Tự ứng cử để nâng cao trách nhiệm cá nhân?

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
-Làm cách nào để hoạt động HĐND thoát bệnh hình thức?", có một vấn đề được nhiều độc giả gửi ý kiến phản hồi thể hiện sự đồng tình là cần hướng tới việc tất cả đại biểu HĐND đều tự ứng cử.
Tự ứng cử để nâng cao trách nhiệm cá nhân?
Ảnh minh họa

Điều này xuất phát từ câu chuyện của ông Đặng Văn Khoa, đại biểu tự ứng cử duy nhất của HĐND TP.HCM. Ông Khoa khẳng định: "Vì tự ứng cử nên tôi mang sẵn tâm thế mình là đại biểu HĐND thực thụ. Hơn nữa, đã dám đứng ra thuyết phục người dân bỏ phiếu cho mình, thì phải gánh trách nhiệm.

Tất cả mọi người nên tự ứng cử, không để rơi vào tình trạng "bị đề cử". Có thể vẫn có hình thức tập thể giới thiệu, nhưng đứng trước nhân dân phải trong tư thế tự ứng cử, bằng việc viết đơn tình nguyện".

Như thế, tự ứng cử là cách tự nâng trách nhiệm cá nhân cho bản thân mỗi đại biểu.

Một độc giả ở Thanh Hóa cho biết: Có một giáo viên cấp 3 ra ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương này và không trúng cử, đến tận bây giờ vẫn bị mang tiếng là thần kinh không bình thường.

Trong một môi trường mà tư tưởng đề cao tập thể, dè dặt với cái tôi cá nhân còn đeo bám, một người dám đứng ra nhận mình đủ tư cách giữ một vị trí nào đó vẫn còn quá mới mẻ, không dễ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng.

Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn từng nhận xét: "Có một thời vì lý do lịch sử, chúng ta đề cao chủ nghĩa tập thể thái quá, đến mức mọi người sợ những gì khác biệt với tập thể".

Dòng chảy mới trong công tác cán bộ

Trong quá trình thu thập ý kiến xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM, một số học giả cho rằng, đô thị VN cần hướng tới cơ chế người dân trực tiếp bầu thị trưởng. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, việc bầu thị trưởng cần có hơn một ứng viên và có vận động bầu cử.

Vận động bầu cử là cách công khai đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân, khác với tâm lý sợ khác biệt với tập thể đó.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho biết, năm 2007 sẽ thí điểm cơ chế người dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Một học giả góp ý, dù có thể vẫn giữ hình thức các tổ chức, đơn vị giới thiệu cá nhân, nhưng cần yêu cầu các ứng viên diễn thuyết, trả lời chất vấn của người dân.

Thành phố Đà Nẵng vừa thí điểm thành công việc thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng và đang hướng tới thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Tỉnh Long An đang thí điểm thi tuyển chức danh trưởng, phó phòng tại một số Sở - ngành, quận - huyện.

Chưa nói đến một cơ chế thi tuyển chặt chẽ chọn được những người có năng lực, đạo đức, bản thân việc các ứng viên nộp hồ sơ, trổ tài để bước vào vị trí lãnh đạo sẽ khiến họ có ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình sau khi trúng tuyển.

Có thể nhận thấy sự xuất hiện của một dòng chảy mới, mạnh mẽ trong tư duy về công tác cán bộ.

Tuy nhiên, khi đề cập đến yếu tố mới này, báo giới nhiều khi vẫn nhận được câu trả lời: "Ở VN, người ta vẫn quen cơ chế lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ". Sự dè dặt trong việc triển khai đề án thi tuyển chức danh trưởng, phó tại TP.HCM là một ví dụ.

Như vậy, dòng chảy mới đó cần có sự chủ động thúc đẩy với nhận thức rằng, nâng trách nhiệm cá nhân, khắc phục hệ lụy của việc đề cao chủ nghĩa tập thể thái quá không thể chỉ là lời hô hào suông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật