Chọn đâu người đẹp có trí tuệ?

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới sắp diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn chưa chọn được người đại diện để tham dự. Cách tuyển chọn qua hồ sơ cũng đang gây phản ứng vì có ý kiến cho rằng, như vậy không đánh giá thực chất người đẹp đại diện cho sắc đẹp và trí tuệ của phụ nữ Việt Nam.
Chọn đâu người đẹp có trí tuệ?
Ảnh minh họa

PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Đừng để chiều cao có tăng nhưng trí tuệ lùn đi

Tôi rất đồng ý với quan điểm: người đẹp Việt Nam tham dự cuộc thi hoa hậu thế giới, đem sắc đẹp Việt đi khoe sắc khoe hương cùng bạn bè năm châu thì cần phải chọn được người đẹp cả sắc lẫn tài. Thực chất hiện nay, chúng ta đang rất lúng túng trong việc tuyển chọn người đẹp. Mấu chốt của sự lúng túng là chúng ta không có “nguyên liệu đầu vào tốt”, không có những người đẹp thực sự mà có trí tuệ.

20 người đẹp lọt vào vòng chung kết cuộc thi HHHV Việt Nam 2008 vẫn chưa thấy có những gương mặt thực sự ấn tượng và nổi trội

Nguyên liệu chỉ có ngần đó, làm sao mà lựa chọn, “chế biến” thành món ăn ngon. Thế nên việc tặc lưỡi, so bó đũa, chọn ngọn cờ, chọn người khả dĩ nhất trong số những người quá hạn chế về trí tuệ đã được chấp nhận. Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười về vòng thi ứng xử của các người đẹp tại đâu đó những kỳ thi hoa hậu không khiến người ta phải chạnh lòng nghĩ: phụ nữ Việt Nam mà vậy ư?

Tại cuộc thi này, nếu có thí sinh này trả lời trơn tru thì y như rằng, đó là do học thuộc lòng! Thực sự, tôi rất hãi hùng và thót tim mỗi khi phải chứng kiến vòng thi này. Cứ mỗi lần nghĩ đến việc, tại cuộc thi hoa hậu Hoàn vũ, cô nào đại diện cho Việt Nam mà trót lỡ lời thì thật xấu hổ quá. Thế nên, theo tôi, nhất thiết phải có những tiêu chí lựa chọn thật kỹ lưỡng như trình độ học vấn, ngoại ngữ (điều này là rất cần thiết)...

Cần có đầu tư bài bản, vì sắc đẹp Việt Nam khi ra thế giới cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tôi khẳng định, nếu không có nhan sắc, hãy tăng cường sự hấp dẫn về trí tuệ. Nhan sắc kia sẽ phai tàn theo thời gian còn nhan sắc trí tuệ thì vĩnh cửu. Nhất là trong xã hội hiện đại, nếu chỉ có nhan sắc không thôi thì tôi đảm bảo rằng người đó sẽ không thể nào tự tin được.

Ông Lê Ngọc Cường, cục trưởng Cục nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Thông tin - Truyền Thông): Không có chuyện chọn cho có

Các thi sinh tham dự cuộc thi HHHV Việt Nam 2008. Ảnh: Na Sơn

Chúng tôi có nhận được thông tin rằng tại sao cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ lại có quá ít thí sinh tham gia vòng lựa chọn người đại diện cho sắc đẹp Việt Nam, hoặc có tham gia nhưng lại hầu như toàn người mẫu (có người nói vui: cuộc thi dành cho những chân dài). Tuy nhiên, tôi khẳng định, không có chuyện lựa chọn cho có.

Những tiêu chí về lựa chọn người đẹp cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông) ban hành. Chỉ cần thực hiện đúng những tiêu chí đó thì chắc chắn, chúng ta sẽ lựa được người đẹp cả sắc lẫn hương.

Việc những thí sinh đã từng là người đẹp các kỳ thi trước hay từng làm hoa hậu cũng không vi phạm quy chế này: Không có quy định hạn chế việc đã từng tham gia cuộc thi người đẹp khác. Quan điểm của tôi, nếu họ sau một thời gian rèn luyện, cảm thấy đủ tự tin thì vẫn có thể tham dự bình thường.

PGS.TS Phạm Bích San, viện trưởng viện nghiên cứu các vấn đề xã hội: Chê gì khi trình độ xã hội chỉ có vậy

Thực sự, dưới góc độ xã hội học, tôi đánh giá cao những người đẹp này ở chỗ họ dám dũng cảm tham dự những cuộc thi như vậy. Nếu cho rằng, họ chưa thực sự hoàn thiện về trí tuệ nhưng có sắc mà vẫn đi thi chỉ để có một vị trí xã hội thì tôi nghĩ, điều đó cũng là lẽ bình thường.

Đó là mong muốn của rất nhiều người, không chỉ người không có nhiều trí tuệ mà cả những có trí tuệ cao. Tôi cũng nghĩ, không nên cười nhạo những câu trả lời có vẻ như ngớ ngẩn của những người đẹp này bởi cần nhìn nhận thẳng thắn: trình độ xã hội của chúng ta chỉ có vậy thì lấy đâu ra những người sắc sảo.

Các thi sinh tham dự cuộc thi HHHV Việt Nam 2008 trong phần thi tài năng

Những câu trả lời này đang phản ánh đúng bản chất sự phát triển của xã hội chúng ta, nếu đứng dưới góc độ nghiên cứu xã hội học, tôi thấy không có gì đáng lên án ở đây. 

Hãy nhìn ra thế giới, việc đào tạo những đất nước được cho là chiếc nôi đào tạo người đẹp, hoa hậu như Venezuana, Thái Lan... thì họ cũng đã đầu tư rất kỹ lưỡng trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Còn ở ta, điều này có không? Xin thưa là không. Tôi xin gọi việc các người đẹp đi dự thi là kiểu “có sao dùng vậy”.

Tôi không đồng ý với ý kiến về việc không nên cử người đẹp Việt Nam tham dự cuộc thi người đẹp thế giới bởi lý do đừng làm xấu thể diện quốc gia. Cũng đã có người đẹp lọt vào vòng 15 người đẹp thế giới đấy chứ. Chúng ta vẫn nên tham dự để cọ xát, để thấy thế giới họ đã phát triển như thế nào. Chẳng việc gì phải sĩ diện vì người đẹp Việt Nam quá dốt, đừng coi chúng ta như hiện tượng của thế giới.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, có khoảng gần 200 thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 diễn ra từ ngày 16/5 đến 31/5. Với một cuộc thi mang tầm quốc gia, dường như 200 hồ sơ dự thi của các thí sinh là con số quá mỏng, và không tránh khỏi sự nghi ngaị, thắc mắc, các thí sinh tại sao không mấy mặn mà truớc cuộc thi quy mô đến vậy.

Thí sinh đoạt giải Hoa hậu Hoàn vũ Việt Năm 2008 sẽ là gương mặt đại diện sắc đẹp nước nhà tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2008, mà Việt Nam là quốc gia chính thức được đăng cai tổ chức cuộc thi sắc đẹp mang tầm cỡ quốc tế này. Bởi vậy, nguời đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn một số cuộc thi sắc đẹp khác.

Dựa trên 3 tiêu chí chung của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới: Trí tuệ, sự thông minh (Brains), sự khéo léo (Behavior), sắc đẹp (Beauty), theo đó, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam không những có vẻ đẹp về ngoại hình, đạo đức mà còn phải có trình độ kiến thức ứng xử và ngoại ngữ để là đại diện Việt Nam giới thiệu cho bạn bè quốc tế về văn hoá, truyền thống, lịch sử, du lịch và các nét đẹp của Việt Nam nói chung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật