Nóc nhà thế giới: ‘địa ngục trần gian’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô lập về mặt địa lý khiến cho cuộc sống của tộc người du mục Kyrgyz lạc hậu, nghèo khó.
Nóc nhà thế giới: ‘địa ngục trần gian’
Dãy núi Pamir.

Kyrgyz là những cư dân du mục duy nhất sống tại “mái nhà của thế giới” - dãy núi Pamir. Cuộc sống trên thiên đường mặt đất này theo một cách nào đó chứa đựng sự khổ cực của một địa ngục trần gian.

Pamir là một dãy núi tại Trung Á được lập nên bởi sự giao thoa của các dãy Himalaya, Thiên Sơn, Karakoram, Côn Lôn và Hindu Kush.
Chúng được đánh giá là một trong những ngọn núi cao nhất thế giới. Tại nơi "sơn cùng thủy tận" này tồn tại một nhóm cư dân thiểu số bao gồm những người dân du mục lâu năm mang tên Kyrgyz.
Hai cô gái Kyrgyz đang kéo những chiếc can nhựa đựng nước trên lớp băng trơn của một dòng sông để trở về gia đình.
Những người dân ở đây chỉ là một bộ phận của tộc người Kyrgyz Afghanistan ban đầu. Trong nhiều thế kỷ, người Kyrgyz Afghanistan đã di chuyển liên tục quanh Trung Á và kiếm sống dựa vào con đường tơ lụa.
Sau đó, cuộc chiến tranh giữa các đế quốc bùng nổ khiến cho một cộng đồng những người Kyrgyz tách ra và trở về Afghanistan. Nhóm còn lại bám trụ, sinh sống và coi đây là quê hương của mình. Họ gọi đó là Bam-e Dunya, có nghĩa “nóc nhà của thế giới”.

Những thung lũng nơi họ sinh sống nằm trong một phần đất hình gọng kìm kì lạ nhô ra từ phía Bắc của Afghanistan mang tên Wakhan. Nó là kết quả của cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng ở Trung Á vào thế kỉ XIX giữa Đế chế Anh và nước Nga.
Wakhan mang vẻ đẹp tuyệt vời nhưng cũng là môi trường khắc nhiệt nhất mà con người có thể tồn tại. Phần lớn khu vực này đều nằm ở độ cao 4.200m so với mực nước biển.
Nhiệt độ ở đây có thể xuống dưới 0 độ trong vòng 340 ngày một năm, cùng với gió luôn gào thét dữ dội, khiến cây trồng thì không thể nào sống sót vươn lên khỏi mặt đất. Thậm chí có rất nhiều người dân sống ở đây chưa từng biết đến hình dáng của một cái cây cao.
Cô gái trẻ đang bế những chú cừu non đến cho mẹ chúng giữ ấm vào ban đêm (ban ngày con non được tách riêng).


So với khu trung tâm của Afghanistan, vùng đất này xa xôi đến nỗi người Kyrgyz coi nó như một "đất nước" hoàn toàn khác. Để đến được con đường gần nhất cần đi tối thiểu 3 ngày đường, để tới thành phố gần nhất, họ phải đi thêm 1 ngày nữa. Quãng đường này vô cùng nguy hiểm bởi họ phải đi vòng qua các ngọn núi hiểm trở.
Lều của họ được dựng lên bằng những chiếc cọc nhỏ ràng buộc bằng dây, sau đó phủ bên trên bằng những tấm dạ lớn.
Cô lập về mặt địa lý khiến cho cuộc sống của người Kyrgyz lạc hậu, nghèo khó. Những người dân du mục này vẫn chỉ sống cuộc sống tự cung tự cấp, di chuyển thường xuyên để tìm kiếm nguồn nước và cỏ cho gia súc.
Cuộc sống càng thêm khó khăn khi họ không được tiếp cận với hệ thống y tế căn bản. Nhiều người chết vì những căn bệnh dễ chữa và có những đứa trẻ sinh ra không lớn qua được tuổi thứ 5.
Tuy nhiên họ không hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Họ biết về thế giới bên ngoài qua vài chuyến đi ra ngoài vùng Wakhan hay trao đổi tin tức với những thương gia mạo hiểm vào khu vực này.
Cư dân Kyrgyz sử dụng động vật để đổi lấy những loại hàng hóa khác như quần áo, đồ trang sức, thuốc phi‌ện, kính mát, yên ngựa và gần đây nhất là điện thoại di động.

Những người chăn cừu Kyrgyz rất yêu thích điện thoại di động - một trong những thứ quý giá mà họ trao đổi được.
Họ nhận thức được rằng, văn minh nhân loại đã tiến được một đoạn đường rất dài trong khi người dân Kyrgyz vẫn đang mò mẫm đằng sau bởi sự cô lập.
Chính vì thế, mơ ước về việc xây dựng được một con đường lớn nối liền quê hương mình với các khu vực dân cư bên ngoài rộng lớn luôn ấm ủ trong tâm hồn những con người nơi đây. Nhiều nỗ lực nhằm tìm đường quay trở lại với nền văn minh của bộ tộc đã được tiến hành, nhưng tương lai đó dường như vẫn chưa nằm trong tầm với của họ.

Sự sống còn của người dân nơi đây phụ thuộc vào đàn gia súc của họ.
Xây dựng một con đường dài như vậy có thể tốn hàng triệu đến hàng trăm triệu USD. Và cho đến giờ, vẫn chưa có nhà chức trách nào dám bỏ ra một số tiền lớn như vậy chỉ để giúp một bộ tộc với dân số chỉ khoảng 1.000 người như thế.
Theo họ, con đường này sẽ giúp người dân nơi đây dễ dàng tiếp cận với y học, nền văn minh, nhưng đồng thời, nó cũng mang theo khách du lịch, quân đội và toàn bộ thế giới bên ngoài.
Điều này có thể sẽ khiến cho thế hệ trẻ Kyrgyz rời xa quê hương này. Một cuộc sống văn minh hơn cũng đồng nghĩa với sự mất đi nhiều truyền thống.
Mắc kẹt trên “nóc nhà của thế giới” có thể là rất bất lợi và khó khăn. Tuy nhiên, rất có thể, ngày mà ước mơ người Kyrgyz trở thành sự thật cũng sẽ là ngày mà lịch sử của cả dân tộc gần 2.000 năm này chấm dứt.
Chính vì vậy, việc làm thế nào để bảo toàn cả dân tộc sẽ mà vẫn tiếp cận được nền văn minh là công việc của cả chính quyền và người dân nơi đây.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật