Cặp đôi 206 tuổi được mọi đám cưới mời đến chúc phúc ở xứ Nghệ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến nay, cụ ông đã 106 tuổi còn cụ bà cũng đã bước sang tuổi 100, “thành tích” này đã đưa hai cụ lên với “danh hiệu” cặp vợ chồng có tuổi thọ cao nhất xứ Nghệ.
Cặp đôi 206 tuổi được mọi đám cưới mời đến chúc phúc ở xứ Nghệ
Cụ Viễn và cụ Hai dù đã trên 100 tuổi nhưng hai cụ vẫn không ngại dành cho nhau những cử chỉ âu yếm.
Thế nhưng, “ông tơ bà nguyệt” là cái tên thân mật mà người dân nơi đây thường gọi vì hai cụ là khách mời quan trọng trong các đám cưới.
Vẫn mặn nồng qua… 83 năm

Về xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tìm hỏi cặp vợ chồng Cao Viễn và Vũ Thị Hai không ai là không biết. Có người còn hỏi lại: “Có phải cụ Du chuyên đi mai mối, chúc phúc cho các đám cưới trong làng không?”. Khi chúng tôi hỏi lại thì mới hay, cụ Viễn vẫn được những người trong làng gọi là cụ Du. Bởi tại ngôi làng này, người ta có thói quen gọi tên những người già theo tên người con đầu (ông Du là con đầu của cụ Viễn - PV). Ngôi nhà của cặp vợ chồng đặc biệt này nằm phía cuối làng, xung quanh là cây cối xanh tươi. Vừa bước vào sân, chúng tôi bắt gặp cụ ông đang ngồi đọc báo. Thấy chúng tôi đến, cụ liền chào hỏi thân thiện, rồi rảo bước đi pha chè mời khách. Nhìn cách cụ Viễn đi lại nhẹ nhàng, thao tác linh hoạt ít ai ngờ rằng người đàn ông này đã bước sang tuổi 106 vào dịp Tết vừa qua.

Qua một đôi câu mang tính xã giao, cụ Viễn trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều niềm vui nhưng cũng lắm gian truân của mình. Cụ Viễn sinh năm 1906, trong một gia đình nông dân nghèo tại chính mảnh đất cụ đang sống. Năm 17 tuổi, cũng như bao thanh niên khác khi đó, chàng trai Viễn lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhưng vào chiến trường được 3 năm, anh bị thương nặng trong một lần càn quét của địch và phải trở lại quê hương với thương tật trên mình. Trở về nhà dưỡng thương, chàng thanh niên trẻ trúng tiếng sét á‌i tìn‌h với thôn nữ Vũ Thị Hai trong một lần tình cờ nhìn thấy cô đang ngồi dệt vải. Không lâu sau đó, họ được gia đình hai bên chấp thuận và nên duyên vợ chồng. Khi đó người con gái mới đôi mươi, còn người con trai mới bước qua tuổi 23.

Từ khi về chung một mái nhà, họ luôn động viên nhau cùng cố gắng làm lụng xây dựng cuộc sống, nuôi dạy con cái. Hàng ngày, người vợ ở nhà dệt vải còn người chồng cặm cụi cày xới ngoài đồng. Nhà đông con, dù bữa đói bữa no nhưng họ sống với nhau hạnh phúc. Suốt hơn 83 làm vợ chồng, giữa họ chưa một lần to tiếng tranh cãi vì quan điểm sống rất tường đồng. “Dù có đói nghèo đến mức nào, tôi cũng không bao giờ tơ hào của ai cái gì, thậm chí là cây rau ngoài đồng. Mình sống phúc đức, không trộm cắp của ai thì con cháu về sau cũng được hưởng lộc”, cụ Viễn tâm sự.

Đến nay, con cháu muốn được đến ở cùng để tiện cho việc chăm sóc nhưng cả hai cụ đều không đồng ý. Còn sức khỏe, hai cụ vẫn thích lao động và tự chăm lo cuộc sống của mình. Điều đặc biệt là mặc dù tuổi đã cao nhưng hai cụ vẫn chưa phải dùng đến kính khi đọc báo. Khi chúng tôi hỏi về bí quyết sống trường thọ, cả hai cụ đều cho rằng: "Bí quyết của chúng tôi là sống đơn giản, thanh thản, ham lao động. Tâm hồn khi nào cũng thanh thản, thoải mái thì chuyện trường thọ không có gì là khó khăn cả". “Ăn uống điều độ, hạn chế hút thu‌ốc l‌á và uống rượu chè”, cụ Viễn nói thêm.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hai cụ vẫn rất lãng mạn. Họ có một thói quen là sáng ra dậy sớm cùng nghe đài, rồi đọc báo cho nhau. Không những vậy, hai cụ đều có sở thích vào bếp để trổ tài những món ngon mà người kia yêu cầu. “Ông ấy thường nấu cơm cho tôi ăn, được cái đàn ông nhưng nấu ăn thì rành (rất) ngon, chắc nhờ món ăn của ông mà tôi mới sống đến ngày hôm nay”, cụ bà tếu táo. Hàng ngày, cụ Hai vẫn đi bộ ra chợ để mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cho hai người. Cụ bà trực tiếp chọn con cá, mớ rau tươi non cho bữa cơm gia đình nên họ ăn rất ngon miệng. Hai cụ chủ yếu sinh hoạt trong khuôn viên nhà mình, chỉ những ngày lễ, các cụ mới dắt nhau đi thăm con cái và hàng xóm.

Niềm tự hào của cả làng

Đầu năm 2013, cụ Viễn và cụ Hai được UBND huyện Diễn Châu tổ chức buổi lễ trao song thọ. “Hôm đó, chúng tôi được mời đến trụ sở xã rồi mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ ngồi trên chiếc ghế chính diện”, cụ Hai nhớ lại. Đó là niềm vinh dự lớn không những của con cháu mà bà con trong làng này cũng thơm lây. Nói về cụ Viễn và cụ Hai, ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch hội người cao tuổi xã Diễn Hoa phải thốt lên: “Người dân chúng tôi gọi vui hai cụ là đôi vợ chồng “già không đều” vì dù tuổi tác đã trên 100 tuổi nhưng tính cách của họ lại rất trẻ”.

Ông bà mối mát tay

Vì nổi tiếng là cặp vợ chồng nhiều  tuổi, lại sống phúc đức và rất hòa thuận nên cụ Viễn và cụ Hai được rất nhiều gia đình tìm đến nhờ làm mai mối, làm người chứng kiến trong đám cưới để chúc phúc cho các đôi bạn trẻ nhân ngày vu quy. Từ khi bước sang tuổi 100, hầu hết các đám cưới trong làng đều có sự hiện diện của hai cụ. “Thấy tình cảm chân thành của bà con, tôi vui vẻ nhận lời đến tham dự các đám cưới trong làng”, cụ Hai nói. Trong những lần tham dự ấy, ngoài vai trò là khách mời đặc biệt của hôn lễ, hai cụ còn được xem là người cố vấn đặc biệt chia sẻ những kinh nghiệm thú vị về cuộc sống gia đình cho đôi bạn trẻ.

Sau khi kết thúc buổi tiệc, các đôi vợ chồng trẻ đó thường được hai cụ xoa đầu, một hành động ý chỉ chúc phúc để họ sống yêu thương nhau suốt đời. Không những vậy, trong những lần đến tham dự đám cưới, cụ Viễn thường đọc to những bài thơ mình tự sáng tác để tặng hôn trường nói chung và chủ nhân buổi lễ nói riêng. Hiện nay, do sức khỏe không thật tốt, việc đi lại khó khăn nên hai cụ được gia chủ tận tình đánh xe đến nhà để rước đi. Nhiều cặp đôi thậm chí tự tìm đến nhà hai cụ để được chúc phúc cho ngày trọng đại và chỉ bảo những điều cơ bản khi bước vào cuộc sống gia đình.

Hai cụ còn khoe với chúng tôi: “Tính đến thời điểm hiện tại, vợ chồng chúng tôi đã có 120 cháu, chắt, sống khắp nơi, đó là chưa kể những đứa chuẩn bị chào đời nữa”. Thấy vậy, cụ bà liền tiếp lời: "Những khi đến lễ Tết, ngày cuối tuần, chúng lại kéo nhau về chật kín cả nhà. Tuổi về già, chỉ cần như vậy là chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi". Có lẽ, chính niềm vui con cháu đề huề là liều thuốc trường sinh giúp hai cụ sống khỏe mạnh và yêu đời hơn.

Ngôi làng độc nhất vô nhị

Làng Phượng Lịch (nay gọi là thôn 2 – P.V) của xã Diễn Hoa nổi tiếng cả vùng chẳng phải vì giàu có hay là vùng địa linh nhân kiệt, mà chỉ đơn giản từ bao đời nay họ được mệnh danh là “làng trường thọ”. Đến đây, người ta không khỏi "choáng" bởi hàng chục cụ ông, cụ bà đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. Chỉ mới đi bộ một đoạn đường ngắn, chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều cụ ông, cụ bà đang dẫn cháu đi dạo. Nhìn những cụ ông cụ bà da dẻ hồng hào, miệng móm mém nhai trầu, khoai thai đi dạo chúng tôi cảm thấy như lạc vào miền huyền thoại.

Hai cụ được xác định là cặp vợ chồng trường thọ nhất Nghệ An tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Võ Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Diễn Hoa cho biết, hiện nay toàn xã có 910 cụ từ 60 tuổi trở lên, trong đó có 235 cụ bước sang tuổi 80 và 8 cụ bước qua tuổi 100. Nhưng điều đặc biệt, các cụ cao tuổi tập trung nhiều ở thôn Phượng Lịch. Người ta bảo rằng bởi ngôi làng ở vị trí đẹp, bên cạnh dòng sông Bùng thơ mộng, hiền hòa nên người dân được nhờ về khí hậu. Chính vì thế, họ sống khỏe, sống lâu hơn. Những người thực tế hơn thì cho rằng, từ xa xưa, những người khai sinh ngôi làng này đã ý thức tốt việc giữ vệ sinh chung và tận hưởng tối đa những sản phẩm từ thiên nhiên nên họ mới sống trường thọ như vậy. Thêm vào đó, chế độ ăn uống hợp lý, chủ yếu ăn đồ thực vật, rau củ quả mà mình tự trồng được đã tác động không nhỏ đến sức khỏe của những người dân nơi đây.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Hoa cho biết: "Có nhiều cách khác nhau để lý giải chuyện trường thọ ở ngôi làng Phượng Lịch. Cá nhân ông cũng như chính quyền nơi đây thì cho rằng, bởi người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm lúa nước và vườn tược nên khi nào cũng thoải mái về tư tưởng. Chính từ việc cần cù lao động, môi trường trong lành khiến con người nơi đây dẻo dai, sống thọ hơn".

Trong số những cụ cao tuổi còn sống, có lẽ đáng chú ý nhất là trường hợp của gia đình cụ Cao Viễn và Và Vũ Thị Hai. Cặp vợ chồng cụ Viễn được xác nhận là trường thọ nhất Nghệ An. Được biết người con đầu của ông bà là cụ Cao Du mất năm 2011 khi bước sang tuổi 76. Người con thứ 3 là cụ Cao Đại hiện nay được 73 tuổi, sống khỏe mạnh ngay sát nhà bố mẹ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật