Nhọc nhằn mưu sinh trong đêm đông

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Ngô nóng đây...”, người phụ nữ dáng nhỏ nhắn oằn mình trên chiếc xe đạp cà tàng, cố chống chọi với cái giá rét của đêm đông, nồi ngô luộc nóng hổi bốc khói nghi ngút đặt trên chiếc giá được chằng buộc phía trước xe đạp. Đó là hình ảnh của một trong nhiều lao động nghèo đang miệt mài mưu sinh trên từng con phố nhỏ giữa lòng Thủ đô trong đêm đông lạnh giá.
Nhọc nhằn mưu sinh trong đêm đông
Ảnh minh họa
Hà Nội những ngày này lạnh se sắt, rét đến cắt da cắt thịt. Rét đến mức dọc các con phố khuya, người ta còn đốt lửa để sưởi ấm. Rét đến mức người ta chỉ muốn cuộn mình trong chăn ấm, ai có việc quan trọng lắm mới phải ra đường... Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương thông báo, đây là đợt rét kỷ lục chỉ sau đợt rét dài 38 ngày hồi năm 2008. Miền núi phía Bắc có nơi xuống tới -4 độ C. Còn tại Thủ đô, về đêm nhiệt độ luôn ở mức dưới 10 độ C.
Gió rét. Sương đêm. Và cả mưa nữa. Những hạt mưa buốt lạnh như những mũi kim nhọn chích vào da thịt người. Song, dường như cái khắc nghiệt của thời tiết cũng chẳng thể khiến người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh nhọc nhằn.
Đã 22 giờ, con phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) dài hun hút, nhà nhà đã cửa đóng then cài, cả đường phố vắng tanh, tịnh không một bóng người. Thi thoảng mới lóe lên ánh đèn xe máy chạy vọt qua rất nhanh của những thanh niên ham chơi đêm giờ cũng cố chạy xe thật nhanh để về nhà tránh rét. Với Cường, người thanh niên 28 tuổi (quê ở Ninh Bình) thì không như vậy. Cái lạnh đến thấu xương, giá rét như “cắt da, cắt thịt” không níu được bước chân anh. Dáng tần tảo, chịu khó, anh đẩy xe hàng khoai nóng, ngô nướng lầm lũi đi trong đêm mặc cho gió tạt đến buốt giá. “Chị ăn ngô nướng đi. Lạnh thế này, ăn bắp ngô nếp nướng mới cảm được cái vị ngon của “món quà đêm đông”. Lạ thế, tôi thì co ro trong chiếc áo bông to xù, đầu đội mũ len, tay đeo găng kín mít mà vẫn run lên vì rét, vậy mà người thanh niên ấy, trong chiếc áo ka ki mỏng đã cũ, chân xỏ dép lê mà vẫn tươi cười vừa nướng ngô mời khách, vừa “quảng cáo” sản phẩm khiến khách hàng cũng phải xiêu lòng. “Lạnh thế này sao anh không nghỉ sớm đi?”. “2 giờ đêm hết hàng mới nghỉ! Ai chả muốn giờ này được về nằm trong chăn ấm, nhưng vì mưu sinh, vì vợ con, phải cố thôi. Với lại, nghỉ một ngày, tự nhiên mất đi vài chục ngàn thu nhập, tiếc lắm. Họa hoằn, ốm đau mới dám nghỉ”. Trao cho tôi túi ngô nướng nóng hổi, Cường lại lụi cụi đạp xe đi, tiếng rao khàn khàn “Khoai nướng, ngô nóng đây”... xa dần rồi mất hút trong đêm.
23 giờ. Phố Đường Láng sáng rực đèn đường, nhưng con đường vắng hoe. Thế nhưng, giờ này lại mới là giờ “làm ăn” của những chuyến xe, gánh hàng đêm. Hà, cô gái quê ở Phú Thọ dáng người nhỏ nhắn, gương mặt ửng hồng, vẫn đang miệt mài lật từng chiếc bánh chuối, bánh khoai trên chiếc chảo mỡ sôi. Trên người cô chỉ vận một chiếc áo len cao cổ, chân không tất, đi đôi dép tổ ong đã mòn vẹt. Vừa mời tôi ăn bánh khoai đã rán vàng rộm, Hà vừa xuýt xoa. “Đợt rét này dài quá chị nhỉ. Nhưng rét thế em lại bán được nhiều hàng”. Hà cho biết, sáng nào cũng như sáng nào, bất kể ngày giá rét, mưa gió hay khô ráo, ấm áp, cô cũng dậy từ 4 giờ sáng để đi ra tận chợ Long Biên mua nguyên liệu làm bánh. “Phải ra đó mua chuối, khoai thì mới rẻ, ra muộn một chút là hết hàng nên em đi giờ đó mới mua kịp”. Ngày thường ấm áp, một buổi tối, Hà bán được khoảng 40, 50 cái bánh chuối, bánh khoai, trừ vốn đi cũng lãi khoảng ba, bốn chục ngàn. Nhưng những ngày lạnh, người ăn đông hẳn, có ngày Hà bán được tới 150 cái bánh chuối, lãi gấp đôi ngày bình thường. Vậy là dù rét buốt đến mấy, Hà vẫn cố gắng đi lấy hàng sớm hơn, ngồi muộn hơn mọi ngày để cố thêm được đồng nào hay đồng ấy để gửi tiền về quê cho bố mẹ nuôi ba đứa em ăn học. Nhìn Hà, tôi lại nhớ tới đứa em mình, cũng ở tuổi như cô bé nhưng hai số phận khác nhau. Em tôi giờ này đã say giấc nồng từ lâu còn Hà, vẫn đang bươn chải với cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.
3 giờ 30 sáng. Cả khu phố Nghĩa Tân, Cầu Giấy vẫn còn chìm trong giấc say nồng, chị Mai (ở Mỹ Đức – Hà Nội) đã lịch kịch dắt chiếc xe đạp cà tàng với hai chiếc sọt gá ở hai bên ra để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Công việc của chị là ra chợ đêm ở chân cầu vượt dịch Vọng (Cầu Giấy) lấy các loại rau củ, hành, tỏi... về đưa cho các nhà hàng cơm bình dân. Gồng mình đạp xe trong đêm đông buốt giá, song cái rét không làm chị nản lòng. Chị Mai cho biết, đã làm công việc này nhiều năm nay. Dù thu nhập cũng chỉ 50 -70.000 đồng/ ngày, song chị vẫn miệt mài cố gắng làm ra đồng tiền bằng chính sức lao động của mình để nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Anh Thắng, chồng chị, thương vợ nên dù không tìm được việc làm cũng cố vác thêm một chiếc hộp đánh giày ngày ngày đi bộ hàng chục cây số để mong kiếm thêm vài chục ngàn đỡ đần cho vợ. Vợ chồng mình quyết tâm không để bọn trẻ thiếu học rồi lại rơi vào hoàn cảnh như bố mẹ chúng” – chị Mai ngậm ngùi nói...
Đêm đêm, trên các đường phố của Thủ đô Hà Nội, những chiếc chổi tre vẫn miệt mài, âm thầm làm sạch các con phố, để ngày hôm sau, Thủ đô lại bừng sáng đón ngày mới. Mặc cái lạnh thấu xương, họ - những người lao công - vẫn âm thầm, cần mẫn  làm việc mong mang lại một môi trường sống sạch sẽ, văn minh hơn.
Những mảnh đời mưu sinh trong đêm tôi đã gặp mỗi người một số phận, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả những con người ấy lại có chung một mục đích: Đó là lao động vì cuộc sống, vì mưu sinh. Ai đó đã từng nói: “Cuộc sống  không có gì đáng sợ bằng không chiến thắng được chính bản thân mình”. Và tôi càng thêm cảm phục những con người đang ngày đêm âm thầm mưu sinh, cống hiến cho xã hội bằng chính sức lao động của mình.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật