Dạy tiếng Việt ở Mỹ

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tiến sỹ triết học Văn Phú Quang dạy văn hóa Việt cũng là người dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ của Trường Đại học Yale. Yale là một trong bốn trường đại học lớn của Mỹ, cùng với Harvard, Princeton và Stanford.
Dạy tiếng Việt ở Mỹ
Nhiều sinh viên tại các trường đại học Mỹ theo học tiếng Việt (Ảnh minh họa)

Theo học ở các trường này thường là những sinh viên giỏi và kinh tế khá vì học phí cao. Cựu Tổng thống Bush cha và con, và vợ chồng cựu Tổng thống Clinton đều là cựu sinh viên  trường này.

Ở Mỹ, ngoại ngữ được học nhiều là tiếng Tây Ban Nha, có lẽ do vị trí địa lý, nhiều nước lân bang phía Nam của Mỹ nói ngôn ngữ này, rồi một số ngôn ngữ khác của châu Âu như Đức, Pháp, Ý... Những năm gần đây trội lên sức thu hút của tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Chọn học ngoại ngữ nào là do sinh viên, nhà trường chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên tiếp cận, thực hành, kể cả việc cấp học bổng để sinh viên sang chính quốc thực tập vào dịp nghỉ hè. Tiếng Việt hiện chưa phải một ngôn ngữ thu hút người học với lý do nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt trên thế giới chưa cao. Nước ta chưa phải là nước tiên tiến về công nghệ, mạng lưới ngoại thương chưa lớn, ảnh hưởng văn hóa ra thế giới còn mờ. Tiếng Việt chưa thành một lợi thế cho tuổi trẻ ra trường đi tìm việc.

Tiến sĩ Văn Phú Quang cho biết khi quan hệ ngoại giao Mỹ- Việt mới được lập lại, các đề tài nghiên cứu về Việt Nam khá rộng, tạp chí Forum của trường do Giáo sư Nguyễn Sanh Thông chủ trì, đã dành mấy số liền giới thiệu văn học Việt Nam. Bộ môn tiếng Việt trong các trường đại học được hình thành và khá đông sinh viên theo học, nhất là ở các địa phương có cộng đồng Việt. Trường Yale vốn không tuyển nhiều sinh viên Việt Nam, vùng này lại ít Việt kiều, nhưng số sinh viên học tiếng Việt cũng đã trên mười người một lớp. Những năm gần đây thì không được như thế nữa. Tôi đến dự giờ ở lớp Tiếng Việt năm thứ nhất thấy có năm em, năm thứ hai có bốn. Mỗi lớp chỉ có hai em gốc Việt. Năm thứ nhất còn có một em người Hoa, hai em người Mỹ, một nam, một nữ, hai em này học tiếng Việt vì có người yêu gốc Việt.

Anh Quang áp dụng phương thức dạy ngữ thực hành, trọng tâm là nghe  và nói. Lớp ít người có cái thuận để các trò giao tiếp. Thầy ra chủ đề, các em hình thành kịch bản và đến lớp thể hiện. Năm thứ nhất, mới học được nửa năm, các em đã nghe hiểu khi tôi nói chậm và trả lời đủ để tôi đoán được. Năm thứ hai đã trò chuyện được các chi tiết về nhân thân. Anh Quang chuyên môn về triết học Phương Đông, vì yêu Tiếng Việt nên đã nhận trách nhiệm làm giảng viên chính cho bộ môn này. Anh tìm các tác phẩm văn học Việt Nam song ngữ để giới thiệu các em đọc và bình luận. Anh đưa dăm bài thơ của tôi để các em dịch và tạo điều kiện cho các em điện thoại trực tiếp hỏi tôi từ khó. Một em học năm thứ hai hỏi tôi: Bờ xôi ruộng mật nghĩa là gì? Một em năm thứ nhất thì hỏi nhà thơ với nhà ở thì có liên quan gì với nhau? Anh Quang tạo nhiều cơ hội giao lưu cho các em nói và nghe tiếng Việt. Ngày thứ Sáu hàng tuần, anh chủ trì Bàn Tiếng Việt  (Vietnamese language table) tại một nhà ăn của trường, món ăn cũng chỉ là món của nhà ăn, nhưng người ngồi với nhau là những người chỉ dùng tiếng Việt. Ở đây tôi gặp cả thầy cả trò, cả khách người Việt sang, những người dùng tiếng Việt như một bản ngữ, họ đến vừa để gặp mặt nhau, vừa tạo cơ hội cho sinh viên nhiều quốc tịch học tiếng Việt được thực hành.

Với những em ham học, nhà trường còn cấp từ một đến ba tháng học bổng để các em sang Việt Nam vào dịp hè. Chế độ này được áp dụng cho tất cả các ngữ trong trường. Anh Quang cũng tổ chức cho nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa từ trong nước sang, trò chuyện với sinh viên Việt Nam, sinh viên theo học Tiếng Việt, Kiều bào và các nhà nghiên cứu Việt Nam. Tôi đã tới  nghe và cũng đã làm diễn giả trong một đêm nói chuyện thơ. Chuẩn bị cho những cuộc trò chu‌yện ấ‌y, tốn khá nhiều công sức và anh Quang thực hiện rất tỉ mỉ. Chọn người nghe phù hợp để mời. Mời qua email, qua điện thoại với từng người. Diễn giả dùng tiếng Việt, cố nhiên, nhưng để cử tọa hiểu hết, anh Quang phải nhờ người dịch ra tiếng Anh, dịch nói và dịch viết song song chiếu trên màn hình. Riêng với tôi, nhũng bài thơ nói đến đều được anh cho dịch trước và in thành văn bản song ngữ.

Anh Văn Phú Quang qua Mỹ năm 1975, năm ấy anh 17 tuổi. Học đại học rồi làm Tiến sỹ ở Đại học Oregan. Năm 1999, anh xin về trường Yale. Hiện nay, vợ anh- chị Nguyễn Thanh Trúc cũng làm việc tại thư viện lớn của trường. Thư viện trường Yale có một khối lượng sách đồ sộ lưu giữ từ nhiều nguồn thư tịch trên khắp thế giới. Tôi đã thấy cuốn Kinh thánh do ông tổ nghề in Gustenberg thực hiện vào giữa thế kỷ 15 (ngang thời Lê Thánh Tông của ta) và cuốn sách tranh khổ lớn in mầu vào đầu thế kỷ 19 (ngang thời Minh Mệnh Việt Nam). Chính là nhờ anh Quang, chị Trúc mà tôi được tiếp cận kho sách Hán Nôm và có dịp góp ý với ông Richard P. Richie, chủ quản kho sách Đông Nam Á của trường, việc khai thác giới thiệu, đưa lên mạng bộ sưu tập sách Hán Nôm Việt Nam mà trường mới tiếp nhận từ gia đình một học giả người Pháp, ông  Maurice Durand, vốn là giám đốc Trường Viễn Đông bác cổ Hà Nội trước 1954.

Văn hóa Việt, rộng hơn là văn hóa Đông Nam Á đã có thời là một khoa riêng có chương trình đào tạo thạc sỹ (Giáo sư Dân tộc học Georges Condominas đã dạy ở đây một thời gian), nay là một hội đồng, nằm trong Trung tâm Quốc tế học và khu vực học Mac Millan, có Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Châu, Nam Á và những Hội đồng khác. Nhưng cùng dạy tiếng Việt với anh Quang lại có sự hỗ trợ của Phó Giáo sư Tiến sỹ khoa Dân tộc học, người Mỹ, anh Erik L. Hams. Erik rất thanh niên, nói tiếng Việt rất chuẩn, đã xuất bản sách nghiên cứu về phát triển đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh: Saigon’s edge. Đóng góp của Erik vào hoạt động của cộng đồng Việt trong trường Yale rất có ý nghĩa. Trong buổi nói chuyện thơ của tôi, Tiến sỹ Erik cũng là người chuyển ngữ.

Ngoài tiếng Việt, anh Văn Phú Quang  còn có chuyên đề về Văn hóa Việt. Tới thăm anh ở nhà riêng, tôi đã thấy những sưu tầm của anh về văn hóa Việt. Anh mua lại từ mọi nguồn, mua ở Việt Nam, mua ngay bên này. Anh có nguyên bản một mặt trống đồng (đã mất phần thân) từ một người Anh, nhiều bát đĩa cổ nguồn Bát Tràng, nguồn Chu Đậu từ những con tàu đắm... Thật xúc động khi thấy ông bình vôi mang hồn vía thiêng liêng dân dã từng được cắm hương thờ gốc đa gốc đề ở quê ta hồi xưa được chủ nhà trân trọng đặt bày trên giá sách. Anh Quang giải thích anh không có ý định làm nhà sưu tầm, đây chỉ là những lưu giữ gợi nhớ quê hương xứ sở giúp anh thấm sâu hơn đạo lý và tinh thần văn hóa tổ tiên.

Anh Văn Phú Quang quan niệm, dạy tiếng Việt phải mang được hồn Việt vào bài giảng, vào cả cách giảng, nhất là đối với sinh viên gốc Việt. Tôi đã rủ anh Quang một chuyến về thăm đất nước vào dịp Tết, để anh được đón tết với hương vị cổ truyền xứ Bắc, được dự vào không gian hội làng Bắc bộ. Dạy tiếng Việt trong hồn văn hóa Việt, ý tưởng ấy thật hay và cũng thật khoa học. Ngành Giáo dục nước ta cũng nên có những hình thức hỗ trợ thiết thực các thày giáo bộ môn này ở các trường đại học trên thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật