Vừa ra tù đã “thảm sát” vợ quản giáo!

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thật ra thì trong tất cả những điều khó lý giải nhất của cuộc đời, bản thân tội ác là cái mỏ chứa nhiều thứ khó hiểu nhất. Giống như người ta chỉ có thể miêu tả một cô gái đẹp mĩ miều ra làm sao, chứ rất khó để nói rằng cô ấy xấu xí đến cỡ nào.
Vừa ra tù đã “thảm sát” vợ quản giáo!
Tại trại giam Tân Lập, điều kiện sống của tù nhân được cải thiện rất nhiều. Người bị bệnh hiểm nghèo, thậm c
Giống như một bà bủ ở quê vẫn cứ bỏm bẻm nói giản dị mà như là lời của người đã thành tinh - đắc đạo: hỏi cái con bé đẹp gái thì bà biết tả, chứ hỏi con bé kia xấu gái thế nào, thì bà biết nói làm sao. Chả nhẽ tớ lại nói là xấu như ma, xấu hết cỡ? Thế giới trong tù, dẫu sao cũng mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm tội ác, bề nổi ấy chỉ gồm một số những mưu ma chước quỷ, những vô luân tàn độc đã bị lôi ra ánh sáng bằng một phiên tòa hoặc các phiên tòa. Trong thế giới của Quỷ Sa tăng, thế giới của bóng tối, ai mà biết được sẽ còn những gì nữa? Lòng tốt, dù nhiệm màu, thì cũng có thể hiểu được; chứ tội ác, thì dù ở đâu, dù khi nào, cũng là khôn lường.
Trong thế giới của bóng tối, ma quỷ

Đặng Sỹ An sau 10 năm ở tù tại Tân Lập - kể từ ngày y đang tay "thảm sát" cô Phùng Thị Tiếp, vợ của người quản giáo quá cố đã hết lòng giúp đỡ An, khi An thụ án lần đầu tiên ở chính trại giam Tân Lập. - Ảnh: Lãng Quân


Trại giam số 5, của Bộ Công an, là nơi đang giam giữ đối tượng Cù Văn Tấn. Tấn giữ kỷ lục với câu chuyện trần đời có một: hắn dùng súng ngắn, máu hắn lạnh như máu rắn, dí súng thẳng vào thái dương thượng tá Nguyễn Đình Phương, Giám thị trại giam Hoàng Tiến (đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương), siết cò. Đạn không nổ, ông Tiến gạt súng bỏ chạy. Tấn bình tĩnh lên đạn, đuổi theo, khi ông Phương ngã, hắn lại thản nhiên dí súng vào thái dương ông Phương: bóp cò phát thứ hai. Ông Phương chết. Chuyện này xảy ra năm 2002. Một cán bộ đã biên chế chính thức của lực lượng cảnh sát trại giam đã bắn chết Giám thị trại giam (người quản lý cao nhất trong trại) nơi mình công tác, rồi lặng lẽ đi ở tù. Đó là một câu chuyện gây sửng sốt trong nhiều người, suốt một thời gian dài. Cũng chẳng đâu xa, chẳng nói làm gì cả, trong thế giới trăm nghìn người đang thụ án ở khắp cả nước, chỉ riêng cái trại giam mà Tấn đang “đền tội”, cũng có đủ những thứ tội mà chỉ cần điểm đầu vụ việc, người viết đã thấy mình nhẫn tâm với “thần kinh” của độc giả. Ví dụ như phạm nhân Vũ Thị Duyên Quỳnh, mắt nai tơ ngơ ngác, da trắng như trứng gà bóc, 17 tuổi, từ quê lúa Thái Bình lên Hà Nội học Đại học Luật với khát vọng làm một nữ Bao Công cầm thượng phương bảo kiếm đem lại sự công bình cho Đời hẳn hoi. Chơi bời, bị đuổi học, 1‌8 tuổ‌i đã lấy chồng, 19 tuổi có con, 20 tuổi bị tuyên án tử hình vì tội ném đứa con riêng của chồng từ hàng trăm mét chóng mặt của cầu Thăng Long (Hà Nội) - từ cao tận mây xanh xuống dòng nước xiết của sông Hồng. Tội ác man rợ ấy, đã từng khiến nhiều người dân Hà Nội kinh tởm, đến dự phiên tòa, nhiều bà nạ dòng nhảy chồm chồm lên, đòi “nhà nước” phải đem Quỳnh ra tùng xẻo. Đang cho con bú, đang nuôi đứa con 3 tháng tuổi; mà nỡ lang sói tới mức, Quỳnh ném chính đứa con đẻ 4 tháng tuổi của chồng mình (đứa con cùng cha khác mẹ với đứa con mà Quỳnh đang cho bú) xuống sông Hồng trong mùa nước hung dữ nhất.

Rất lâu sau, người ta mới tìm thấy th‌i th‌ể non bầy bấy của đứa bé đã vỡ lũa dưới dòng nước bạc. Còn nhớ, khi phiên tòa diễn ra, nhà báo Đặng Huyền (Báo An ninh thế giới), bạn tôi, có len vào đám đông công phẫn chụp một tấm ảnh, mà chị rùng mình ớn lạnh đến tận bây giờ. Bởi bấy giờ, chị cũng đang cho con bú. Quỳnh có gương mặt đẹp, cái đẹp lạnh như lưỡi hái tử thần, vẻ mặt của ác thú ăn thịt người, ăn thịt cả con đẻ của mình! Sau này, nhờ chính sách khoan hồng của nhà nước đối với những phạm nhân đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Quỳnh đã được tha tội chết, lãnh án tù chung thân. Thị thụ án tại trại giam số 5.

Cái “thế giới tội ác” gần 5 nghìn phạm nhân đang “chịu án lưu đày” ở trại 5, ai nghe chuyện của Quỳnh cũng hãi hùng, cũng muốn ngó mặt Quỳnh, thị trở thành “người tai tiếng số một” của trại 5. Gặp nhà báo, Quỳnh cũng vẫn khóc như bất cứ người đàn bà ở tù nào khác, rằng “bao năm nay, em chưa bao giờ dám ngẩng mặt lên nhìn ai, kể cả những bạn tù. Em không hiểu nổi mình. Đêm nằm, ít khi em ngủ được, vì ám ảnh tội lỗi. Chưa bao giờ em hiểu được: tại sao em lại ném cháu bé xuống sông?!” – Quỳnh thở hắt ra, vẫn cúi mặt gằm gằm. Da vẫn trắng, tóc vẫn dài.

Họ đã nghĩ gì khi hành động như vậy? Không chỉ là cơn giận quá hóa điên, giận quá mất khôn, mà những hành động của Quỷ Sứ này, nó là biểu hiện của một nhân cách lệch lạc. Một sự quái thai.

Tấn, Quỳnh lại nhắc tôi nhớ đến một người tù khủng khiếp từng ám ảnh tôi nhiều ngày. Đó là gã trai đồng hương Sơn Tây với tôi, tên là Đặng Sỹ An. Vợ chồng người quản giáo ấy đã giúp An “trả lại cho đời hai tiếng hoàn lương”. Cho An ăn, giúp An yên tâm cải tạo, cho An tiền để về quê sau khi mãn hạn tù. Nhưng rồi, An đã quay lại, rủ theo cả cô em gái 16 tuổi, với nung nấu cùng “hợp sức” giết chính nữ ân nhân của mình bằng hơn ba chục nhát dao chọc tiết lợn để… cướp của. Sau khi bị bắt, An đã trở lại, thụ án ở chính cái trại giam mà An từng ở, từng chịu ơn, từng… sát hại vợ quản giáo. Tôi gặp An, bỗng thấy hoang mang cực độ về cái việc người ta có thể bất nhẫn, có thể xấu xa đến mức nào. Oái oăm thay, An cũng biết thế, cũng suốt đời cúi mặt vì điều đó. Nghĩa là anh ta không bị tâm thần, cũng không điên đảo gì. Đơn giản, anh ta nghĩ rằng, cái vụ giết chết ân nhân độ mạng của mình để cướp của sẽ không bị bại lộ; rồi không ngờ, lưới trời lồng lộng.

Những điều không hiểu nổi về người tù 10 năm cúi mặt

Trại giam Tân Lập (Cục V26, Bộ Công an) đóng tại địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nơi này hoang vu chín suối mười đèo, nó là cái nơi từng nhiều năm cả cán bộ quản giáo lẫn người tù đều hãi hùng với sốt rét ác tính, với câu ca “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, “má hồng để lại, xanh xao mang về”. Cái thời ấy, nhà tù còn phên tre nứa, trát bùn, quét vôi trắng. Mưa gió bão bùng, quản giáo phải cầm đèn bão đứng giang tay làm cọc tiêu sống để ngăn tù trốn trại. Tù trốn vì… đói khát quá (bấy giờ ít ai là không đói!). Có khi thấy họ xé vách đất chui ra, định tẩu thoát lên rừng, anh chị em quản giáo sợ hãi nổ súng lệnh. Phạm nhân run như cầy sấy, mới hè nhau, đùn đủi chui trở lại buồng giam. Thắp đèn bão lên, đến từng buồng, xem quần áo anh nào lem nhem vôi trắng và bùn đất của phiên liếp nhà giam thì…. bắt ra để trừng trị. Thằng có vệt vôi trắng trên áo, chính là thằng vừa chui vách trốn.
Bây giờ, trại Tân Lập đã khang trang, đời sống phạm nhân được chăm chút sướng hơn… công nhân ở các khu công nghiệp. Gạo trắng, rau tươi, có cả đường sữa bồi dưỡng khi đau ốm, anh nào bị ho lao, HIV ốm yếu, trại còn có xe đẩy đưa đi ăn uống, ngắm cảnh trong khuôn viên xanh mướt của miền rừng Vô Tranh. Đường vào các phân trại giữa rừng cũng rải nhựa, điện sáng như sao sa. Nhiều người tù, mãn hạn không biết đi đâu, đã xin miếng đất ở lại dựng nghiệp ngay ven trại tù. Bởi nơi này trù phú, làm chơi ăn thật. Giữa bối cảnh ấy, người ta đưa tôi đến gặp Đặng Sỹ An. Và, tôi vẫn rùng mình nghĩ đến sự mông muội tột cùng của thứ tội ác không tài nào hiểu nổi của An và những người hình như họ đã hành động theo thứ “ảo thanh” xui khiến của Quỷ Sứ.

Đặng Sỹ An nhỏ thó, mặt xương, nói năng hoạt bát vô cùng. Người ở Kim Sơn, Sơn Tây, Hà Tây, sinh ra trong một gia đình 5 anh em, An là cả, lêu lổng từ nhỏ. Năm 1991, An phạm tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, khi đi cắt trộm dây điện ở ngã đường ven thị xã Sơn Tây. Bị công an khu vực bắt, rồi tòa xử tù 7 năm, thụ án tại Tân Lập. Khi ấy, An mới 19 tuổi được ít ngày.

Vào trại, gia đình đói khổ, cũng chả ai thăm nom. An khỏe mạnh, khéo ăn nói, chịu khó làm lụng, nên được quản giáo và phạm nhân ai cũng quý. Quản giáo Việt, nhà ở gần trại, rất quý An. “Thầy” (những phạm nhân như An thường gọi quản giáo là ‘thầy”) Việt thường khuyên giải An nỗ lực cải tạo, thông cảm với sự xao nhãng thăm nom của gia đình, vì các em An còn nhỏ, nhà nghèo, đường xá lên trại chín suối mười đèo, người giàu muốn thăm nuôi thân nhân còn méo mặt. Khi An đau ốm, người gầy đét, còn hơn bốn chục ký lô, thầy Việt và cô Phùng Thị Tiếp (vợ thầy, một người đàn bà nhân hậu) còn cùng với cán bộ trại giam, thuốc thang giúp An thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Thấy An ngoan, người tong teo, ốm hen suốt năm, thầy Việt còn tạo điều kiện cho An làm những việc nhẹ nhàng khi lao động cải tạo. Mỗi lần đi “chăn trâu làm lẻ”, được tự giác lao động, không chịu sự “giám sát 24/24”, An còn đi qua nhà thầy Việt, cô Tiếp để xin nước uống. Thầy cô và An ngồi tâm sự không còn cái khoảng cách giữa “coi tù” và “người tù” nữa. Hai vợ chồng thầy Việt coi An như em út trong nhà. Cô Tiếp, vợ thầy Việt là người ở nơi khác đến, hai vợ chồng dựng một nếp nhà nhỏ phên liếp nứa ở gần khu vực trại Tân Lập, cuộc sống bình dị, nhân ái. An từng nói, sự bình yên ấy là động lực để An gượng dậy sau nỗi đau lầm lạc.

Sau này, vì mắc bệnh hiểm nghèo, quản giáo Việt đã không qua khỏi. Cô Tiếp còn trẻ, cũng vẫn ở vậy, với nếp nhà nhỏ, nuôi con ăn học tử tế. Mãn hạn tù, An trở về quê, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Trước lúc “về lại với đời”, An còn qua nhà chào cô Tiếp. Cô Tiếp còn cho An thêm tiền xe cộ để về quê “làm lại từ đầu”.

An trở về, quả là hắn cũng tính chuyện hoàn lương thực sự. An cùng với cô em gái sống bằng nghề buôn hoa quả, vừa bập vào, định làm ăn to, thì vỡ nợ. Khi ấy, Đặng Thị Tâm, em gái An mới 16 tuổi vài tháng. Nợ cả triệu bạc, lấy đâu ra tiền? Trong hoang mang, An đã quáng quàng nghĩ quẩn đến việc giết người cướp của. Không hiểu ma quỷ xui khiến thế nào, An lại tính kế giết vợ của thầy Việt để lấy tiền giả nợ. Có lẽ, An nghĩ đến cảnh cô Tiếp ở một mình, đàn bà con gái giữa đồng không mông quạnh, nhà cửa phại phên liếp giãi dầu. An ra ruộng cấy, tìm em gái, rủ đi trại giam Tân Lập thăm lại các thầy, các cô đã giúp đỡ An hoàn lương. Tâm 16 tuổi, chưa bao giờ ra khỏi thị xã Sơn Tây, nghe tin đi chơi xa với anh trai, thì thích chí lắm.

Hai anh em đèo nhau bằng xe đạp từ Sơn Tây, sang sông Hồng, lên ga Việt Trì, rồi quẳng xe lên tàu đi Ấm Thượng. Xuống tàu, lại lên đòi qua sông, đèo nhau tìm vào khu vực trại giam Tân Lập. Đến nơi, trời tối, An mới nói thật với Tâm rằng, An sẽ giết người, giết cô Tiếp, lấy tiền về giả nợ. Cô bé 16 tuổi sụp xuống lạy anh trai, rồi hãi hùng bỏ chạy như điên trong đêm tối, vừa chạy vừa gào khóc. An đuổi theo thuyết phục. Nói rằng, An đã mang theo găng tay thì sẽ không để lại vân tay ở hiện trường, công an sẽ không tìm ra. Đã mang theo con dao bầu trong ba lô, sẽ đâm chết cô Tiếp, An chỉ cần Tâm hỗ trợ thôi, rồi anh em sẽ không bao giờ bỏ nhau, dù thế nào đi nữa. Bất ngờ thay, cô bé tuổi chanh cốm đã nghe lời anh.

Cả hai gõ cửa nhà cô Tiếp, xin ngủ nhờ. Gặp lại An, một phạm nhân cải tạo tốt, đã về quê, hoàn lương được nửa năm trời, giờ lại còn biết đường đưa cả cô em gái bé bỏng, cơm nắm muối vừng đạp xe lên cảm ơn thầy cô. Đúng là một chuyện hi hữu, thế mà người ta cứ bảo đời người coi tù rất… bạc. Cô Tiếp pha nước, nấu cơm, ba người trò chuyện ríu rít, vui lắm.

 

Cuộc sống, khẩu phần ăn của phạm nhân đã khá lên bất ngờ: họ tự nuôi lợn, mổ lợn, ăn với cơm trắng, "rau sạch". - Ảnh: Lãng Quân


Đêm dần khuya, An và Tâm xin ngủ lại. Dĩ nhiên là cô Tiếp an tâm, đồng ý. Cô Tiếp ở nhà một mình, con đi học nội trú ở xa, nhà cửa đơn sơ, ở nơi vắng vẻ, cô Tiếp không đủ đa nghi để nghĩ rằng: đêm ấy là đêm định mệnh. Tâm ngủ với cô Tiếp ở trên giường, buồng trong. An nằm dưới nền nhà ngoài. Khi tiếng ngáy đều đều của cô Tiếp vọng ra, Tâm đã làm ám hiệu để An xông vào. An chém cô Tiếp hàng chục nhát, Tâm giữ tay chân cô Tiếp, hỗ trợ cho An giết người. Vết chém chằng chịt khắp mặt và tay, nhưng, may thay, là người lao động chân tay khỏe mạnh, bản năng sống trỗi dậy dữ dằn, cô Tiếp quyết liệt chống trả và gào lên kêu cứu. Khi thấy cô Tiếp vùng dậy cuồng quẫy, đầy máu me, tiếng kêu dậy đất, An và Tâm đã bỏ chạy. Cả hai, trên người vấy máu tươi.

Hai anh em An chạy đến khi trời sáng, thì mệt lả. An gọi điện về cho bố, nói rằng con và Tâm giết người, bố lên đón em Tâm về, con sẽ đi trốn, con sẽ đi thật xa, mãi mãi. Sáng 8/5/1997, chỉ một ngày sau, An bị bắt khi đang trên đường nhảy tàu đi Yên Bái chạy trốn. Tâm cũng bị bắt, bị xử tù, thụ án tại trại giam Quyết Tiến, Tuyên Quang, khi mới 16 tuổi vài tháng, mặt còn ngơ ngác, búng ra sữa. An bị xử chung thân, “đền tội” tại chính cái trại giam Tân Lập, nơi An đã thụ ơn và rồi lại gây án với chính ân nhân của mình.

Điều làm tôi khó hiểu nhất trong vụ án “có một không hai” này, chính là con người Đặng Sỹ An. Trí nhớ tinh tường. Nói năng thì con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Hát hay, đàn giỏi. Biết tôi là đồng hương, An nhờ tôi gửi lời hỏi thăm tận tình đến từng người một ở quê An. An rất hài lòng với việc đã ra tù, đã bớt ám ảnh tội ác, đã lấy chồng, có con của Tâm, em gái An, cô bé 16 tuổi đã được An đưa đi giết người, cướp của. Tuổi trăng tròn, tuổi thiếu nữ, cả những ký ức suốt đời của Đặng Thị Tâm đã vấy máu cô Tiếp, vợ của thầy Việt, người đã hết lòng cứu rỗi cuộc đời An.

Tâm vẫn lên thăm em, con của em nó, giờ đã 6-7 tuổi rồi. Ông già (bố đẻ) em cũng là họa sỹ, làm việc cho cái công ty du lịch V-M ở trong Khoang Xanh, dưới chân Ba Vì. Trước, cụ vẽ vời, chụp ảnh dạo, kẻ biển quảng cáo cho các cơ quan kiếm ăn. Nên giờ đây, thằng em út của em cũng thi Đại học Mỹ thuật hẳn hoi”. Tâm rất tự hào về sự khá giả của gia đình mình: “Nhiều lần gia đình đi lên thăm em rất đông. Thuê cả một chuyến ô tô lên trại cơ mà. Tiền thuê xe đã bạc triệu đấy”. An liên tục tỏ vẻ lấy làm tiếc vì những lầm lỡ của đời mình, từ chỗ chỉ cắt có mấy mét dây điện, ai ngờ phạm vào tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, án rất nặng; từ chỗ thiếu kinh nghiệm, buôn hoa quả bị lỗ chổng vó mất cả hai cây vàng; rồi chẳng hiểu Quỷ sai khiến thế nào lại đi thủ dao, găng tay quyết tâm giết bằng được cô Phùng Thị Tiếp. “Sao lại là cô Tiếp?” – An nấc lên, “từ ngày vào trại, mọi người rất thông cảm, nhưng chả bao giờ em dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Em thấy kinh tởm chính em”. Em gái ra tù rồi, ổn định cuộc sống lắm rồi, An vẫn áy náy, “Em gái em lúc ấy 16 tuổi đầu, nó biết gì mà bảo nó bóp cổ cô Tiếp, em đã nhận toàn bộ tội về phía em rồi, nhưng không được!”.

Sự tỉnh táo, rành rọt của An đã khiến tôi bủn rủn chân tay, khiến tôi quay mặt đi lạnh sống lưng hơn cả cái đêm vấy máu mà anh em An đã “đền đáp” với người vợ góa của thầy Việt. Thà rằng An cứ điên khùng, dở người đi cho đành một nhẽ. An nói đúng, “em không dám ngẩng mặt lên, suốt 10 năm qua, kể từ khi tiếp tục thụ án ở Tân Lập. Những quản giáo quản lý em, chính là bạn bè của cô Tiếp, thầy Việt, người quản giáo quá cố đã cưu mang em. Chính họ cũng đã từng quản lý em khi em ở trại lần trước. Em ra tù được 6 tháng đã lại gây án…”. An cứ đay đả trách mình. “Nhưng em nghĩ kỹ rồi, em chỉ có một cách, chuộc lỗi bằng sự ăn ăn cải tạo”. Lạ thay, không chỉ có tài nói con kiến cũng phải bò ra, An lại cải tạo tốt, cũng giống như: lạ thay, càng nói chuyện với An, tôi càng không hiểu nổi. An khoe, An là quản ca của đội phạm nhân, An từng được trại cử đi hội diễn của các phạm nhân, vào tận Trại 5 trong Thanh Hóa, lên tận Trại 4 trên Thái Nguyên. “Em từng đoạt tới 6 giải cá nhân, khi đàn hát. Bài hát tủ của em là bài “Đất nước” của Phạm Minh Tuấn; và bài “Vầng trăng Ba Đình”. Tôi lại nghĩ đến cảnh An sẽ hát bài hát tâm đắc do Đại tá Phòng, Giám thị trại Thanh Lâm (Thanh Hóa) sáng tác, cái câu láy đi láy lại như là nức nở ấy: “Trả lại cho đời hai tiếng hoàn lương”…

Liệu An có trả lại hai tiếng hoàn lương kia cho đời được không? Tôi bị ám ảnh nhiều bởi đôi mắt An. Mắt trũng sâu, phủ đầy bóng tối và khuôn mặt xương lại càng gồ lên những hốc tối, trông lướt qua như An đang đeo kính đen. Nhưng rồi, sự hối hận có vẻ chân thành, nỗi dằn vặt cứ đay nghiến hắt mãi vào An như sóng biển kia, đã làm tôi tin An phần nào. Tôi tin, An, dẫu sao cũng có vẻ của một người hữu tình, biết mình, biết người - rồi An sẽ thoát khỏi những tiếng “ru hồn” của Quỷ Sứ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật