Phim hoạt hình: Bao giờ cho đến... “đấu thầu”?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Dự thảo Thông tư Liên tịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với Bộ Tài chính, thể loại hoạt hình; tài liệu và khoa học; phim truyện về đề tài truyền thống lịch sử, thiếu nhi, dân tộc thiểu số nằm trong danh mục phim thuộc diện giao kế hoạch, đặt hàng sản xuất.
Phim hoạt hình: Bao giờ cho đến... “đấu thầu”?
Cảnh trong phim hoạt hình công nghệ 3D Ve vàng và dế lửa

Điều kiện được nhận kế hoạch, đặt hàng là các Hãng phim do Nhà nước thành lập. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, với thể loại hoạt hình nếu được “xã hội hoá” mạnh và không có sự phân biệt đối xử giữa tư nhân và nhà nước chất lượng phim sẽ khá hơn.

Hãng lớn “sẵn sàng nhường”?

Mỗi năm, Hãng phim Hoạt hình VN sản xuất khoảng 10 phim, với tổng kinh phí được cấp khoảng 2 tỷ. Đến hẹn lại được “cấp”, không phải đôn đáo lo tiền sản xuất và cả “đầu ra” nên ở khía cảnh nào đó, hãng này có phần "ấm” hơn các hãng khác cho dù chưa có chỗ đứng thực sự trên thị trường.

Gần đây, trước khả năng bị mất “độc quyền” và “mất giải” tại các liên hoan và giải thưởng điện  ảnh trong nước do có sự tham của một vài đơn vị sản xuất khác, hãng phim này đã "cựa quậy” để có sự đổi mới.

“Đột phá” dễ nhìn thấy nhất là 2 thể loại phim thuộc loại thể nghiệm đạt được những thành công bước đầu: phim hoạt hình dài (Vào hang kiến) và hoạt hình công nghệ 3D (Ve vàng và dế lửa).

Năm 2008, bên cạnh chùm phim 2D như Hiệp sĩ Áo Xanh, Cồ và Chíp, Thám tử 004, Ngân hàng thời gian, Hãng này mạnh dạn rót tiền cho 2 phim 3D là Trên giá sáchNhững chú cá lạc loài.

Ngoài ra, cũng tiếp tục tạo độ nhấn cho thể loại phim dài với Sự tích đảo bà (30 phút) trong seri phim nhiều tập Huyền thoại một vùng hồ. Được biết, hãng phim này đang cho xây dựng 1 trường quay rộng khoảng 200m2 để phục vụ việc làm phim theo công nghệ 3D.  

“Kinh phí đầu tư thấp trong lúc chi phí cho sản xuất phim hoạt hình cao, đầu ra lại khó khăn. Chẳng ai muốn xông vào lĩnh vực khó “gặm” này. Nếu ai đó đủ năng lực “gánh” các dự án tốt hơn chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng nhường…” - tuyên bố của ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Hãng phim Hoạt hình VN.

Tự tin với tuyên bố này có lẽ một phần cũng do biết chắc thể loại hoạt hình chưa phải “đấu thầu” chọn nhà sản xuất và nếu thực hiện việc giao kế hoạch, đặt hàng thì Hãng phim Hoạt hình VN đương nhiên vẫn là “số 1”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ dành sự ưu ái cho hãng lớn, chưa chắc chất lượng đã được cải thiện, vì thực tế đang có những tiềm năng ngoài xã hội chưa được đánh giá đúng và lựa chọn.

Tư nhân sẵn sàng nhảy vào nếu...

Từng là người của Hãng phim Hoạt hình VN, vài năm nay, đạo diễn Minh Trí đầu quân cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (Thuộc Đài Truyền hình VN), gánh trách nhiệm Xưởng trưởng Xưởng phim Hoạt hình.

Đang tối mặt với dự án 100 tập phim hoạt hình lịch sử (hiện đang làm hậu kỳ 6 tập phim Thánh Gióng và 6 tập phim về Bà Trưng - Bà Triệu), đạo diễn Minh Trí khẳng định: “Sẵn sàng tham gia dự thầu nếu lĩnh vực sản xuất hoạt hình được xã hội hoá”.

Đạo diễn Minh Trí cũng cho biết: “Nếu Nhà nước không coi phim hoạt hình là lĩnh vực “đặc quyền, đặc lợi” cho một hãng phim nào thì chúng tôi tự tin có đủ khả năng gánh các dự án đạt chất lượng.

Việc khẳng định năng lực về vốn, về kỹ thuật, năng lực sáng tác, quản lý… với chúng tôi là chuyện nhỏ. Hiện tại, hệ thống thiết bị máy móc của chúng tôi đủ để làm các phim theo công nghệ hiện đại; kể cả quay bằng công nghệ HD rồi bắn sang phim nhựa”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Minh Trí, Đỗ Quang Minh, người sáng lập Hãng Dofilm-Vinamation, hãng phim hoạt hình 3D đầu tiên ở VN nói: “Nhiều năm nay, khán giả ít biết VN cũng có một Hãng phim Hoạt hình mỗi năm sản xuất khoảng chục phim. Phim ít đến được với nhiều người xem, dù là lý do gì thì đó cũng là nỗi đau.

Vì yêu phim hoạt hình, đau nỗi đau của phim Việt nên tôi đã cũng 2 người bạn lập Hãng phim Hoạt hình 3D đầu tiên ở VN. Trong ba chúng tôi, Nguyễn Hữu Tú là chàng trai gốc Việt duy nhất trong ê-kíp thực hiện bộ phim hoạt hình Polar Express của Tom Hank. Tú sống ở Mỹ từ nhỏ, mới trở về VN 3 năm nay. Tốt nghiệp ngành 3D tại AILA-Art Insitute of Los Angeles, Tú sở hữu một kho báu kiến thức về hoạt hình 3D.

Chúng tôi có kiến thức, có đam mê, có kỹ thuật, hiểu công nghệ và cũng không thiếu các đối tác sẵn sang bỏ vốn cùng Vinamation sản xuất phim. Kẹt nỗi thị trường phim Việt trong nước, vốn bỏ 10, thu lại chỉ 2-3  nên các đối tác “run “ lắm.

Vì thế, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm các giải pháp về vốn khác. Có thể là xây dựng dự án để xin tài trợ từ các Quỹ không hoàn lại của nước ngoài. Ví dụ, như dự án Dế mèn đang triển khai viết kịch bản. Nếu Nhà nước xã hội hoá mảng phim hoạt hình, cho phép tư nhân tham gia dự thầu chúng tôi sẽ vào cuộc một cách quyết liệt và tự tin sẽ thành công, đặc biệt là ở mảng phim 3D”.

Bao giờ cho đến... “đấu thầu”?

Theo thông tin từ Cục Điện ảnh, về lâu dài, phim hoạt hình cũng sẽ được đấu thầu để chọn nhà sản xuất. Tin là thế, nhưng phải đợi bao lâu nữa thì … phải chờ. Hoạt hình không giống như phim tài liệu - đôi khi phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị; hay những phim truyện phục vụ các dịp kỷ niệm trong năm… mà đơn thuần chỉ là phim giải trí phục vụ nhu cầu xem ngày càng cao của thiếu nhi và cả người lớn.

Thiết nghĩ, nếu có nhiều đơn vị cạnh tranh trong việc tham gia làm phim hoạt hình biết đâu chất lượng thể loại phim này sẽ cao hơn, đến được ngườ xem rộng hơn và cũng sẽ gây được sự chú ý tại các LHP quốc tế?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật