“Giã từ vũ khí”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với một làng có 170-180 hộ mà hộ nào cũng có người đi rà phá phế liệu như Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, H. Cam Lộ, Quảng Trị), thì việc họ dần chuyển đổi ngành nghề, từ bỏ nghề đối mặt với “thần chết” quả là điều ít ai ngờ tới. Song, điều ấy đã diễn ra.
“Giã từ vũ khí”
Vẫn còn nhiều người dân Tân Hiệp phải gắn bó với nghề rà phá sắt phế liệu do không có đất sản xuất.

Xa dần nghề rà phá phế liệu

Những năm sau chiến tranh, đất đai khô cằn, thiếu nước sản xuất, không có sinh kế nên người dân làng Tân Hiệp kéo nhau vào rừng rà phá phế liệu chiến tranh làm kế sinh nhai. Tiếng rì rò của máy rà sắt trở thành âm thanh quen thuộc của biết bao người dân Tân Hiệp suốt 2 thập kỷ qua. Thời cao điểm, cả làng 170-180 hộ thì nhà nào cũng có người đi rà phá phế liệu. Có gia đình cả nhà 4-5 người cùng đi. Anh Phạm Văn Phương, chủ đại lý thu mua phế liệu chiến tranh duy nhất ở Tân Hiệp cho biết: “Những năm 1998-2000, nhà tôi mua vào mỗi ngày lên đến 2 tấn sắt phế liệu chiến tranh. Thời điểm đó, bà con đi đào phế liệu rất nhiều. Bây giờ, ý thức được sự nguy hiểm, cộng với nhiều yếu tố thay đổi nên người đi rà phế liệu giảm nhiều. Hiện tại thì cả tháng tôi gom lại mới được 1 tấn phế liệu”.

Dù số người đi rà phế liệu đã giảm, nhưng không khó để bắt gặp từng đoàn người rồng rắn kéo đi rà phế liệu vào sáng sớm hàng ngày. Những người rà phế liệu còn sót lại ở Tân Hiệp phần lớn là người lớn tuổi, không có đất sản xuất, không thể chuyển đổi nghề khác. Bà Trần Thị Bê (55 tuổi), vì không có đất để trồng trọt, chồng lại đau ốm nên vẫn phải gắn bó với nghề rà phế liệu. “Làm cái nghề ni 20 năm rồi. Còn sống ngày nào thì bám víu vào mấy miếng sắt ngày đó, chứ không thì biết lấy cái gì ăn đây?”, bà Bê trăn trở. Tương tự, ông Trần Văn Thường (52 tuổi), cùng vợ làm nghề rà phế liệu đã 2 thập kỷ có lẻ. Dừng nghỉ lấy lại sức sau một ngày dài vất vả, ông Thường cho biết: “Cả hai vợ chồng lặn lội trong rừng, ngày được thì tầm 30 cân sắt với ít đồng vụn, có 150-200 nghìn đồng thôi!”.

Nói về nguy hiểm của nghề, ông Thường kể không ít lần cuốc trúng bom đạn chưa nổ nhưng may mắn thần chết chưa gọi tên. Chưa dứt câu chuyện với ông Thường thì chiếc xe máy của chị Đào Thị Mùi rà tới. Người lấm lem đất đồi, vàng khè từ đầu xuống chân, chị Mùi mệt nhọc tháo bao sắt sau xe máy xuống. “Cả ngày lật từng hòn đất ở mãi H. Gio Linh mà được hơn chục ký, vừa đủ tiền xăng thôi”, chị Mùi thở dài. Cứ chiều chiều, dòng người đi đào phế liệu lại đổ về nhà anh Phương để “tổng kết” một ngày công lao động.

Xăm xoi từng mét đất, xới tung khắp vùng đồi, người người chà đi xát lại để đắp đổi qua ngày. Đã có rất nhiều người bỏ nghề, nhưng vẫn còn khoảng 45-50 hộ dân không thể chuyển đổi nghề nên phải bám trụ với nghề “thần chết”. Mỗi nhát cuốc găm xuống đất là một lần mạo hiểm với tính mạng. Thống kê không đầy đủ cho thấy, có khoảng 10 người Tân Hiệp mất do rà phế liệu chiến tranh, 2 người bị thương tật vĩnh viễn.

Giã từ thần chết

Ý thức về sự nguy hiểm và bấp bênh của nghề rà phá phế liệu chiến tranh, người dân Tân Hiệp dần dần bỏ nghề, chuyển sang công việc khác. Bà Nguyễn Thị Nhẫn cho biết, bản thân bà cùng chồng và con trai cũng theo người trong thôn, sáng chiều vác cuốc rong ruổi khắp các cánh rừng để tìm phế liệu. Cách đây hơn 5 năm, chồng bị bệnh qua đời thì bà Nhẫn bỏ nghề. Riêng cậu con trai, theo nghề tìm phế liệu đến năm 2011 thì chuyển sang đi làm thuê, chặt và bóc vỏ cây tràm. “Hắn đi làm thuê quanh huyện Cam Lộ và Đăkrông, tháng được 2-3 triệu đồng, ổn định và không phải lo lắng nữa”, bà Nhẫn thở phào. Tương tự, con trai của bà Trần Thị Bê cũng bỏ nghề rà phế liệu hơn 2 năm nay. “Con dì giờ đi cạo nhựa thông cho lâm trường. Tiền lương phụ thuộc vào sản lượng, trời không mưa gió thì lương cao. Tháng ít cũng được 1,5-2 triệu đồng”, bà Bê nói.

Nỗ lực bỏ nghề, trong làng hiện có khoảng 20 hộ làm dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ, một số hộ làm lâm nghiệp với diện tích 20 ha. Trong năm 2012-2013, khoảng 40 hộ dân thôn Tân Hiệp lần đầu tiên trồng lúa nước, với diện tích 7,6 ha. Đây là nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân để chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm. Ông Đào Văn Tùng, trưởng thôn Tân Hiệp, thông tin: “Tân Hiệp hiện có 235 hộ dân với 1.038 nhân khẩu. Diện tích trồng lúa vừa chuyển đổi từ ruộng lạc sang là 7,6 ha, còn lại khoảng 10 ha trồng lạc và sắn. Vụ đầu tiên năng suất chỉ đủ tiền đầu tư nhưng bà con rất phấn khởi. Bà con chỉ mong muốn có đất, có nước, thời tiết thuận lợi để làm ăn ổn định, gắn bó với ruộng lúa mà thôi”.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm đến người dân thôn Tân Hiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt tạo quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp để bà con làm ăn, bỏ nghề rà phế liệu. Được biết, thời gian sắp đến, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi để bà con bỏ hẳn nghề rà phế liệu, để không còn phải đối mặt với nguy hiểm còn sót lại trong lòng đất. Hy vọng một ngày không xa, người dân Tân Hiệp sẽ không còn phải nghe tiếng rì rò rì rò của máy rà, không phải làm bạn với hiểm nguy dưới lòng đất nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật