Nhìn lại hiện tượng một tài năng lớn

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kỷ niệm ngày mất nhà văn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 - 18/4/2003): Nguyễn Đình Thi là một trong những hiện tượng nổi bật về Văn học nghệ thuật của nước ta từ những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước.
Nhìn lại hiện tượng một tài năng lớn
Ảnh minh họa
Ai mà chẳng biết Nguyễn Đình Thi là người đa tài! Ông viết văn, làm thơ, viết kịch và cả sáng tác nhạc. Giới trẻ chúng tôi thời ấy đã hết sức ngưỡng mộ ông một cách thú vị!

Kể cũng lạ! Một giai đoạn đã rộ lên rất nhiều tài năng lớn, và nhiều tài năng đa dạng... Ai cũng biết Nguyễn Đình Thi là nhà văn (đã đành), nhà nghiên cứu lý luận, nhà thơ mà đồng thời lại còn là nhạc sĩ, chưa nói đến là một người lãnh đạo VHNT có uy tín.

Thế nhưng hình như cũng chẳng có mấy ai gọi ông là nhạc sĩ. Có thể mấy vế kia đã át hẳn vế âm nhạc trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông chăng? Chắc cũng chẳng phải thế!

Từ những ngày đầu Cách mạng, chúng tôi mới chỉ là một lũ trẻ con ở một thị xã nghèo của miền Trung. Lần đầu tiên được tiếp xúc với âm nhạc một cách có bài bản là được xem đoàn ca nhạc thiếu nhi của anh Trần Hoàn dẫn đầu, đi biểu diễn dọc các tỉnh miền Trung, vừa giới thiệu và tập cho học sinh các trường những bài hát mới của Cách mạng, có bài của các anh Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Điều đó hấp dẫn chúng tôi đến kỳ lạ vì đã bao nhiêu năm có ai biết hát.

Những đoàn văn công mới lập, sau này quen gọi là đoàn xung kích, đến nay nhiều người đã quên đi nhưng chúng tôi thì chúng tôi nhớ. Bài Diệt phát xít của anh Thi cũng được mọi người hát từ độ ấy.

Bài hát chảy một mạch theo mạch đi của hành khúc hùng tráng, kích thích:

Việt Nam bao năm ròng rên xiết

lầm than

Dưới ách quân tham tàn đế quốc

sài lang

Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời

sống dân mình…

Những bài hát thủa ấy chưa thật trau chuốt về ca từ, chưa thật chỉnh về mạch chảy của tiết tấu và giai điệu, nhưng không hiểu sao mọi người và chúng tôi mê đến thế. Có nhiều người mê hát từ dạo đó sau này đã trở thành nghệ sĩ và đưa cuộc đời mình đi theo dòng thác ngẫu nhiên của lịch sử.

Viết hành khúc đã khó (nhiều người cứ tưởng là dễ, không phải đâu!), hành khúc để lại ấn tượng trong mỗi một cuộc đời càng không phải dễ. Những hành khúc của anh Cao, anh Phước, anh Nhuận, anh Thi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và có bao nhiêu người đã đi theo những tiếng hát đó.

…Sau đó, một loạt các bài hát ra đời, khuôn khổ lớn hơn và các tác giả đều gọi đó là trường ca, nghĩa là bài ca có cấu trúc dài hơn những bài vẫn quen dùng.

Văn Cao có Sông Lô, Đỗ Nhuận có Du kích Sông Thao, Nguyễn Đình Thi có Người Hà Nội. Những bản trường ca này được dựng lên ở nhiều sân khấu. Với một số lượng người hát nhiều bè, manh nha cho những hình thức hợp xướng chính qui sau này.

Hình thức trường ca theo kiểu trên đánh dấu một bước chuyển biến về mặt bút pháp. Người ta muốn tìm tòi một hình thức lớn hơn, đồ sộ hơn, chứa đựng nhiều màu sắc về tình cảm hơn những ca khúc ngắn.

Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi được sử dụng nhiều cho mãi đến bây giờ, cùng với trường ca Sông LôDu kích Sông Thao

Bài hát mở đầu bằng mấy lời giới thiệu:

Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Đông Đô, đây Thăng Long,

đây Hà Nội…

Và một khung cảnh tươi tắn, đậm chất Hà Nội mà những bài hát thời kỳ ấy chưa ai có:

Những cửa đầu Ô

Tíu tít gánh gồng.

Đây Ô Chợ Dừa,

Kia Ô Cầu Dền,

Làn áo xanh nâu.

Hà Nội tươi thắm

Sống vui phố hè,

Bồi hồi chàng trai,

Những đôi mắt nào…

Rồi Đồng Xuân, Tây Hồ, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Ngang… xuất hiện một cách đáng yêu.

Bút pháp Nguyễn Đình Thi cho ta thấy một điều rõ rệt của tâm hồn một chàng trai chính gốc Hà Nội, gắn bó với từng ngõ phố, từng đôi mắt và những con người thanh lịch của Hà Nội. Người ta có cảm giác câu nhạc uyển chuyển uốn quanh những tứ thơ, những hình ảnh rất duyên mà trước đấy chưa ai nói.

Điều thú vị là Nguyễn Đình Thi luôn luôn bứt phá theo mạch đi riêng của mình một cách hoàn toàn tự do, không thật nghiêm khắc sử dụng luật cân đối từng câu, từng nhịp như khuôn phép mấy lâu nay vẫn thường gặp. Và điều đó làm nên bản sắc Nguyễn Đình Thi.

… Thông thường trong âm nhạc cũng như các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác, tỷ lệ tồn vong của tác phẩm là cực kỳ bất thường. Có những tác giả có hàng nghìn tác phẩm, đọng lại một hai bài đã là may mắn.

Nhà thơ suốt cả cuộc đời mình có khi cũng chỉ để lại một câu thơ. Thế thôi! Anh Thi chỉ có 2 bài hát, nhưng cả 2 đều là tác phẩm để đời. Điều đó không phải ai cũng có được.

Thời kháng chiến, người ta dựa vào nhau để sống, để chiến đấu và kể cả để làm nên sự nghiệp. Tình yêu thương giữa đồng đội, giữa những người cùng đi trong chiến tuyến, có những giúp đỡ hào phóng, che chở cho nhau không vụ lợi.

Nhưng điều kỳ quặc là tình yêu lại bị theo dõi một cách cực kỳ khắt khe. Nhiều tình yêu đã bị kết tội còn gay gắt hơn là tội phản quốc.

Và người ta không thể tin được bạn bè để thổ lộ những điều này. Một khi nghe kể về những tình yêu vụng trộm, và cũng có khi không phải là vụng trộm, người trong cuộc tự nhiên như là không dám ngẩng mặt lên nhìn người khác.

Người ta cứ đồn nhau là anh Thi hào hoa lắm, đa tình lắm và tất nhiên là đa đoan lắm. Không hiểu có phải vì thế không mà đường quan trường của anh cứ ì à ì ạch mãi không lên được?

Thế nhưng có một tình yêu lớn của anh Thi, không giấu được ai cả mà vẫn cứ đường hoàng. Đấy là Madeleine Riffaud. Hình như người ta không nỡ làm khó dễ một tình yêu lớn.

Hai người ở hai phương trời, và cứ đằng đẵng năm này qua năm khác mấy khi được gặp nhau! Cơ hội gặp gỡ chỉ là may ra anh Thi được xuất ngoại, đi họp các cuộc họp quốc tế nào đó.

Cuộc gặp gỡ ở bên phía trời Tây thì có ma nào mà biết. Sau đó lại xa nhau, lại thương lại nhớ. Và cho đến lúc anh đã bay lên trời, người con gái ấy vẫn giữ một tình cảm thật hiếm có. Trường hợp này không thấy ai kết tội. Kể cũng lạ!

Có một điểm nhỏ, tôi cũng hơi phân vân. Gần đây có một vài bài báo cứ nói là anh Chính, nhà văn, con trai anh Thi cũng chê là bố ưa quyền lực. Không được gần gũi anh Thi nhiều nhưng ở cái khối nhà 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội mà chúng tôi gặp gỡ nhau hàng ngày mấy chục năm là trụ sở của Ủy ban Liên hiệp, của các hội nghệ thuật như: Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Quả thật tôi chưa thấy có vụ đánh đấm nhau giữa anh Thi và những người đồng lứa về quyền lực, không nên nói oan cho anh Thi về trường hợp này. Hay là vì tôi không biết???

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật