Chuyện đau lòng ở xóm Chụt

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Rồi đây, đời những đứa trẻ ở xóm Chụt cũng sẽ mong manh, tròng trành như những chiếc ghe sinh nhai của cha ông họ trước trùng khơi sóng vỗ...
Chuyện đau lòng ở xóm Chụt
Để săn được vài con cá cảnh biển hiếm hoi bán cho thương lái, những thợ lặn ở xóm Chụt lắm khi phải trả giá bằ

Chết chóc, bệnh tật, nằm liệt giường như trở thành nỗi ám ảnh của các thợ săn cá cảnh biển. Nỗi ám ảnh đó lâu ngày lại trở nên... bình thường. Ở xóm Chụt (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang - Khánh Hòa), những câu chuyện thương tâm về đời thợ lặn cứ dài ra mãi.

Nằm lại đáy đại dương

Người chết mới nhất vào đầu năm 2008 ở xóm Chụt là ông Nguyễn Văn Dương do lặn sâu gặp con nước độc, tê cóng tay chân, ép tim và ngưng thở. Người ta kéo ông Dương lên ghe, cho giảm áp và sơ cứu nhưng ông vẫn không qua khỏi, trút hơi thở cuối cùng ngay trên chiếc ghe nhỏ - tài sản gắn bó với ông trong suốt hơn 20 năm đi biển. Ông chết để lại 3 đứa con. Lớn nhất là Vũ, 19 tuổi, kế đến là Phong 15 tuổi và cậu em út tên Bão mới 12 tuổi, đang học lớp 8. Hai năm trước, vợ ông Dương cũng đã qua đời do tai nạn. Dù ám ảnh trước cái chết của cha nhưng do không được ai bảo bọc, thế là chiếc ghe nhỏ tiếp tục được sử dụng làm phương tiện mưu sinh của anh em Vũ.

“Không ra biển, tụi em lấy gì sống. Không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con, hàng xóm được bởi ở đây ai cũng nghèo. Hai năm trước, em cũng theo cha ra biển nên có chút kinh nghiệm lặn, theo mấy chú học vài tuần là lặn giỏi ngay. Ở xóm biển chẳng biết làm gì, chỉ có ra biển mới kiếm ăn được” - Vũ tâm sự. Chính vì ra đời sớm mà dù đang tuổi mới lớn nhưng hai anh em Vũ gầy nhom, nhỏ xíu. Thấy hoàn cảnh của anh em Vũ, hàng xóm có người thương cảm nhưng cũng có người cho đó là hợp lý bởi những cái tên mà cha Vũ đã đặt cho các con nào là Vũ, Phong, Bão nghe rất “dông tố”, chấp chới như cuộc đời cha con ông: Sống nhờ biển và chết vì biển.

Cha của Đạt, một thợ lặn trẻ ở xóm Chụt, cũng chết vì lặn. Cái chết thương tâm của người cha nay đã phai nhòa trong ký ức Đạt. “Tôi không nhớ vì sao cha tôi chết nữa. Chỉ biết giống như những thợ lặn khác, khi được bạn thuyền báo hung tin thì gia đình chỉ biết ra biển mà đem xác cha về nhà khâm liệm” – Đạt nói. Khi cha mất, Đạt chỉ mới tròn 4 tuổi. Sau đó, do gia cảnh khó khăn, năm 16 tuổi, Đạt phải theo ghe khác đi kéo lưới, rồi trở thành thợ lặn thuê. Tuy nhiên, Đạt cho biết: “Tôi bị ám ảnh bởi cái chết của cha nên chỉ dám lặn gần, không dám lặn sâu, ra khơi xa”.

Đau lòng nhất là cái chết tức tưởi của một thanh niên 27 tuổi tên Tuấn, cũng ở xóm Chụt. Anh ra đi để lại vợ và con nhỏ chưa cai sữa. Trước đó, cha anh cũng chết vì lặn biển. Người vợ trẻ của anh ngày càng héo hon, ngày ngày đi bán cá ngoài chợ nuôi con mà nỗi nhớ chồng cứ dằng dặc trong lòng.

Mịt mù tương lai con trẻ

“Lặn nguy hiểm lắm, có khi gặp con nước độc, tránh không kịp là chết như chơi, hoặc sơ suất trồi lên bờ nhanh quá bị sốc thì liệt cả người. Xóm này nhiều người bị lắm rồi” - một thợ lặn cho biết. Anh này dẫn chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Hoài, năm nay 40 tuổi, đang nằm liệt giường, tiểu tiện tại chỗ. Anh Hoài kể khi anh đang lặn thì cảm thấy lạnh người nên trồi lên bờ, trồi nhanh quá nên bị ép tim. Thế là liệt, dù các thợ lặn khác đã giúp giảm áp nhưng vẫn không hết. Về nhà, anh nhờ chữa bệnh bằng châm cứu nhưng chỉ thuyên giảm phân nửa, xem như bán thân bất toại. Bốn năm nằm một chỗ để vợ con chăm sóc, người đàn ông này trở nên khó tính, ít nói hẳn. Con cái lần lượt nghỉ học. Gia tài quý nhất của anh hiện nay là căn nhà nhỏ cấp 4 ọp ẹp nép mình sát cửa biển, rung lên bần bật mỗi khi có gió lớn. Hơn chục năm nay, nó che chở cho 6 người. Trong số đó, vợ anh buôn bán cá, tôm ngoài chợ, con trai lớn 16 tuổi cũng ra biển nối nghiệp cha, còn một đứa con gái (13 tuổi) bị bệnh tâm thần cùng anh ở nhà.

Ngoài anh Hoài, xóm này còn có anh Trần Thanh Phong cũng bị liệt toàn thân do gặp con nước độc khi lặn. Vợ con anh phải bán hết nhà cửa, đồ đạc trong nhà chữa bệnh cho anh. Nhờ thế, đến nay, một chân của anh đã cử động bình thường. Gương mặt khắc khổ, già sọm hơn nhiều so với tuổi 45, anh thở dài, nói: “Mất cả trăm triệu đồng mà vẫn không bình phục để giúp đỡ vợ con. Bây giờ nợ vây tứ phía, mà chưa có tiền trả. Từ ngày anh bị liệt, gia đình anh rơi vào cảnh túng quẫn, mấy đứa nhỏ lần lượt nghỉ học để kiếm sống. Nóng ruột, người đàn ông này quyết định trở lại biển, bám biển để tìm kế sinh nhai. “Tay chân yếu lắm, tôi chỉ có thể theo phụ vá lưới, kéo lưới, kéo dây hoặc làm chuyện lặt vặt trên ghe kiếm gạo giúp vợ con”.

Chúng tôi còn được nghe nhiều chuyện đau lòng ở xóm Chụt, như ông Đực Đen cũng liệt giường do lặn, anh Bảy, anh Bé... mấy lần suýt chết. Bi thương nhất là cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi. Thất học, vào đời sớm, lấy chồng sớm rồi sinh con đẻ cái ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Chuyện cãi vã, đánh nhau rồi dẫn ra tòa cũng là chuyện thường ở xóm Chụt này... 

Cha truyền con nối

Lặn săn cá cảnh biển là nghề cha truyền con nối. Như gia đình em Nguyễn Văn Vũ, có thâm niên... lặn từ đời ông nội. Trong thời gian đi biển, ông nội Vũ dẫn theo cha Vũ để học hỏi, phụ kéo lưới, rồi dần dần học lặn. Vũ cũng theo cha từ khi em lên 15 tuổi. Vũ cũng học dần dần và đến nay trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp. Ngoài Vũ, hầu hết trẻ con có cha làm thợ lặn nếu không đến trường thì theo cha ra biển.

Một đặc điểm dễ nhận biết với thợ lặn là họ không giàu dù số tiền kiếm được mỗi ngày của họ không ít so với nhiều người làm nghề khác (mỗi ngày một thợ lặn kiếm được 50.000 - 200.000 đồng). Tuy nhiên, do chưa có ý thức dành dụm nên nhiều khi cả đời đi biển, gia tài dành dụm được của họ chỉ là chiếc ghe nhỏ. Ở xóm Chụt, 2/3 số thợ lặn phải đi nhờ ghe của chủ. Sản phẩm sau một ngày sẽ được chia đều, trong đó chủ ghe cũng được chia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật