ĐBQH: Tôi đã lên tiếng nhiều lần về chuyện nhà báo bị hành hung!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trao đổi với bên lề Quốc hội, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội nói: Trong một xã hội dân chủ của chúng ta như thế này mà phóng viên tác nghiệp vẫn bị hành hung, thậm chí đe dọa đến tính mạng sức khỏe...
ĐBQH: Tôi đã lên tiếng nhiều lần về chuyện nhà báo bị hành hung!
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNN&NĐ của Quốc hội (ĐBQH Quảng Trị). Ảnh. Xuân Hải.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay?

Theo tôi, báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và đặc biệt là trong công tác phòng chống tham nhũng, vì báo chí là một phương tiện để định hướng thông tin cho dư luận về những vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội. Và rõ ràng không phải chỉ ở Việt Nam chúng ta mà tất cả các nước trên thế giới, báo chí bao giờ cũng đi trước một bước trong việc cung cấp thông tin, truyền thông tin, định hướng cho dư luận.

Tôi cho rằng vai trò của báo chí, đặc biệt là trong thời đại hiện nay, thời đại bùng nổ thông tin thì thông tin trong lĩnh vực điện tử là rất nhanh, rất hiệu quả và có sức lan tỏa rất lớn. Còn trong thực tiễn chúng ta thấy rất nhiều vụ tham nhũng, thất thoát lãng phí không phải là do các cơ quan nhà nước phát hiện, mà chính là do báo chí phát hiện ra để các cơ quan nhà nước kịp thời xử lý.

Còn trách nhiệm của các phóng viên, nhà báo đối với nghề?

Đối với nhà báo, đại đa số nhà báo đều rất tốt và có trách nhiêm với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tuy nhiên cũng có một số ít, rất ít nhà báo phản ánh chưa được trung thực, thiếu khách quan, thậm chí có những nhà báo lại dùng báo chí như một phương tiện để thương mại hóa hoạt động báo chí hoặc là trục lợi. Cái này tôi nhắc lại là rất ít thôi nhưng dù sao cũng làm xấu đi hình ảnh của báo chí.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam tôi cũng rất mong là tất cả các báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử (nói chung) và Infonet (nói riêng) cần phải có một vai trò rất xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Trong thời gian vừa qua có tình trạng không ít phóng viên khi tác nghiệp bị hành hung, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi đã lên tiếng rất nhiều lần về việc phải có biện pháp để xử lý việc nhà báo bị hành hung trong tác nghiệp. Trong một xã hội dân chủ của chúng ta như thế này mà phóng viên tác nghiệp vẫn bị hành hung, thậm chí đe dọa đến tính mạng sức khỏe, rồi có những người thu giữ đập phá, phá hoại phương tiện của nhà báo, xúc phạm nhân phẩm danh dự của nhà báo thì trong Luật báo chí đã ghi rất rõ là những hành vi đó là bị cấm và vi phạm Pháp Luật bởi những người làm báo họ đang thi hành công vụ.

Đối với những trường hợp như vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ Pháp Luật phải làm thật nghiêm minh nhưng đối tượng coi thường Pháp Luật, coi thường nhà báo và không để cho những hiện tượng trên xảy ra và phải nghiêm minh với những hành vi đó. Bên cạnh đó, tôi cho rằng các cơ quan tổ chức, Hội nhà báo, Chi hội nhà báo phải đứng lên bảo vệ cho danh dự nhân phẩm quyền lợi của phóng viên báo chí.

Luật báo chí đã có quy định không được cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp nhưng chế tài xử lý với các hành vi trên chưa cụ thể, thưa ông?

Đúng là chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ mạnh cho nên những hiện tượng hành hung, hủy hoại, thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo là có. Tôi cũng đề nghị các cơ quan như điều tra, truy tố, xét xử phải vào cuộc đưa ra ánh sáng và xử lý thật nghiêm minh những đối tượng hành hung, cản trở nhà báo để răn đe, chấm dứt các hành vi này.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật