Khi những đứa trẻ phải... mưu sinh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới“, nhiều đứa trẻ đã phải lang thang, cắm mặt ngoài lề đường mưu sinh dẫu biết bao hiểm nguy, cạm bẫy chực chờ. Lười học, thất học rồi lại nghèo đói, cuộc đời chúng cột chặt vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Khi những đứa trẻ phải... mưu sinh
Ngoài giờ lên lớp, buổi tối bé Huyền lại phụ mẹ bán phi tiêu, con quay.

Quay cuồng kiếm tiền

Chiếc xe chở khách du lịch nước ngoài vừa dừng trước nhà thờ đá Sa Pa, hàng chục đứa trẻ nhanh chóng bu kín, tay giơ túi thổ cẩm, dây móc chìa khóa, miệng liến thoắng: "Mua đi, hàng đẹp, hàng tốt mà. Của nhà làm ra đấy". Bất chấp khách tỏ vẻ khó chịu, chúng vẫn dai dẳng đeo bám, tuôn cả tràng đủ thứ tiếng Tây, ta lẫn lộn. Một ông Tây vừa giơ máy ảnh, bọn trẻ nhanh nhảu: "Phải trả tiền đấy. Không có tiền không được chụp!".

Ngay cả đêm mưa rét lạnh đến tê người, Thào Thị Tú ở bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa vẫn cùng đám bạn "kiên trì" bám trụ, dẫu món hàng chỉ vài nghìn đồng. "Mới học lớp 3, sao con đã đi bán"?, tôi gợi chuyện. Tú trả lời bằng giọng lơ lớ tiếng Kinh: "Nhà nghèo, nên phải đi thôi". Vừa dứt lời, Tú lại lao tới cặp khách vừa ngang qua, chìa vòng bạc, túi thổ cẩm nhỏ xíu... tíu tít mời "5.000 đồng một chiếc thôi, mua nhé". Bé Giàng Thị Mao, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Bản Pho, xã Hầu Thào vừa đi bán hàng vừa địu em trên lưng. Mẹ dệt túi, còn Mao đem bán, "thâm niên" đã hai năm nay. Ở Sa Pa, những đứa trẻ như Tú, Mao chẳng thiếu. Chúng từ các bản làng xa xôi như tả Phìn, Trung Chải, San Sả Hồ... nói tiếng Anh, Pháp bồi như gió, thậm chí kiêm luôn cả nghề hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài. Muốn đến trường biết cái chữ, nhưng chúng vẫn thích kiếm tiền, dù chẳng nhiều cũng giúp gia đình bớt khổ cực. Lo lắng của bà Âu Thị Oanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Sa Pa cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Trong số hơn 21.000 trẻ của huyện, 80% là người dân tộc thiểu số, phần đông chỉ học hết lớp 9, nhiều em mới học hết cấp một là bỏ học làm nương, lên rừng kiếm củi, lao động khá nặng nhọc.

Trong khi đó, dù ở giữa Thủ đô phồn hoa, nhưng bọn trẻ ở mái ấm 19-5 (Tân Ấp, Ba Đình) cũng chẳng sướng hơn. Cái nghèo, cái khó đeo đẳng buộc chúng không thể nằm ngoài guồng quay mưu sinh khi đang tuổi ăn, tuổi học. Bố làm xe ôm, mẹ nhặt ni-lon, anh em Nguyễn Hữu Tuyến (13 tuổi) và Nguyễn Thị Vân Huyền (11 tuổi) tối tối cùng mẹ ra chợ Đồng Xuân bán phi tiêu, con quay đến tận đêm khuya. Huyền nhẩm tính, hôm nào đắt hàng, ba mẹ con kiếm được hơn 100.000 đồng, đủ trả tiền nhà và mua thêm tý thức ăn tươi cải thiện cho lại sức. Tủi nhất là đêm mưa rét vắng khách, đứng tê chân, lạnh run mà hàng vẫn ế. Em bảo, sáng thứ hai đi học chỉ muốn gục mặt xuống bàn ngủ cho đỡ mệt.

Ở lớp học tình thương này, số em đạt học sinh tiên tiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng chả trách được. Trong khi các nhà khá giả cho con học thêm hết thầy nọ cô kia thì những đứa trẻ này ngoài giờ học lại phải cắm mặt trên đường kiếm sống. Mẹ đi rửa bát thuê, chiều nào bé Nguyễn Hoàng Tú cũng lếch thếch cầm móc, vác bao tải nhặt giấy ở khắp các ngõ phố. Cậu bé quả quyết lớn lên sẽ làm công an và kiếm được nhiều tiền lo cho mẹ chữa bệnh.

Vòng xoáy mưu sinh cũng cuốn những đứa trẻ đất miền trung vào cái nghề độc hại và hôi hám: dán cá bò, dẫu "sức yếu, tay mềm". Trực tiếp chứng kiến, bạn bè đồng cảm với chúng qua những con chữ nhân văn "đôi bàn tay bé nhỏ của Duyên phải gỡ từng con cá, co lại vì lạnh, lại chưa kể đến xương cá còn lẫn trong thịt, chỉ sơ ý tý thôi là châm vào tay, rồi những gia vị tẩm vào làm đôi bàn tay đỏ cả lên" hay những vần thơ vụng về nhưng thấu tâm can: "Thương em phải dán cá bò/Bàn tay lạnh buốt co ro rã rời/Mắt đã mỏi, chân thì đau/Lưng khom, gối gập, bụng em đói rồi"; "Cực thân cuộc sống gian nan/Tuổi thơ lạnh giá, chứa chan giọt sầu"...

"Đổi đời"

Khách sạn Sa Pa H'Mông nằm khuất dưới tán thông sa mộc. Nhân viên Giàng Thị Pàng tươi tắn trong trang phục người Mông, dịu dàng nói tiếng Anh trả lời bốn khách du lịch người Mỹ. Người dân thị trấn Sa Pa chẳng lạ gì Pàng, từng "lành nghề" bán hàng rong. Là chị cả một gia đình đông con ở bản Thào Hồng Sến, xã Hầu Thào, ruộng nương ít, thường xuyên thiếu đói, Pàng đành nghỉ học đi bán đồ thổ cẩm. Nhờ ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) hỗ trợ, Pàng được học nghề miễn phí và giới thiệu vào làm tại khách sạn này. Em hào hứng khoe "lương ba triệu đồng/tháng, được bao ăn nghỉ, chẳng gì sướng bằng". Gần 30 bạn người Mông học nghề ở Trung tâm Hoa Sữa cũng chung niềm vui như Pàng, làm ở các khách sạn tại Sa Pa, thu nhập ổn định.

Để các em nhận thức đã khó, đả thông tư tưởng cha mẹ chúng nan giải không kém. Họp bản, tuyên truyền qua già làng, trưởng bản theo chiến thuật "mưa dầm thấm lâu" chưa đủ, các trường còn tranh thủ kinh phí hỗ trợ của dự án chu cấp lộ phí, mời phụ huynh về tận trường họp bàn đông đủ. "Chớ b học đi làm. Cho con học chữ, sau này đỡ khổ", rồi họ cũng hiểu ra, tỷ lệ bỏ học giảm. Cô giáo Bùi Thị Hoa, Trường tiểu học Lao Chải phấn khởi khoe, 118 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 được học tập bằng tiếng Mông và chữ Mông, khi nắm chắc chuyển ngữ sang tiếng Việt. Các bé hứng thú phương pháp song ngữ này, thêm tự tin, khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt. Cũng chung niềm vui ấy, ông Lê Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam) phấn chấn: 100% trẻ trong diện đi học đã đến trường, không còn cảnh hàng chục em bỏ học giữa chừng, xuống Hội An bán vé số dạo hay theo mẹ đến làm công ở cơ sở gia công cá bò. Bất ngờ tới xưởng gia công cá bò của anh Trần Phú Liễu, chứng kiến gần 50 phụ nữ mải miết làm lụng. Chị Nguyễn Thị Hồng phân trần: "Được tuyên truyền, chúng tôi cũng vỡ ra. Mình ráng chắt bóp để các con chú tâm học, kiếm "ít chữ", chứ quanh quẩn làm nông, dán cá bò may ra đủ ăn, ráo mồ hôi là hết tiền".

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng gắn bó ở mái ấm 19-5 từ khi thành lập tâm sự, hồi trước đang dạy có phụ huynh đứng ở ngoài cửa réo con "Mày có về đi làm giả nợ không, tao chết đây này?", nay không ai cho con bỏ học. Nhưng nỗi lo khác lại đến khi giáo viên bỏ dạy hết vì lương quá thấp. Một mình cô Hồng đảm nhiệm dạy ghép 18 em từ lớp 1 đến lớp 5. Nhiều em học kém, mải chơi, lười học nên vất vả bội phần. Thương chúng, cô dốc tâm sức vừa dạy chữ vừa bảo ban chúng nên người. Niềm hạnh phúc vô bờ của cái "nghề lái đò" là không ít học sinh cũ ngày xưa lang thang làm cửu vạn, đánh giày, nhặt rác... thậm chí ăn xin, nay học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định vẫn về mái nhà xưa động viên cô và các em đồng cảnh.

Cũng như cô Hồng, đã và đang có nhiều những tấm lòng, những bàn tay nồng ấm, thầm lặng góp thêm sức mạnh giành lại tuổi thơ cho những đứa trẻ đang phải chịu thiệt thòi. Để mai này, các em có được hành trang đầy đặn tự tin bước vào đời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật