Tiễn đưa người “phu chữ“ về cõi hóa thân...

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuất hiện sớm, nổi tiếng sớm, rồi xuất hiện trở lại sau 30 năm im lặng và còn nổi tiếng hơn nữa với nghệ danh “phu chữ”, thật ra là một tuyên ngôn về công việc làm thơ, Lê Đạt xứng đáng nhận sự tiếc thương của nhiều lớp độc giả trong và ngoài nước.
Tiễn đưa người “phu chữ“ về cõi hóa thân...
Nhà thơ Lê Đạt
Ngày 25/4, đám tang nhà thơ Lê Đạt đã diễn ra trang trọng tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội).

Tổng cộng 117 đoàn đã tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng. Đến viếng có ông Phùng Hữu Phú, UV Trung ương Đảng, phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hồng Vinh, phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi vòng hoa;

Đông đảo bạn bè thuộc giới văn nghệ sĩ, báo chí; các tổ chức nước ngoài đã chia buồn: Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Hội đồng Anh, viện Gớt, Hội văn hóa Việt Nhật, Tạp chí Thơ California…, gia đình nhà thơ Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Phùng Cung…, và nhiều độc giả, bạn văn, có những người từ Tây Nguyên, TPHCM bay ra trong đêm để kịp đưa tiễn nhà thơ mà họ hâm mộ và yêu mến.

Chủ tang là Hội nhà văn Việt Nam và tạp chí Tia Sáng, nơi nhà thơ Lê Đạt thường xuyên cộng tác những năm cuối đời và cũng là tờ báo tổ chức chuyến đi thực tế cuối cùng cho nhà thơ Lê Đạt vào Tây Nguyên trước khi ông đột ngột qua đời. Rất đông người đã ở lại đến phút cuối cùng để dự lễ truy điệu. Có thể thấy sự tiếc thương và đánh giá công bằng về ông qua những dòng phân ưu:

“Vô cùng đau đớn vĩnh biệt anh Lê Đạt, nhà thơ lớn của đất nước, người đã can trường đi qua mọi sóng gió và oan khuất của cuộc đời với một sự dũng cảm lớn và thanh thản tuyệt vời” (nhà văn Nguyên Ngọc).

“Tôi đã chứng kiến thời anh lên gang thép (Thái Nguyên) lao động cùng Trần Dần… Thương anh lắm, người phu chữ, ai ngờ hôm nay các phu đòn khiêng phu chữ ra đi” (nhà văn Xuân Cang).

“80 tuổi mà sung sức, trẻ trung như anh, đời có mấy ai? Sao vội vã giã từ nơi còn bao nhiêu điều chưa kịp nói, viết, làm?” (nhà phê bình Ngô Thảo)

“Bóng chữ” người đi còn để lại/ “Ngó lời” vọng một đời thơ” (nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)

“Em nghĩ rằng anh đủ hài hước, như anh vẫn thường hài hước, để đón nhận sự “ra đi” cuối cùng và ở lại vĩnh viễn cõi bất tử” (nhà phê bình Đỗ Lai Thúy)

“Thế là từ nay vắng hẳn nụ cười bất tuyệt của anh, nụ cười thanh lọc quý giá có khả năng giải tỏa mọi cay đắng và đem lại cho người khác niềm vui, lòng yêu sống và sự tin tưởng vào CON NGƯỜI” (nhà phê bình Nguyễn Huệ Chi)

Trong lời điếu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhắc lại những tuyên ngôn nghệ thuật nổi tiếng của Lê Đạt: “Người làm thơ hãy chú ý đến việc “thành nhân” hơn là “thành danh”, “thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi” và ông một lần nữa khẳng định những đóng góp bền bỉ và quan trọng của Lê Đạt đối với văn học Việt Nam đương đại.

Lời tiễn biệt của bà Thu Hà, quyền TBT tạp chí Tia Sáng cũng nói lên sự tri ơn, “duyên may” của những người làm tạp chí “đã được ông truyền cho cảm hứng sáng tạo” từ một trí tuệ mẫn tiệp, óc hài hước với một tinh thần nhân văn và nhân cách lớn.

Theo nhà thơ Phạm Tường Vân, trong một lần phỏng vấn ông cách đây 5 năm, nhà thơ Lê Đạt đã có lúc bi quan trước cái chết. “Tôi đã viết sẵn một lá thư vĩnh biệt: “Như mọi người đã biết trong mấy năm nay, tôi hết sức chống đỡ bệnh tật nhưng không có kết quả… Tôi chủ động đi trước cái chết bệnh tật một bước. Tôi không oán thán ai cả, chỉ e mỗi một điều làm phiền lòng những người thân, bạn hữu và những độc giả yêu mến tôi…”.

Ông có những suy nghĩ này vào thời điểm năm 1999-2000. Trước cái chết, ông không nghĩ đến sẽ trách móc ai, chỉ lo sự ra đi làm phiền lòng những người thân yêu của mình.

Và như chúng ta đã biết, ông đã “ở lại”, tiếp tục làm việc, để bạn đọc được thưởng thức những cuốn sách mới: “Mi là người bình thường”, “U75 Từ tình” (năm 2007) và hàng trăm bài thơ, đoản ngôn chưa kịp xuất bản.

Ông cũng từng viết: “Chết không phải là hết, mà là chuyển sang một cõi khác”. Ở nơi ấy, chắc chắn ông sẽ vẫn tiếp tục làm thơ và lại cất lên tiếng cười sảng khoái, bao dung, ấm áp, giống như sự lưu giữ lâu dài trong trí nhớ người thân và độc giả về một tài thơ độc đáo của văn học Việt Nam đương đại.

Thể theo nguyện vọng lúc sinh thời, thi hài nhà thơ Lê Đạt đã được hóa thân hoàn vũ tại Nghĩa trang Hà Nội (Văn Điển) vào lúc 12 giờ cùng ngày. Di cốt của ông sẽ được gửi lại đây một thời gian trước khi đưa về an táng tại nghĩa trang dòng họ ở Mai Lĩnh (Hà Đông).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật