Đấu thầu phim: Sắp làm nhưng vẫn lúng túng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dẫu khó tính cũng không thể phủ nhận sự nhập cuộc của các hãng phim tư nhân thời gian qua đã khiến đời sống điện ảnh Việt sôi động và đa sắc hơn. Doanh thu bán vé cao, phát hành ra thị trường quốc tế, đổi mới công nghệ và “tấn công” các giải thưởng trong và ngoài nước... - phim tư nhân đã và đang cố gắng xóa đi hố ngăn cách giữa cái gọi là “phim Nhà nước - phim tư nhân” để chạm tới một cái tên chung: phim Việt.
Đấu thầu phim: Sắp làm nhưng vẫn lúng túng
Nếu Hãng phim Hội Điện ảnh không nhanh triển khai phim Em muốn làm người nổi tiếng thì có lẽ bây giờ cũng sẽ “tắc

“Miếng ngon” vẫn dành cho các hãng phim Nhà nước?

Đáp ứng nỗ lực và mong mỏi của tư nhân, Luật  Điện ảnh ra đời được  xem là “thông thoáng” với nhiều quy định khuyến khích tư nhân tham gia sản xuất, phát hành phim. Trong đó, việc đấu thầu đối với phim làm bằng ngân sách của Nhà nước không phân biệt tư cách của doanh nghiệp được đánh giá là giải pháp để nâng cao chất lượng phim. Theo lẽ thường, Luật thông thoáng thì  Thông tư- văn bản hướng dẫn  đương nhiên cũng “thoáng” để  những quy định trong Luật được triển khai trong thực tế.  Nhưng thực tế lại đang diễn ra theo chiều ngược lại.

Theo Thông tư, các doanh nghiệp muốn tham gia dự thầu phải chứng tỏ đủ năng lực về vốn, điều kiện kỹ thuật, công nghệ sản xuất phim theo quy định. Nếu cạnh tranh nhau về vốn trần theo quy định  (khoảng 1 tỷ), nhiều hãng tư nhân chưa chắc đã kém cạnh các doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí có hãng tư nhân nguồn vốn đối lưu còn dồi dào và linh hoạt hơn. Nhưng cộng thêm điều kiện kỹ thuật và công nghệ... thì chắc chắn tư nhân phải lùi bước trước các hãng phim Nhà nước về cơ sở vật chất, thiết bị máy móc. Vì thế, nếu buộc phải “đấu” theo những quy định “đóng” nói trên, các hãng tư nhân sẽ bị hất ra khỏi cuộc chơi.

Việc đấu thầu chọn nhà sản xuất thực chất chỉ là  thay đổi  hình  thức  đầu  tư  cho hợp với từ ngữ quy định trong Luật, còn thực chất vẫn là  “bình mới rượu cũ”, miếng ngon vẫn dành cho các Hãng phim Nhà nước. Không có nguồn tiền ngân sách thì tư nhân vẫn làm phim, thị trường vẫn sôi động, vì thực tế số lượng phim làm bằng ngân sách Nhà nước không nhiều (khoảng 4-7 phim/ năm). Nhưng vì tư nhân đã bị hất khỏi  cuộc chơi, nên sân chơi này đương nhiên thiếu tính cạnh tranh.

Và quan trọng hơn, chất lượng phim vẫn sẽ dậm chân tại chỗ. Bởi mặc dù phim được phân loại để quyết toán sản xuất nhưng tiền ứng trước để sản xuất vẫn là 70 % - tương đương với tỉ lệ mà các phim truyền thống lâu nay vẫn được nhận trợ giá và hầu hết các hãng phim Nhà nước chỉ “ăn” vào phim, chứ chưa khi nào bỏ thêm 30% vốn theo đúng tổng dự toán để phim có thể phổng phao vì... tạm đủ tiền (kết quả là chất lượng phim như thế nào ai cũng biết, chưa nói tới việc phim làm xong nhưng không có chi phí để quảng bá, phát hành).

Còn nếu là phim dở (xếp loại thấp nhất - loại 1) thì sau khi phim hoàn thành vẫn được quyết toán 90% chi phí sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là nếu làm phim (đấu thầu) dở vẫn còn lợi hơn so với phim trợ giá trước đây những 20% ! Với quy định này, các hãng phim  Nhà nước đang rất háo hức, vì chủ yếu cuộc cạnh tranh sẽ chỉ xoay quanh 3 gương mặt quen, lại chỉ thấy “lợi” khi tiền đầu tư cho phim tăng lên mà không lo bị phạt đến “sạt nghiệp” nếu làm phim dở.

Mặt khác, ngoài số lượng không nhiều phim được đem ra đấu thầu, các hãng do Nhà nước thành lập vẫn tiếp tục được giao kế hoạch, đặt hàng sản xuất phim trên cơ sở kịch bản đã được Hội đồng thẩm định kịch bản tuyển chọn theo cách thức hiện hành, nên dù thế nào các hãng phim Nhà nước vẫn cứ “ấm”.

Thực hiện luật Điện ảnh phải sửa luật Đầu tư?      

Việc đấu thấu sản xuất phim đã được nhiều nước trên thế giới  thực hiện từ lâu nhưng cách làm khác ta. Thay vì yêu cầu nhà sản xuất phải chứng tỏ khả năng về vốn, điều kiện kỹ thuật, công nghệ, người ta chỉ yêu cầu doanh nghiệp,  hoặc một nhóm làm phim trình ra kịch bản “đáng tiêu tiền”, kèm theo là các giải pháp sản xuất, đạo diễn, diễn viên chính... để chứng minh khả năng thành công của bộ phim.

Nếu khả thi, Nhà nước (hoặc các Quỹ hỗ trợ điện ảnh...) sẽ cấp tiền. Sau khi  “trúng thầu”- hoặc nói đơn giản hơn là được duyệt cấp tiền, các nhóm làm phim, hoặc đạo diễn sẽ đi thuê các hãng phim “đủ năng lực sản xuất”  để thực hiện bộ phim của họ. Việc đòi hỏi các hãng phim phải chứng tỏ năng lực vốn, điều kiện kỹ thuật, đội ngũ... là đi ngược với thông lệ thế giới và vênh chính với sự thông thoáng của Luật Điện ảnh.

Cũng chính vì sự “vênh” này mà Cục Điện ảnh  hiện đang đau đầu vì dự án phim Mùi cỏ cháy đã duyệt cho Hãng Điệp Vân nhưng áp theo quy định phải “đấu thầu”, hoặc đơn giản hơn là “giao kế hoạch, đặt hàng” thì Điệp Vân Film đều không đủ tiêu chuẩn để nhận dự án. Thậm chí, nếu Hãng phim Hội Điện ảnh không nhanh triển khai phim Em muốn làm người nổi tiếngĐừng đốt, trong đó đã có lửa thì có lẽ bây giờ cũng sẽ “tắc” giống Điệp Vân Film vì không sẵn đội ngũ và thiết bị máy móc phần lớn cũng là đi thuê.

Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh: “Với phim Mùi cỏ cháy, cách để “gỡ rối” bây giờ là Điệp Vân phải liên minh với một hãng phim lớn có đủ năng lực về vốn và điều kiện kỹ thuật để triển khai dự án. Về điều này, chắc chắn các doanh nghiêp tư nhân không muốn. Vì tuy không sẵn thiết bị máy móc, nhưng họ có thể đi thuê và tiết kiệm được nhiều chi phí cho phim vì biên chế gọn nhẹ.  Nhưng dù không muốn thì vẫn phải tìm đường “hợp pháp” để đi. Không thể đợi sửa Luật mà để sản xuất bị đình trệ.  Luật  pháp phải đồng bộ mới kích thích điện ảnh phát triển, nhưng hiện tại đúng là... đang vướng. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật không phải cứ số đông, cứ hoành tráng về thiết bị là có phim hay, mà phụ thuộc vào “cái đầu” của nhóm làm phim với chỉ số IQ của họ. Vì thế, muốn những quy định thông thoáng của Luật Điện ảnh được triển khai trong thực tế thì phải kiến nghị sửa Luật Đầu tư !”.

Xem ra, việc sản xuất  phim bằng tiền  ngân sách  ở ta vẫn  tiếp tục... lúng túng!

Phước Sang không quan tâm tới đấu thầu!

Tôi đã đọc Dự thảo Thông tư..., nhưng hãng phim Phước Sang không mặn chuyện đấu thầu làm phim. Những phim được Nhà nước chọn đầu tư phải đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước, rất khó cho các hãng tư nhân có mục đích làm phim chính là để phục vụ số đông khán giả. Nếu đấu thầu làm phim giải trí thì tốt quá, nhưng chắc là không rồi. Nhưng nếu Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống rạp chiếu thì chúng tôi quan tâm hơn.

Theo tôi, vấn đề hiện nay không phải là chuyện đấu thầu hay không đấu thầu, mà có đấu thầu, có bỏ bao công sức, tiền bạc ra làm phim thì rồi không biết chiếu ở đâu. Thời kinh tế thị trường, phim chiếu không có khách thì các cụm rạp Galaxy, Cinebox, Megastar, Diamond... cũng không chiếu !

Đạo diễn Hà Sơn: Đấu thầu là một khái niệm trừu tượng!

“Theo Dự thảo Thông tư tôi đọc mới đây, đấu thầu là một khái niệm rất trừu tượng! Ở cương vị một đạo diễn, tôi quan tâm tới mục đích đấu thầu là gì? Nhà nước phải đặt ra mục đích làm sản phẩm điện ảnh để làm gì, muốn làm phim thể nghiệm hay phim nghệ thuật...?

Đấy là chưa kể đến việc, số tiền không thể đủ để làm phim. Tôi đã nhiều hơn một lần nói rằng, giờ đây, để làm một bộ phim nhựa không thể tiêu tốn ít hơn 2 triệu USD. Tôi đã thấm thía nỗi khổ thiếu tiền khi làm Trung úy  - có lẽ là một trong những bộ phim cuối cùng của điện ảnh VN làm theo cơ chế cũ”- Đạo diễn Hà Sơn - GĐ Hãng phim Hà Anh

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật