Đền bù, tái định cư Dự án đại lộ Đông Tây: Chính quyền “nhầm”, người

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại lộ Đông Tây là một dự án giao thông trọng điểm của thành phố. Để thực hiện công trình này, hàng ngàn hộ dân thuộc các quận 1, 2, 5, 6, Bình Tân và huyện Bình Chánh phải di dời, giải tỏa. Tuy nhiên việc đền bù, tái định cư đã có nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong dân chúng.
Đền bù, tái định cư Dự án đại lộ Đông Tây: Chính quyền “nhầm”, người
Ảnh minh họa

Khi người dân khiếu nại, chỉ ra những cái sai thì chính quyền mới xem xét, giải quyết. Một hộ dân ở huyện Bình Chánh cũng nằm trong tình trạng tương tự, họ đã nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết thỏa đáng, đúng với bản chất của vụ việc, phải chịu oan ức, thiệt thòi.

XIN CẤP ĐẤT Ở, LẠI CẤP ĐẤT... RUỘNG!
Chị Nguyễn Thị Hoàng (SN 1962, hộ khẩu thường trú tại phường An Lạc, quận Bình Tân) có một mảnh đất rộng 160m2 (ngang 4m, dài 40m) nằm ở mặt tiền Quốc lộ 1A thu‌ộc đị‌a bàn ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, bị giải tỏa trắng vì nằm trong Dự án đại lộ Đông Tây. Phần đất này chị mua của ông Nguyễn Văn Huệ vào tháng 9-1991. Sau khi mua, tháng 10 năm ấy chị Hoàng gửi hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất ở với đầy đủ thủ tục pháp lý theo sự hướng dẫn của UBND xã Tân Kiên. Để minh chứng cho điều này, chị Hoàng đã xin trích lục hồ sơ lưu tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bình Chánh, trong đó có đơn xin sử dụng đất và tờ cam kết chưa có nhà, được viết ngày 7-10-1991 đều thể hiện mục đích xin cấp quyền sử dụng đất làm nhà ở, có xác nhận của UBND thị trấn An Lạc (hồi đó) là nơi chị Hoàng thường trú.

Sau nhiều lần xuống xã lên huyện để đốc thúc, hỏi thăm về trường hợp xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của mình, đến năm 1999, tức là 8 năm sau, khi nộp hồ sơ chị Hoàng mới được mời lên xã nhận GCNQSDĐ. Cầm tờ giấy trên tay, niềm vui chưa dứt thì chị tá hỏa khi đọc thấy giấy chứng nhận là đất ruộng chứ không phải đất ở như hồ sơ chị xin. Mặt khác GCNQSDĐ cấp ngày 7-8-1996 nhưng không hiểu sao mãi đến ngày 26-4-1999 chị mới nhận được. Lúc này Dự án đại lộ Đông Tây đã triển khai nên việc xin thay đổi mục đích sử dụng đất của chị đã không được chấp nhận. Nếu như nhận GCNQSDĐ vào thời điểm cấp là năm 1996 thì việc sửa đổi trở nên dễ dàng, chị sẽ không bị thiệt thòi trong đền bù như ngày hôm nay. Cũng xin nói thêm, ở một vị trí là mặt tiền Quốc lộ 1A, gần ngã ba An Lạc, nơi dân ở kín hai bên đường, buôn bán sầm uất, chẳng lẽ người dân lại xin cấp đất ruộng cho một vị trí thuận lợi như thế!? Tại sao hồ sơ nộp từ năm 1991, nhưng 6 năm sau mới cấp GCNQSDĐ và phải thêm 3 năm nữa mới đến tay người dân?

NHÀ XÂY NĂM 1991, XÁC NHẬN NĂM 1996
Theo đơn chị Hoàng phản ánh, một tháng sau khi mua đất (10-1991) chị đã dựng căn nhà lá mái tôn không phép. Đến đầu năm 1992 chị cho sửa căn nhà này thành nhà tường mái lợp tôn mang số B1/28b và sử dụng cho đến lúc bị giải tỏa. Trong tờ khai nguồn gốc sử dụng nhà đất của chị Hoàng vào tháng 11-2002, UBND xã Tân Kiên đã xác nhận năm sử dụng đất là 1991, năm sử dụng (xây dựng) nhà cũng là 1991. Tại bảng chiết tính giá trị bồi thường do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) huyện đưa cho chị năm 2003 cũng thể hiện năm xây nhà là 1991. Tuy nhiên đến tháng 4-2004, BBTGPMB lại gửi đến chị Hoàng bảng chiết tính giá trị bồi thường khác, trong đó ghi năm xây nhà là 1996. Mốc thời gian này không biết BBTGPMB lấy ở đâu bởi lẽ mãi đến ngày 28-3-2006 UBND xã Tân Kiên mới có văn bản số 73B xác định lại thời điểm xây nhà của chị Hoàng là năm 1996.

Để làm rõ vấn đề nhà xây năm 1991 hay 1996, chúng tôi đã tìm đến một số hộ dân trước đây là hàng xóm của chị Hoàng. Ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1954) là người bán đất cho chị Hoàng, nói: “Hồi đó vì bức bách về tiền bạc nên tôi bán cho chị Hoàng một phần đất rộng 160 mét vuông. Sau khi mua đất, tôi thấy chị Hoàng làm nhà ngay. Lúc đầu là nhà lá, mấy tháng sau xây lại thành nhà tường gạch. Chị Hoàng làm nhà xong là câu điện, khoan giếng, tôi còn xài nhờ điện nước của nhà chị Hoàng. Bởi vậy nói nhà chị làm năm 1996 là không đúng, thực tế làm từ năm 1991”. Anh Bùi Văn Thẩm (SN 1953) là công an ấp 2 từ năm 1984 đến năm 1995 cũng cho biết: “Nhà chị Hoàng làm từ lâu rồi, tôi không biết chị mua đất năm nào nhưng năm 1991 đã có căn nhà, tôi cùng mấy anh em thường đi tuần qua nên biết rõ”. Trao đổi với nhiều người hàng xóm khác trước đây của chị Hoàng, họ đều xác nhận nhà được xây dựng từ khoảng cuối năm 1991 đầu năm 1992. Thế nhưng không hiểu sao xã Tân Kiên lại xác nhận nhà được làm từ năm 1996?

ÁP DỤNG CHƯA ĐÚNG CHÍNH SÁCH ĐỀN BÙ, TÁI ĐỊNH CƯ
Mua đất và làm nhà năm 1991, điều này đồng nghĩa với việc chị Hoàng sử dụng đất liên tục từ khi mua. Thế nhưng thay vì áp dụng điều khoản đối với đất ở sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1982 đến trước ngày 15-10-1993 thì BBTGPMB lại áp dụng điều khoản đối với việc sử dụng đất từ ngày 15-10-1993 và ngày 30-9-1995 trở về sau. Đối với nhà ở cũng vậy, BBTGPMB tính đền bù hỗ trợ theo mốc thời gian năm 1996. Chính từ việc xác định sai thời điểm sử dụng đất và làm nhà (thực tế là năm 1991 chứ không phải 1996) nên BBTGPMB đã áp dụng không đúng các điều khoản bồi thường, khiến gia đình chị Hoàng thiệt hại rất nhiều.

Trường hợp của chị Hoàng lẽ ra phải được nhận nền tái định cư, vì Phương án 164 thể hiện rõ: Ưu tiên tái bố trí lại nền đất hoặc căn nhà tầng trệt cho các hộ có nhà ở, đất ở riêng biệt, ở tầng trệt, mặt tiền đường, có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở trong khu vực phải di chuyển toàn bộ và có hộ khẩu thường trú tại căn nhà phải di chuyển. Theo đó, chị Hoàng thuộc diện được ưu tiên vì nhà ở mặt tiền đường QL1A và phải di chuyển, giải tỏa toàn bộ. Thực tế vào ngày 10-10-2003, BBTGPMB của dự án đã có thư mời chị Hoàng bổ sung giấy tờ nhà đất, đơn đăng ký nền tái định cư. Ngày 14-1-2005, BBTGPMB tiếp tục có thư mời chị Hoàng họp với lý do đăng ký mua nền tái định cư. Thế nhưng không hiểu sao, kể từ khi chị Hoàng khiếu nại, thắc mắc về việc bồi thường trường hợp của mình thì việc mời chị lên đăng ký nhận nền tái định cư bị dừng lại, thay vào đó BBTGPMB chỉ cho chị tái định cư bằng căn hộ chung cư.

Ở đây rõ ràng đã có sự nhầm lẫn về mốc thời gian sử dụng đất và xây nhà, điều này đồng nghĩa với việc sai lệch trong đền bù tái định cư. Công văn số 1246/UB-ĐT của UBND TPHCM ngày 2- 3-2005 nêu rõ: Những trường hợp có quá trình sử dụng đất ở liên tục từ trước ngày 15-10-1993 đến nay thì được bố trí tái định cư bằng nền... Đất chị Hoàng mua năm 1991, nhà cũng làm năm 1991, nghĩa là đã sử dụng liên tục trước thời điểm ngày 15-10-1993 cho đến khi giải tỏa, như vậy chị phải được đền bù bằng nền tái định cư. Theo chúng tôi, BBTGPMB huyện Bình Chánh nên rà soát, điều tra lại để tìm ra sự thực của vấn đề, giải quyết thỏa đáng cho người dân để họ không thấy mình bị đối xử bất công dẫn đến thiệt thòi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật