Việt Nam - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác về KH&CN

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những năm qua, hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Hai nước đang tích cực triển khai nhiều dự án quy mô lớn và các chương trình hợp tác quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về KH&CN.
Việt Nam - Nhật Bản: Đẩy mạnh hợp tác về KH&CN
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua đã đạt những bước tiến đáng khích lệ.Hiệp định Chính phủ về hợp tác KH&CN Việt Nam - Nhật Bản được ký năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức KH&CN của hai nước. Có thể nói, thông qua các chương trình, dự án hợp tác, các vấn đề KH&CN mà hai nước cùng quan tâm đã từng bước được giải quyết, đồng thời góp phần nâng cao năng lực và tiềm lực KH&CN của Việt Nam.
Trong thời gian qua, nhiều dự án hợp tác đã được triển khai trong khuôn khổ các chương trình nghiên cứu chung được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trong “Chương trình đối tác nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững” (SATREPS); hợp tác trên cơ sở chia sẻ kinh phí nghiên cứu giữa các bên tham gia trong“Chương trình nghiên cứu chung Đông Á (e-ASIA JRP)”;hay các hoạt động nghiên cứu chung trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ thúc đẩyKH&CN Nhật Bản (JSPS).
Bên cạnh đó, hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản về phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình đã được ký năm 2011 tại Hà Nội. Hai nước cũng đã ký Thỏa thuận về hợp tác xây dựng Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều hoạt động hợp tác đang được triển khai một cách hiệu quả giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam với các cơ quan của Nhật Bản như Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA), Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản (JNES). Đặc biệt, phía Nhật Bản tích cực hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm Pháp Luật quốc gia và đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực hạt nhân như an toàn hạt nhân, an ninh và kiểm soát hạt nhân và khóa đào tạo tổng hợp về pháp quy hạt nhân, đánh giá an toàn, cấp phép xây dựng và thanh tra hạt nhân.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Việt Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN, hợp tác KH&CN giữa Việt Nam - Nhật Bản chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Chúng ta đang có những điều kiện hết sức thuận lợi cần được khai thác để đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác này. Việt Nam đã có một đội ngũ cán bộ KH&CN được đào tạo bài bản tại Nhật Bản, nhiều người trong số đó đang làm việc và giữ những trọng trách tại các viện nghiên cứu, trường đại học hay các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề tốt cho việc tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa hai nước, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản vào Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tiềm lực KH&CN và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo lợi ích chung của cả hai nước.
Do đó, thời gian tới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập quốc tế về KH&CN, tăng cường hợp tác với các nước phát triển về KH&CN, đặc biệt với Nhật Bản là một định hướng ưu tiên của Việt Nam. Trong đó, các hướng công nghệ sẽ tập trung hợp tác và phát triển bao gồm: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, tin học, viễn thông, năng lượng nguyên tử và năng lượng mới, công nghệ môi trường v.v, đồng thời đặc biệt chú trọng hợp tác về đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật