bản.

Thù lao viết kịch bản trung bình 5 triệu đồng/tập rất hấp dẫn các biên kịch “tay ngang”. Đáng tiếc, hầu hết khán giả cùng nhận xét: Phim Việt Nam không hấp dẫn người xem một cách trọn vẹn. Vì kịch bản phim không có cốt truyện đặc sắc, thiếu tình huống xung đột dẫn đến cao trào nên lúc nào cũng có cảm giác “đều đều”, nội dung phim thiếu thực tế. Chưa kể “bình cũ rượu mới” xoay quanh các đề tài kiểu “lọ lem” – “hoàng tử” hay “chân dài” – “hoa hậu”; “đại gia” – “ kiều nữ”… khiến khán giả nhàm chán.

Lỗi tại ai?

Mô hình viết kịch bản theo nhóm ở nước ngoài đã thực hiện từ lâu. Song việc sử dụng những tay viết “mì ăn liền” sẽ làm cho các nhóm kém hiệu quả, dẫn đến chất lượng kịch bản yếu. Vì họ thiếu vốn sống nên khả năng phân tích tổng hợp các tình huống, cách hành xử thực vào tác phẩm chưa mang nét điển hình và chọn lọc. Họ chưa hiểu được ngôn từ của điện ảnh  là âm thanh, hình ảnh, chứ không phải là nghệ thuật của ngôn từ.

Số không xuất thân từ dân viết thì thiếu vốn ngôn ngữ, viết lời thoại không hay, thiếu chắt lọc và óc tưởng tượng kém. Nhà sản xuất góp phần lớn đẩy kịch bản phim Việt vào tình trạng “mì ăn liền”. Số đông nhà sản xuất hiện nay dựa vào cảm nhận cá nhân để chọn kịch bản làm phim. Vì làm nhanh để tranh sóng, họ dễ dàng chấp nhận đề cương kịch bản, chứ không phải là một kịch bản hoàn chỉnh. Trong quá trình nghiệm thu kịch bản chi tiết, nhà sản xuất không đủ khả năng thẩm định chất lượng. Một số hãng phim có người thẩm định nhưng khả năng đọc kịch bản của họ không tốt, hoặc không có thời gian đọc kỹ.

Để có được những kịch bản hay,  các nhà sản xuất và các nhà đài cần có đơn đặt hàng cụ thể, đưa ra hợp đồng chặt chẽ với mức thưởng phạt công bằng nhằm khuyến khích các tác giả đầu tư cho đứa con tinh thần của mình, không nên…cào bằng chất lượng kịch bản. Đừng vì “thiếu” kịch bản mà không mạnh dạn từ chối  các kịch bản viết quá tệ. Cải thiện được chất lượng kịch bản thì mới cải  thiện được chất lượng phim truyền hình Việt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật