Vẫn chưa “ghi được điểm” trong mắt khán giả

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phim Việt theo hết trào lưu này đến trào lưu khác nhưng vẫn không thể tạo được phim thần tượng như các phim Đài Loan, Trung Quốc; cũng không lấy được nước mắt của người xem bằng những tình huống xúc động và diễn biến nội tâm sâu sắc của phim Hàn Quốc
Vẫn chưa “ghi được điểm” trong mắt khán giả
Quách An An bị đánh giá là thể hiện cảm xúc khô cứng, gượng ép và thiếu thuyết phục trong phim Xin lỗi tình yêu

Mật độ phát sóng dày đặc là cơ hội rộng mở cho phim Việt tiếp cận và “ghi điểm” với khán giả truyền hình. Thế nhưng, sự đón đợi và kỳ vọng của khán giả về một luồng gió mới thay đổi diện mạo của phim truyền hình Việt càng lúc càng tắt dần khi hàng loạt phim phát sóng dồn dập trong thời gian gần đây vẫn không đủ sức thuyết phục và sa vào lối mòn.

Chạy theo trào lưu phim ngoại

Phim Việt một thời đuổi theo trào lưu phim thần tượng của Trung Quốc, Hàn Quốc với một công thức gần như cố định: nội dung lãng mạn, bối cảnh đẹp và diễn viên có ngoại hình bắt mắt. Đình đám nhất của dòng phim này có thể kể đến phim Tuyết nhiệt đới, tiếp sau đó là hàng loạt phim như Hoa dã quỳ, Ván cờ tình yêu, Xin lỗi tình yêu... Những cái tên xuất hiện trong các phim này cũng gây được sự chú ý nhất định, như: Thanh Hằng, Hà Kiều Anh, Đinh Ngọc Diệp, Huy Khánh, Quách An An...

Tuy nhiên, việc quy tụ đông đảo diễn viên, người mẫu nổi tiếng có ngoại hình đẹp và ăn mặc thời trang không phải là yếu tố quyết định thành công của bộ phim. Dòng phim thần tượng đã làm nản lòng khán giả với kiểu đóng phim như “thợ diễn” của các diễn viên. Nếu Quách An An bị đánh giá là thể hiện cảm xúc khô cứng, gượng ép và thiếu thuyết phục trong phim Xin lỗi tình yêu, Tôi là ngôi sao, thì Đinh Ngọc Diệp cũng không thể lấy nước mắt của khán giả khi chỉ biết thể hiện những phân cảnh xúc động bằng cách gào khóc trong phim Hoa dã quỳ. Sự xuất hiện già dặn của Hà Kiều Anh trong phim Ván cờ tình yêu có đôi chỗ làm khán giả hụt hẫng khi thể hiện vai diễn của một cô sinh viên mới ra trường...

Trong khi dòng phim thần tượng vẫn chưa tạo được dấu ấn rõ nét thì khán giả bắt đầu phải thay đổi khẩu vị với trào lưu mới, bắt chước phim Hàn khai thác kiểu nhân vật hoàng tử-lọ lem của phim truyền hình Việt. Hàng loạt các phim phát sóng gần đây khai thác theo mô típ lọ lem này, như: Linh lan trắng, Tình yêu pha lê, Tình yêu còn lại, Lọ lem thời @... Sự trùng lắp về kiểu nhân vật cùng với cách xây dựng tính cách và những diễn tiến cuộc sống của nhân vật thiếu thuyết phục khiến cho chuyện phim rời rạc và khó có thể gây ấn tượng với khán giả.

Nước chảy theo dòng

Khán giả chưa thể xót lòng cho những số phận lọ lem được xây dựng, cũng như không có sự thương cảm dành cho các nhân vật vì số phận của các lọ lem không có nhiều thăng trầm, nước mắt mà chỉ thấy bên cạnh họ luôn có người nâng đỡ. Chuyện phim không có nhiều biến cố, hay những khó khăn trở ngại để các nhân vật lọ lem vượt qua và tự khẳng định mình.

Phim Một ngày không có em - bộ phim đang được khán giả quan tâm nhất hiện nay - dù có nội dung thu hút nhưng vẫn thất bại trong cách xây dựng nhân vật. Nhân vật My sống trong cảnh khổ cực nhưng khán giả lại thấy My có phần bình thản với nỗi lo của mẹ, mối bận tâm của My cứ xoay quanh tình yêu với Đông (và sau này là Hoàng). Và gần như tất cả những khó khăn trong cuộc sống của My luôn được người khác bất ngờ xuất hiện giải quyết một cách dễ dàng.

Tương tự, nhân vật Diễm Hằng trong phim Lọ lem thời @ (đang phát sóng trên kênh HTV9) cũng lại là một lọ lem may mắn khi ngay từ đầu đã được bà chủ yêu thương, tín nhiệm; và ngay sau đó là có được tình yêu của cậu chủ Quốc Minh. Trước đó, một hình ảnh “lọ lem kiểu mẫu” của thời hiện đại xuất hiện trong phim Tình yêu còn lại cũng nhận được nhiều yêu thương của những người xung quanh và khá may mắn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, cách xây dựng tính cách nhân vật thiếu thuyết phục, như nhân vật An Khê (trong phim Tình yêu pha lê) cũng làm giảm giá trị và nét tính cách mà tác giả cố công xây dựng từ ban đầu. Khán giả thay vì yêu mến An Khê lại không mấy đồng cảm với nhân vật này...

Phim Việt theo hết trào lưu này đến trào lưu khác nhưng vẫn không thể tạo được phim thần tượng như các phim Đài Loan, Trung Quốc; cũng không lấy được nước mắt của người xem bằng những tình huống xúc động và diễn biến nội tâm sâu sắc của phim Hàn Quốc. Việc cố tình tạo dựng những tình huống không đủ sức thuyết phục trong phim và sự trùng lắp về ý tưởng, đề tài đã vô tình kéo phim Việt đi vào một lối mòn nhàm chám.

Sản xuất với số lượng nhiều nhưng phim truyền hình Việt vẫn chỉ như nước chảy theo dòng. Kiểu nhân vật lọ lem và xoay lòng vòng trong những mối tình tay ba, tay tư quen thuộc khiến cho phim Việt vẫn không tạo được một dấu ấn riêng biệt và để lại chiều sâu suy ngẫm trong lòng khán giả.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật