Nơi đất thiêng chim về

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nằm ở trung tâm thành phố Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết từ khi được xây dựng tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên“đã trở thành điểm nhấn của Gia Lai và của cả Tây Nguyên.
Nơi đất thiêng chim về
Đàn sáo nâu đang bay từng đàn nhỏ về ngủ trên hàng cây quanh Tượng đài Bác Hồ.

Không chỉ là một công trình lịch sử, văn hóa, Quảng trường Đại Đoàn Kết sau khi xây dựng đã trở thành "ngôi nhà" của hàng nghìn con chim trời tụ tập về đây.

Từ khi khánh thành, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã trở thành điểm đến của  người dân trong tỉnh và của cả nước. Không chỉ mang dấu ấn lịch sử, quần thể Quảng trường Đại Đoàn Kết còn mang một giá trị văn hóa lớn lao. Giữa trung tâm Quảng trường là công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Xung quanh quảng trường bao phủ hơn 2.000 loài hoa, cây đặc trưng của cả nước quy tụ về tạo thành nét đặc sắc: mai, đào, sen, kơ-nia, pơ lang, cau, lộc vừng, sứ... là những cây phượng vĩ 3 nhánh tượng trưng 3 miền: Bắc - Trung - Nam, là nhưng cây được mang từ Hồ Tây vào đây. Như đánh giá của Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào ngày khánh thành Quảng trường: "Ở đây, là một Quảng trường với nhiều câu chuyện lịch sử để nói, một không gian lớn với nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ".

Mong muốn của tỉnh Gia Lai là khi đưa Quảng trường Đại Đoàn Kết vào sử dụng nơi đây sẽ trở thành một quần thể về văn hóa và chính trị cũng như là một quảng trường mở, quảng trường cho nhân dân. Thế nên, nơi đây giờ đã trở thành nơi vui chơi, điểm thu hút đông đảo du khách tham quan. Điều đặc biệt hơn, từ khi đưa vào sử dụng chỉ sau vài tháng, trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết cũng trở thành "mái nhà" của hàng nghìn con chim trời về trú ngụ. Tiếng ríu rít gọi bầy mỗi buổi sáng sớm hay chiều chập choạng tối khiến cả Quảng trường rộn ràng hẳn lên. Đây là điều chưa từng có ở TP Pleiku. Có mặt thường xuyên ở đây đều đặn mỗi ngày từ sáng đến chiều tối, bà Vũ Thị Sơn (tổ dân phố 7, P. Hội Thương, TP Pleiku) kể: "Ngày nào bà ra đây đi bộ, tập thể dục, được ngắm con cháu vui chơi. Điều thú vị là bầy chim trời kéo về đây ngày càng đông hơn. Lúc đầu vài trăm con nay đã lên hàng nghìn, hàng vạn con. Chiều nào lũ sáo nâu cũng to mồm nhất, ríu rít tìm chỗ ngủ. Sáo nó khôn lắm, nơi nào yên bình là nó ở, nó xem đây là cái nhà của nó, đất có lành chim mới đậu cậu à!".

Một người dân ngồi ngóng đàn chim trời về ngủ.

Tại góc đường ngã ba Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng là nơi tập trung trú ngụ của bầy sáo nâu trong mỗi buổi chiều về, hàng cây dọc hai bên Quảng Trường luôn rộn ràng. Không chỉ thế, hàng cây trên dãy núi tượng trưng cho đỉnh núi Hàm Rồng được đắp nổi phía sau bức phù điêu và Tượng đài Bác Hồ là nơi trú ngụ của các loại chim khác như: cu gáy, vành khuyên, chào mào, sẻ núi... Được biết, từ khi triển khai xây dựng Quảng trường Đại Đoàn Kết, Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai cũng đã có kế hoạch để thu hút và bảo vệ đàn chim trời về trong khuôn viên. "Chúng tôi cũng thật bất ngờ bởi chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng nghìn, hàng vạn con chim trời quây quần bên Tượng đài của Người. Việc bảo vệ các loài chim về đây đã được đưa vào quy định của Quảng trường và đặc biệt là ý thức của người dân bảo vệ đàn chim rất tốt", ông Phan Xuân Vũ - GĐ Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai cho biết.

Hiện, thức ăn của đàn chim trời cũng đã được tính đến, mỗi ngày có khoảng 5kg lúa, ngô và các loại ngũ cốc khác được rải quanh khu vực Quảng trường để làm thức ăn cho các loài chim. Dạo bước quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết, như chìm vào những câu chuyện lịch sử, bắt gặp những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung, là sự yên bình dưới hình ảnh Người. Có lẽ, nơi đây - nơi mảnh đất thiêng của nhân dân, của những bầy chim trời tìm chốn yên bình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật