Dấu ấn văn hóa Việt vẫn là cái gì đó rất xa xưa!

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
30 năm trở lại đây, dấu ấn văn hóa Việt để lại trong lòng thế giới vẫn là những cái gì đó đã tồn tại từ rất xa xưa – như một kiểu “di sản được thừa kế”
Dấu ấn văn hóa Việt vẫn là cái gì đó rất xa xưa!
Ca sĩ opera Sung Min Park và nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Phóng viên tiếp tục cuộc trò chuyện với đôi vợ chồng Sung Min Park (nghệ sĩ opera – Hàn Quốc) và Trang Trịnh (nghệ sĩ dương cầm Việt Nam). Lúc này Trang Trịnh chia sẻ nhiều hơn với kinh nghiệm của một nghệ sĩ trẻ tuổi có óc quan sát sắc sảo và đã lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.

Tại sao sự ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc lên các quốc gia khu vực lại mạnh mẽ như vậy trong khoảng 10 năm gần đây?

- TrangTrịnh: Xuất phát điểm của tất cả những điều này có lẽ là do ý thức dân tộc của họ trên bản đồ thế giới. Tôi không nhớ chính xác điều này, nhưng đã đọc ở đâu đó rằng “khi đánh giá về thang bậc các quốc gia, điều quan trọng nhất không phải là GDP mà về tầm ảnh hưởng của văn hóa”.

Giới trẻ Việt đang "sính Hàn" vì sức mạnh văn hóa chứ không phải vì kinh tế

Ở Châu Âu, trong thời kì phát triển cực thịnh, các đất nước muốn thể hiện về thứ bậc và tầm quan trọng quốc gia, họ đưa ra “World Fair” hay giờ được gọi là World Exhibition (Expo). Ở đây, những người tài năng nhất (không phải về tiền - mà là âm nhạc, hội họa, kiến trúc, khoa học…) sẽ tụ họp lại và đưa ra các sản phẩm của họ. Chẳng hạn như tháp Effel ở Paris - là một trong những tác phẩm của Expo năm 1889 hay National Gallery ở London. Họ muốn cho thế giới thấy đây là văn hóa, thành tựu của chúng tôi.

Văn hoá quan trọng đến mức Áo và Đức đã phải tranh giành nhau xem Mozart là của nước nào. Họ biết để đánh giá một đất nước người ta không nhìn vào tiền, mà vào văn hóa. Hiện tại, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng luôn cạnh tranh tranh nhau về văn hóa.

Âm nhạc đóng vai trò gì trong chiến lược cạnh tranh và gây ảnh hưởng này?

- Trang Trịnh: Các tác phẩm của Shakespears có vị trí như thế nào trong văn học và kịch nghệ, thì nhạc cổ điển cũng có vị trí như vậy trong âm nhạc nói chung.

Khi đất nước Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch giáo dục đại chúng về âm nhạc cổ điển họ đã biết điều này. Họ nghĩ, bây giờ nếu mình làm thế thì 20 năm sau mình sẽ có một thế hệ nghệ sĩ, 20 năm sau nữa có thể cạnh tranh được với thế giới, giành lấy ngôi đầu bảng ở tất cả các cuộc thi. Bây giờ nhìn cuộc thi nào cũng thấy người Hàn Quốc, giải nhất, giải nhì, giải ba. Và như thế là họ đạt được mục đích.

Kpop hiện cũng đang bành trướng và có vị trí. Trước đây người ta chỉ biết đến Pop của Âu Mỹ, nhưng giờ đây ngay cả Thụy Điển, Thụy Sĩ cũng có nhiều người thích Kpop. Chính vì thế khi nhìn vào, sẽ có cảm giác họ rất mạnh. Giới trẻ thì thấy “Hàn Quốc là một đất nước tuyệt vời!” – không phải vì các tập đoàn như Samsung hay Deawoo, mà vì họ thấy Wonder Girls, BoA, IU, Park Hyo Shin.

Thể thao cũng tương tự như vậy. Tôi đã từng đọc về số lượng tiền người Nhật đầu tư cho thể thao - rất kinh khủng. Tại sao các nước phải dốc toàn lực và Olympic lại trở nên quan trọng đến thế? Vì đó cũng là một thước đo cho sự thành công của đất nước ấy. Khi Kim Yu Na, ngôi sao trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc được huy chương vàng Olympic 2010 , người Nhật đã cực kì tức giận vì họ đã đổ rất nhiều tiền cho môn trượt băng và trong nhiều năm trời, họ là nước thống trị bộ môn này, sau Nga, Mỹ.

Tất cả các quốc gia đều tranh giành nhau ở vị trí quán quân, có được sức ảnh hưởng về văn hóa, thể thao và nghệ thuật.

Là một nghệ sĩ muốn quảng bá âm nhạc cổ điển trong nước, chị đã có những kinh nghiệm gì trong làm việc với truyền thông?

- Trang Trịnh:Khi tôi làm “Nhật kí dương cầm”, tôi cố gắng đấu tranh để được phát vào giờ vàng. Nếu đài truyền hình đến thu hình thì hầu như các tiết mục nhạc cổ điển chỉ được phát vào 12 giờ đêm. Nên cách duy nhất là truyền hình trực tiếp, và thật may mắn là đài truyền hình Hà Nội đã chấp nhận truyền hình trực tiếp đêm diễn này.

Buổi biểu diễn đầu tiên mà làm trực tiếp sẽ có áp lực không nhỏ với nghệ sĩ. Họ không được chuẩn bị tinh thần mà sẽ phải chờ đếm ngược để ra sân khấu.

Một điều đặc biệt nữa là sự xuất hiện của phiên bản truyền hình cho Nhật Ký Dương Cầm trên VTV6. Khi biết về “Nhật kí dương cầm”, chị Tạ Bích Loan và chị Thuỷ (đạo diễn tại VTV6) đã yêu cầu tôi đến trường quay và ghi hình trực tiếp. Về sau, chương trình được phát đi phát lại rất nhiều lần và toàn vào khung giờ tốt. Chính vì vậy, giới trẻ biết nhiều hơn đến “Nhật kí dương cầm”. Tôi cũng rất ngưỡng mộ cách chị Tạ Bích Loan thực hiện một số gameshow thảo luận của giới trẻ về kinh tế, văn hóa trên kênh. Nó hoàn toàn rất khác với các gameshow trên các chương trình truyền hình khác.

Kênh truyền hình Arrirang rất nổi tiếng trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Có không ít người Việt trẻ xem kênh truyền hình này. Anh có thể nói thêm điều gì đó về cách thức thực hiện nó?

- Sung Min Park:Ở Hàn Quốc thì tôi không xem Arrirang, chỉ khi ra nước ngoài mới xem thôi. Nó là kênh truyền hình dành cho người nước ngoài và người Hàn Quốc sống ở nước ngoài. Nó có phụ đề tiếng Anh, cả KBSWorld nữa, có nhiều người Hàn sống ở nước ngoài xem các kênh này. Tôi ấn tượng về cách các kênh truyền hình biết khai thác các ngôi sao của Hàn Quốc và tạo nên những làn sóng văn hoá.

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Trang Trịnh:Hàn Quốc họ biết cách tạo ra ngôi sao và biết cách sử dụng ngôi sao ấy để quảng bá có lợi cho quốc gia. Tại Hàn Quốc, chỉ cần họ có một ngôi sao thôi, họ sẽ biết cách sử dụng ngôi sao ấy để tác động đến rất đông những người khác. Từ thành công của Kim Yu Na, nhà nhà đã cho con đi học thể dục thể thao. Từ một thành phố Seoul không có sân tập chuyên nghiệp cho trượt băng nghệ thuật, giờ họ đã có, và có rất nhiều.

Tôi và nhiều người khác học nhạc, vì Việt Nam có Đặng Thái Sơn. Nếu chúng ta biết cách nhân rộng và quảng bá sự thành công của chú ấy thì âm nhạc, nghệ thuật đã phổ cập được ở một mức độ khác hoàn toàn.

Tôi từng nhắc đến vấn đề này trong bài viết “Giải mã cơn sốt văn hóa Hàn của teen Việt”. Gần đây mới có hiện tượng Ngô Bảo Châu, nhưng chủ yếu là do khai thác riêng lẻ của báo giới và tự thân đóng góp của ông, chứ cũng không có định hướng hoặc chiến lược nào.

- Trang Trịnh:Việt Nam từng có một cầu thủ là vô địch thế giới bộ môn bóng đá nghệ thuật (football free style). Tất cả mọi người say mê bóng đá nghệ thuật trên thế giới đều biết anh ấy. Anh ấy xuất hiện trong các game online bóng đá và rất nổi tiếng. Nhưng ở Việt Nam không ai biết anh ấy là ai.

Tại sao chúng ta có các ngôi sao thực sự nhưng lại không biết cách sử dụng để tạo hình mẫu về sự nghiệp cho mọi người đi theo?

Giả dụ Hàn Quốc cần quảng bá về ẩm thực. Họ sẽ chọn một đầu bếp chuyên nghiệp làm ngôi sao. Ông/bà này sẽ làm ở một khách sạn vô cùng sang trọng trên thế giới, là một người nổi tiếng. Ông ấy sẽ là đại diện quốc gia, đi khắp nơi và dạy làm món ăn Hàn Quốc, nói về món ăn Hàn Quốc.

Như vậy, lại quay lại vai trò của thông tin, truyền hình, đúng không?

- Trang Trịnh:Truyền hình, và báo chí.

Nhưng nếu muốn vào sâu trong gia đình thì phải là truyền hình?

- Trang Trịnh:Đúng vậy. Truyền hình là thông tin đến cả nước, thậm chí cả những người nông dân ít đọc, ít học và cả những người không biết chữ.

Người Hàn Quốc nhìn Việt Nam như thế nào, về khía cạnh văn hóa? Anh có biết gì về văn hóa Việt Nam không?

- Sung Min Park(Nghĩ rất lâu)

Một xu hướng nào đó? Một cái tên? Một sản phẩm văn hóa chẳng hạn?

- Sung Min Park: (Ngập ngừng) Áo dài, phở, vịnh Hạ Long, Hồ Chí Minh.

Những người quan tâm đến lịch sử hoặc những người ở thời bố mẹ tôi sẽ biết nhiều hơn về Việt Nam, chủ yếu là từ thời chiến tranh. Còn hiện tại, tôi không biết gì nhiều về văn hóa của các bạn. Tôi mong là sẽ có những trung tâm văn hoá Việt Nam tại các quốc gia để quảng bá về văn hoá đặc sắc của các bạn.

Cảm ơn anh và Trang!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật