Giá thịt lợn giảm, người chăn nuôi gặp khó

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian gần đây, những người nuôi lợn ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang “khóc dở, mếu dở“ bởi giá lợn hơi giảm mạnh. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ giảm tổng đàn, thiếu nguồn cung là không tránh khỏi.
Giá thịt lợn giảm, người chăn nuôi gặp khó
Giá thịt lợn vẫn được bán với giá cao
Nếu như ở thời điểm trước Tết giá lợn hơi được thương lái mua với giá cao, dao động từ 45.000đ đến 47.000đ/1kg thì hiện nay đã giảm đi rất nhiều. Theo khảo sát, giá thịt lợn hơi tại thị xã Sơn Tây chỉ 42.000đ/1kg đối với lợn siêu nạc, 38.000đ/1kg đối với lợn thường. Tại khu vực huyện Phú Xuyên giá lợn hơi cũng dao động từ 37.000 đến 38.000đ/1kg.
Vì thời điểm trước đó có những nhận định cho rằng giá thịt lợn sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nên nhiều hộ chăn nuôi đã dốc vốn đầu tư nuôi lợn, tái đàn. Thế nhưng thực tế đầu năm 2013, vừa ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tai xanh trên cả nước, vừa bởi giá lợn hơi tuột dốc nên nhiều hộ chăn nuôi đã phải ngậm ngùi bán đàn lợn mà không có lãi. Ông Trần Văn Thế, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) cho biết, giá thịt lợn hơi thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi đầu năm nay đã tăng lên 15.000đ/1bao, dịch bệnh lại nhiều nên phần thiệt hại luôn thuộc về người chăn nuôi. Gia đình ông thường phải cho lợn ăn với "cám pha", nghĩa là mua cá về ủ làm thức ăn cho lợn. Mặt khác, giá lợn giống và các loại thuốc thú ý cũng tăng liên tục khiến người chăn nuôi càng thêm lao đao. Dù chi phí chăn nuôi tăng cao nhưng thực tế tại các địa phương giá thịt lợn hơi lại luôn bị các thương lái ép giá. Lý do các thương lái đưa ra là do thị trường tiêu thụ ít, ế ẩm, ít người mua nên cũng không thể bán với giá cao hơn.
Ông  Hoàng Hữu Nghiệp (xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây) buồn rầu cho biết: "Chúng tôi nuôi lợn chỉ lấy công làm lãi, giờ giá lợn giảm, biết lỗ vốn chúng tôi vẫn phải bán vì không thể cứ nuôi mãi như vậy được, càng để lâu càng lỗ". Với mức giá thấp như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn lợn nái và số lượng lợn nuôi hoặc chuyển sang phân nhỏ để xoay vòng, mong giữ được vốn. Nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc chuyển sang nuôi vật nuôi khác vì không thể bám trụ được. Ông Nghiệp cũng cho biết thêm, trước đây gia đình ông nuôi đàn lợn hơn 60 con và 7 con lợn nái, nhưng với giá cả như hiện nay, ông đã phải giảm số lượng còn 30 con và 3 lợn nái. Và nếu như giá lợn hơi tăng trở lại thì người thiệt thòi vẫn chỉ là những người nông dân. "Trong khi đó, những người chăn nuôi vật vã hàng ngày phải chăm sóc đàn lợn thì lời lãi lại không đáng là bao, mà nuôi được một đàn lợn thì phải mất ăn mất ngủ mấy tháng trời thì khi đi mua thịt lợn của chính mình vừa bán lại cao…", ông Nghiệp chia sẻ.
Trái với tình hình giảm giá lợn hơi, giá thịt tại các chợ thuộc khu vực nội thành Hà Nội tuy có giảm nhưng vẫn được coi là có giá khá chênh lệch với các vùng quê, đặc biệt là so với giá lợn hơi hiện nay. Nếu ở các chợ quê, giá thịt lợn hiện chỉ được bán với giá từ khoảng 60.000 đến 65.000 đ/kg thì tại một số chợ trong nội thành Hà Nội như chợ Ba Đình, chợ Khâm Thiên, chợ Mai Động giá thịt lợn cũng dao động từ 70.000 đến 75.000đ/1kg với thịt ba chỉ, thịt nạc là 80.000đ đến 85.000đ (tùy loại)… Sự chênh lệch giữa giá lợn hơi và thịt lợn trên thị trường không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn gây khó khăn cho người tiêu dùng. Người chăn nuôi thì ngậm ngùi bán giá rẻ thế nhưng thật vô lý người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất đắt. Những lý do mà thương lái đưa ra để ép giá người chăn nuôi liệu có đúng như vậy? Phải chăng cả người tiêu dùng và người chăn nuôi đều đang bị thương lái móc túi?
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật