12 thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt cóc sắp về nước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau 18 tháng chờ đợi trong vô vọng, thậm chí đã lập bàn thờ cho con trai bị hải tặc Somalia bắt cóc, gia đình ông Chới mừng phát khóc khi được tin con mình cùng 11 đồng nghiệp đã được giải cứu.
12 thủy thủ bị hải tặc Somalia bắt cóc sắp về nước
Sau 18 tháng chờ đợi trong vô vọng, gia đình ông Vinh vui trở lại khi nghe tin con sắp được về nhà. Ảnh: Nguyên Khoa.

Trời nắng chang chang, căn nhà nhỏ nằm sát mé đồi của ông Trần Văn Vinh, bố thuyền viên Trần Văn Hùng (xã Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) vốn ảm đạm và vắng lặng nay bỗng tràn ngập tiếng cười. Nghe tin tàu cá FV Shiuh Fu No1 được thả, thuyền viên Trần Văn Hùng và đồng nghiệp vẫn bình an, nhiều anh em, bà con của ông Vinh đã đến hỏi thăm tình hình và chia vui với gia đình.

"Hôm qua tui nhận được điện thoại của công ty ở Hà Nội thông báo tàu đã được giải cứu, các thuyền viên Việt Nam đều an toàn, khỏe mạnh. Nghe điện thoại mà cứ ngỡ mình nằm mơ, tôi chạy vào nhà tắm đứng khóc một mình vì vui sướng quá", ông Vinh tâm sự và cho hay, tàu cá được hải tặc thả đêm 17/7 và các thủy thủ đang được đưa về Tanzania rồi làm thủ tục đưa về nước.

Ngày 25/12/2010, tàu FV Shiuh Fu No1 bị hải tặc Somalia bắt cóc, cùng với 12 thuyền viên người Việt Nam (đều ở Nghệ An, Hà Tĩnh) và 14 người Trung Quốc. Trong hơn 18 tháng, gia đình các thuyền viên thỉnh thoảng nhận được điện thoại của con từ Somalia thông báo tình hình.

"Lần gọi đầu tiên, Hùng cho biết bị hải tặc đánh đập và nói gia đình ra Hà Nội thông báo với công ty để hối thúc chủ tàu Đài Loan chuộc người. Lần thứ 2, nó cho biết hải tặc đòi 60 tỷ đồng tiền chuộc... Đến lần thứ 4, nó gọi điện về khóc lóc nói rằng thuyền trưởng đã bị chặt tay, tàu bị hỏng, một thuyền viên người Việt đã bị đánh chết, hạn cuối cùng để chuộc người là ngày 30/4, nếu không tất cả sẽ bị bắn", bà Lưu Thị Lý, mẹ thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại.

Mỗi lần nhận được điện thoại của con, những người thân ở Việt Nam lại giật mình thon thót vì lo lắng. Đợt 30/4, ông Vinh đã tập hợp người thân của các thủy thủ tìm đến trụ sở công ty và các cơ quan chức năng để nhờ giúp đỡ. Mọi người còn đề nghị không nhận lương hàng tháng của con để góp với công ty chuộc người. Thậm chí, một số người tính đến cách bán nhà gửi tiền sang cho ông chủ Đài Loan...

Chờ đợi trong tuyệt vọng, ông Lưu Đình Chới, bố của thuyền viên Lưu Đình Sơn đã lập bàn thờ cho con trai. Một số gia đình khác cũng ngày đêm cầu khấn cho con mình tai qua nạn khỏi. Trên con tàu bị bắt cóc có 3 thủy thủ ở xã Nghi Tiến gồm Lưu Đình Hùng, Trần Văn Hùng và Trần Văn Toàn.

"Hơn một năm qua, chúng tôi như người chết rồi. Có người nhớ con mà phát bệnh thần kinh, có người ngất xỉu phải đi cấp cứu sau mỗi lần nhận được điện thoại của con. Giờ chúng tôi chỉ mong gặp được con khỏe mạnh trở về", bà Nguyễn Thị Nhị, mẹ thủy thủ Lưu Đình Hùng mong mỏi.

Theo thông tin công ty ở Đài Loan cung cấp cho gia đình thuyền viên, do hải tặc Somalia dùng tàu FV Shiuh Fu No1 để đi bắt cóc tàu khác nên đã tắt hết định vị và các phương tiện liên lạc. Chủ tàu ở Đài Loan liên tục đàm phán, gửi tiền chuộc nhưng phía hải tặc rất ngoan cố, muốn kéo dài thời gian để kiếm thêm tiền chuộc. Khi không thể lợi dụng thêm FV Shiuh Fu No1, hải tặc mới chịu thả người.

"Các con an toàn trở về là tốt rồi. Giờ về nhà rau cháo gì cũng phải chịu khổ thôi chứ kiếp xuất khẩu lao động không biết sống chết lúc mô. Thằng con út cũng đòi đi xuất khẩu lao động nhưng tôi nhất quyết không chịu mà để cháu đi nghĩa vụ quân sự rồi trở về làm ngư dân", ông Trần Văn Vinh thở dài ngao ngán.

Gia đình ông Vinh có 3 người đi xuất khẩu lao động thì cả 3 đều gặp nạn. Ông Vinh từng thoát chết trong lần nổ bình khí trên tàu cá ở cảng Uruguay, chú của ông cũng thoát chết vì tai nạn khi quấn lưới trên tàu. Và giờ đến lượt con trai ông.

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) vừa có thông báo gửi Công ty Cung ứng Lao động Quốc tế và dịch vụ (Inmasco), Công ty CP Thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico Hà Nội) và Công ty TNHH MTV Vạn Hoa Hải Phòng - 3 doanh nghiệp có 12 thuyền viên bị bắt cóc - và cho biết toàn bộ thuyền viên đã được giải cứu. Dự kiến, ngày 23/7, các thuyền viên sẽ được trở về nước.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo, ông Lê Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, ngày 21/7, các lao động mới cập cảng Tanzania, sau đó được kiểm tra sức khỏe trước khi lên máy bay về nước. Do vậy, ngày giờ các thuyền viên này về nước vẫn chưa được xác định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật