Làng cổ Đường Lâm: Hãy cứu “Ngôi đình xiêu“

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nét đẹp của làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không chỉ ở những ngôi nhà cổ hàng trăm năm. Nó còn được tôn vinh bởi những ngôi đình cổ bề thế với những nét kiến trúc độc đáo. Đình Cam Thịnh nằm trong quần thể di tích làng cổ Đường Lâm là một ngôi đình như thế. Tuy nhiên hơn 1 năm nay ngôi đình có niên đại 300 năm này đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Sự xập xệ, nhếch nhác của đình Cam Thịnh không chỉ khiến đời sống tâm linh của người dân thay đổi mà còn tạo nên một “thảm cảnh“ khó chấp nhận được ở 1 ngôi làng cổ nổi tiếng.
Làng cổ Đường Lâm: Hãy cứu “Ngôi đình xiêu“
Đình Cam Thịnh trước khi chưa bị xiêu vẹo, là niềm tự hào của người dân và là điểm du lịch.

Ngôi đình hơn 300 năm tuổi

Người làng Đường Lâm vẫn thường ca tụng "Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài". Quả đúng như vậy những ngôi đình ở Xứ Đoài (Đường Lâm) này được người ta biết đến với vẻ cổ kính, bề thế và những nét kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngôi đình Cam Thịnh nằm ngay trong quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia là làng cổ Đường Lâm được Nhà nước vinh danh là Làng Việt cổ đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2005.

Được xây dựng từ thế kỷ 17 và được trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố, kèm theo Quyết định bảo vệ di tích lịch sử - Văn hóa của UBND tỉnh Hà Tây (cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội). Đình Cam Thịnh vẫn còn lưu giữ được nhiều những di vật quý giá như: Bia đá, cỗ ngai, kiệu gỗ, câu đối, chữ thờ và đặc biệt là những nét chạm khác tinh tế của ngôi đình từ thế kỷ thứ 17.

Nhiều người lo lắng phần mái tụt xuống bất cứ lúc nào.

Đình Cam Thịnh thờ Thành Hoàng có công lớn với làng. Từ xưa, người làng Cam Thịnh đã truyền cho con cháu nghe câu chuyện về vợ chồng cụ Cao Phúc Diễn và cụ Giang Thị Thắng sống vào khoảng thế kỷ 17 đã giúp dân làng giữ đất và lập ấp Cam Thịnh như ngày nay. Cụ Cao Phúc Diễn vốn người làng Cam Thịnh, làm quan trong triều Hậu Lê cùng thời với Đại sứ thần, Thám hoa Giang Văn Minh người ở làng bên.

Cụ làm quan đến chức Thượng Tướng Công Phù Việt hầu, lãnh trách nhiệm bảo vệ toàn xứ Đông Đô. Thời nhà Mạc có biến, cụ từ quan về quê nhà sống cuộc đời của người dân quê giản dị. Lương bổng, đất đai vua ban khi được phong hầu, cụ đem tiến cống cho làng xây dựng nên ngôi đình làng Cam Thịnh vẫn còn đến tận bây giờ. Dân làng biết ơn, suy tôn cụ làm Thần và đặt ban thờ cả Cụ ông và Cụ bà trang trọng trong đình làng.

"Nếu cứ để thế này thì đến Thành hoàng làng cũng không cứu được"

Biết chúng tôi tìm hiểu về đình Cam Thịnh, cụ thủ từ Trương Văn Sệ buồn bã nói: "Hơn 1 năm nay chúng tôi phải đóng cửa đình. Khách du lịch đến đây chỉ dám đứng từ xa nhìn vào. Bà con có ai dám vào cúng bái đâu. Thỉnh thoảng cũng có cơ quan chức năng về khảo sát nhưng rồi lại đi".

Chúng tôi phải dùng 2 từ "tồi tàn" để nói về ngôi đình Cam Thịnh. Với cột chống được chắp nối vào nhau cả bên trong và bên ngoài đình khiến ngôi đình Cam Thịnh trở nên yếu ớt. Mái đình với ngói mũi cổ kính nay bị mưa gió làm đảo lộn, xộc xệch. Chỗ thì trũng xuống, rồi lại gồ lên cảm giác cả mái ngói sẽ sập xuống bất kỳ lúc nào.

Dây thép cũng được huy động để "chống sập".

Hai đầu đốc của đình vẫn còn vương lại nhiều dấu tích của những trận bão vừa qua. Từng mảng ngói lớn, rơi xuống vỡ vụn nằm ngổn ngang dưới chân tường. Cụ Sệ cầm đầu của 1 con nghê (vốn nó là 1 chi tiết trang trí trên mái đình) xót xa nói: "Sau trận mưa to đấy, chúng rơi xuống đất hết cả. Cũng may tôi nhặt rồi cất đi. Hy vọng nay mai trùng tu lại đầu con nghê này sẽ được phục chế".

Như chuẩn bị bước vào hầm khai thác quặng của thổ phỉ, chúng tôi được cảnh báo trước sự nguy hiểm khi bước vào phía bên trong đình Cam Thịnh. Một cảm giác buồn, xót xa tràn ngập khi chứng kiến sự tồi tàn của ngôi đình.  Hàng chục những chiếc cột gỗ bạch đàn nhỏ được dựng tạm lên chống đỡ, ngổn ngang những chi tiết gỗ phần mái bị rơi rụng.

Nếu người dân hoặc khách du lịch muốn thể hiện lòng thành kính với Thành hoàng đều phải luồn lách dưới giàn cột chống chi chít. Bất cứ ai vào đây cũng phải nhìn trước ngó sau, hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Một vài con kìm nóc rơi khỏi mái từ khi nào không ai biết, những con kìm còn lại được các bô lão cho buộc dây thép để giữ chân. Theo cụ Sệ, cách đây gần 1 năm, 1 thanh xà ngang lớn nằm sát hậu cung bị tụt nõ và rơi xuống nền.

Điều đáng nói khi thanh xà  rơi là lúc trong đình làng có rất nhiều người đang cúng bái. Cụ Sệ chỉ vào thanh xà nằm vắt vẻo nói: "Hôm đó các cô phụ nữ trong thôn chuẩn bị đi du lịch nên có qua đình làm lễ cầu may. Trong lúc mọi người hí húi khấn vái, thắp hương thì bất ngờ thanh xà này rơi xuống. Thần thánh linh thiêng chứ nếu không thì không biết chuyện gì đã xảy ra".

Kể từ khi thanh xà rơi chùa Cam Thịnh chính thức phải đóng cửa. Đã hơn 1 năm nay làng không thể tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn. Và cũng đã hơn 1 năm nay khách du lịch chỉ dám đứng từ xa chiêm bái ngôi đình này. Thiết nghĩ nằm giữa khu di tích Làng cổ Đường Lâm danh tiếng lại tồn tại một ngôi "Đình siêu" thế này thì quả là chuyện nực cười. Và ai dám chắc những thanh gỗ bạch đàn mỏng manh kia còn sức chống đỡ cả ngôi đình. Và đến khi cả ngôi đình Cam Thinh sập xuống thì đến Thành hoàng làng cũng không cứu nổi!

Đầu con nghê bị rơi rụng sau trận mưa lớn.

Người dân ở Đường Lâm sẵn sàng đóng góp để trùng tu lại ngôi đình nhưng với bao "vết xe đổ" về việc tự ý xây dựng, trùng tu di tích sai nên việc này là khó khăn. Cái khó nữa của người dân Đường Lâm nếu tự trùng tu có thể sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị của di tích bởi công tác trùng tu một di tích văn hóa, có tuổi thọ lâu đời là rất cần sự tham gia của các chuyên gia văn hóa và bảo tồn di tích.

Hàng chục chiếc cột nhỏ được nhân dân dựng tạm chống đỡ phía bên trong đình.

Nói về vấn đề này ông Cao Văn Bê - Hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Cam Thịnh chia sẻ: "Tất cả mọi người đều rất lo lắng và bức xúc vì đình làng ngày một xuống cấp. Nhu cầu lễ thánh là nhu cầu của đời sống tâm linh của dân làng chúng tôi từ bao đời nay. Dân làng chúng tôi có thể tự trùng tu lại nhờ vào đóng góp, cung tiến nhưng điều đó là không thể. Đây là di tích cấp thành phố, hơn nữa lại nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia, chúng tôi tự làm là phạm pháp. Dân làng chúng tôi tha thiết mong mỏi các cơ quan có liên quan nhanh chóng vào cuộc trùng tu, cứu lấy ngôi đình này".

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm:

"Đình làng Cam Thịnh là một di tích quan trọng cần được bảo vệ. Dự án trùng tu còn chậm là do đơn vị đầu tư họ còn đang nghiên cứu tương đối kĩ về kĩ thuật trùng tu, hai nữa là hiện nay nguồn kinh phí chưa được bố trí nên các đơn vị đầu tư họ có tư tưởng giãn dự án ra. Nhưng mấy hôm trước Ban quản lý di tích đã họp các đơn vị đầu tư lại và chuyến này họ quyết tâm làm. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành dự án trong tháng 10 rồi trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, sau đó chúng tôi sẽ xin các cấp nguồn kinh phí để tiến hành trùng tu".

Trả lời báo chí trước tình trạng của đình Cam Thịnh, ông Phạm Hùng Sơn Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: "Ban quản lý đã nắm được tình trạng của đình Cam Thịnh. Trước tình hình đó chúng tôi đã vận động và hỗ trợ được 10 triệu đồng để chống sập. Đã có nhiều cấu kiện sập hẳn xuống nền đình. Hiện nay chưa có dự án trùng tu nên chúng tôi buộc phải dùng phương án chống sập một số cấu kiện để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của người dân và du khách. Việc chống sập chỉ là việc bất đắc dĩ vì việc hành lễ, việc sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và nhu cầu tham quan của khách du lịch đã bị tạm dừng vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật