Những pha truy đuổi thót tim của cảnh sát bắt nã

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thật may cho Trung tá Nguyễn Thế Văn bởi lúc ấy, ông lão bước ra ngoài sân, cầm giấy tờ tùy thân của anh và giải thích rằng anh đến làm nhiệm vụ bắt đối tượng phạm tội chứ không phải cướp. Nhìn qua khe cửa, thấy nhóm thanh niên bỏ gậy gộc xuống, Trung tá Nguyễn Thế Văn mới biết mình hụt chết.
Những pha truy đuổi thót tim của cảnh sát bắt nã
Ảnh minh họa
Nhanh nhạy, bí mật, bất ngờ, quyết đoán, dũng cảm
Nhanh nhạy, bí mật, bất ngờ, quyết đoán và dũng cảm là những kĩ năng nghiệp vụ, phẩm chất cần phải có ở người cảnh sát mà người sinh viên Học viện cảnh sát nhân dân Nguyễn Thế Văn được học khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong suốt hơn 10 năm công tác, Trung tá Nguyễn Thế Văn đã thấm thía vô cùng sự cần thiết phải có những yếu tố đó trong quá trình tác nghiệp để rồi trong lúc trò chuyện với tôi, ngẫm nghĩ lại những vụ án, chuyên án lớn nhỏ mà mình đã cùng đồng đội phá, anh lại cảm thấy thêm yêu thiết tha con đường, sự nghiệp mà mình đã lựa chọn để rèn giũa, theo đuổi.
Thực vậy, tôi đọc được niềm đam mê và tình yêu nghề từ đôi mắt và cách nói chuyện nhiệt tình của Trung tá Nguyễn Thế Văn (sinh năm 1978), Công an tỉnh Bắc Giang. Đối với anh, việc thấm thía những bài học lý thuyết trên giảng đường trong quá trình tác nghiệp là một trải nghiệm hết sức ý nghĩa và thú vị trong cuộc đời làm cảnh sát, thậm chí ngay cả trong phút giây cận kề cái chết.
Trong lần truy bắt đối tượng truy nã toàn quốc Nguyễn Văn Thuần, yếu tố bí mật, bất ngờ đã giúp Nguyễn Thế Văn cùng các chiến sĩ trinh sát tóm gọn đối tượng.

Nguyễn Văn Thuần sinh năm 1975, học hết cấp 3, Thuần rời vùng quê lúa Thái Bình vào miền Nam làm ăn kiếm sống. Xa nhà, bị hoàn cảnh xấu tác động, Thuần trở nên ăn chơi sa đọa, nợ nần chồng chất. Rồi trong lúc say rượu, đánh nhau, hắn đã phạm tội giết người, sợ hãi, Thuần bỏ trốn ngay sau khi gây án và bị phát lệnh truy nã vào tháng 10.2003.

Hắn trốn chui trốn lủi ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, sau đó sinh sống ở Đắk Lắk với nghề nuôi ong. Gần 7 năm sau, những tưởng cơ quan Công an đã lãng quên tên tuổi và tội danh của mình, hắn liễu lĩnh ra ngoài Bắc, bắt xe đến cư trú ở tỉnh Bắc Giang.
Nhận được thông tin đối tượng truy nã toàn quốc đã dạt trên địa bàn tỉnh, các chiến sĩ trinh sát phòng truy nã ngay lập tức chia các nhóm điều tra để lần ra chỗ ở của hắn. Đối tượng được xác định đang cư trú trên địa bàn xã Huy Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Sau một thời gian theo dõi, trinh sát Nguyễn Thế Văn và các đồng đội nắm được rằng Thuần đang làm việc tại một cơ sở nuôi ong trên địa bàn xã Huy Sơn.
Trong vai một người đi thu mua mật ong, trinh sát Nguyễn Thế Văn đã vận dụng một cách xuất sắc yếu tố nhanh nhạy, bí mật, bất ngờ, quyết đoán đã được học trong sách vở trong lần bắt đối tượng Nguyễn Văn Thuần này. Khó khăn ở chỗ, vì nhân công trong xưởng nuôi ong đều đeo khẩu trang bịt kín mặt nên rất khó để nhận ra đối tượng.

Nhưng rất thông minh, “người thu mua mật ong” bước vào sau khi đã chuyện trò chán chê với chủ xưởng, rồi cao giọng hỏi một cách thân thiện rằng: “Ở đây có ai tên là Thuần, quê ở Thái Bình ra nhận đồng hương nhé!” thì ngay lập tức đối tượng chủ quan lộ mặt. Nhanh như chớp, trinh sát Nguyễn Thế Văn cùng đồng đội ập vào bắt đối tượng truy nã Nguyễn Văn Thuần.
Bài học về 6 biện pháp nghiệp vụ khi bắt các đối tượng trong nhà, trên xe, trong rừng mà trinh sát Nguyên Thế Văn đã được học trên ghế giảng đường, chỉ khi đi tác nghiệp, anh mới thấy thật thấm thía. Trong lần đi bắt đối tượng truy nã đang trốn tại Quảng Ninh, trinh sát Nguyễn Thế Văn đã lại một lần nữa thể hiện sự nhanh nhạy thông minh của mình trong việc bắt đối tượng.
Khó khăn hơn vụ bắt Nguyễn Văn Thuần, đối tượng truy nã lần này đã thay họ đổi tên từ Trung sang Hùng, hơn nữa, hắn lại đang cư trú tại nhà người thân nên rất khó khăn để xác định và tìm ra đối tượng. Ăn dầm ở dề hàng tuần tại Quảng Ninh, cuối cùng trinh sát Thế Văn và đồng nghiệp cũng lần ra khu vực ẩn náu của Trung. Trong khi đang dò hỏi thì trinh sát Thế Văn nhận dạng và bắt gặp được hắn đang đi xe ôm nên anh và đồng nghiệp quyết định lập tức bắt Trung ngay lúc ấy bằng cách đuổi theo xe ôm.
Khi đã đuổi gần kịp, trinh sát Nguyễn Thế Văn quát lớn: “Ông kia, vừa đâm xe vào người ta, sao bỏ chạy?” - “Tôi có đâm vào ai đâu?” - người lái xe ôm đáp, “Nhưng ông cứ đứng lại” - Trung tá Thế Văn quát lớn hơn. Ngay khi xe ôm dừng lại, còng số 8 nhanh chóng được tra vào tay “khách xe ôm”. Đối tượng truy nã tên Trung đã bị bắt một cách “nhanh chóng, bất ngờ, bí mật” như thế.
Lần truy đuổi thót tim và hụt chết
Ấy là lần mà mạng sống của Trung tá Nguyễn Thế Văn nằm trong ranh giới sống - chết vô cùng mong manh. Đúng ngày mùng 4 Tết năm 2002, khi nhận được lệnh đi bắt đối tượng truy nã tại xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, trinh sát Nguyễn Thế Văn và đồng đội lập tức lên đường trong giá rét dẫu buổi sáng ngày hôm đó, anh đã tham gia bắt 2 đối tượng khác ở 2 địa bàn cách xa nhau hàng trăm cây số. Đối tượng truy nã tên Quyền, phạm tội giết người.
Hắn gây án trong miền Nam rồi trốn biệt tích, sau đó lúc xuất hiện, lúc biến mất. Trong quá trình điều tra, theo dõi đối tượng này, vì biết Quyền được gia đình bao che, giúp Quyền lẩn trốn nên trinh sát Nguyễn Thế Văn và các đồng nghiệp vừa kết hợp công tác nắm tình hình bên ngoài, vừa làm công tác tư tưởng cho gia đình Quyền để vận dụng hắn ra đầu thú. Thế nhưng vợ và cha mẹ Quyền nhất quyết chống đối. Chính vì thế, trinh sát đi đến đâu, đều bị người nhà của Quyền bám đuôi, theo dõi.
Tầm 7h20 ngày mùng 4 Tết, cổng nhà đối tượng khép nhưng không chốt then, đối tượng đang nói chuyện cùng một người bạn của hắn. Tuy nhiên vì ảnh truy nã của đối tượng chụp cách thời gian hắn phạm tội đã quá lâu, nên Nguyễn Thế Văn và các anh em trinh sát không thể nhận ra ai là Quyền trong 2 người đang nói chuyện ngoài sân. May thay đúng lúc đó, có một người hàng xóm, mở cửa, đi vào sân và gọi tên hắn: “Quyền ơi”. Ngay lập tức, Thế Văn cùng anh em ập vào bắt kẻ lên tiếng thưa là Quyền.
Rất cảnh giác và lường trước sự có mặt của Công an nên vợ hắn trong nhà hét lớn: “Cướp bà con ơi, cướp”, khi Công an xông vào đến sân nhà Quyền. Nghe thấy tiếng hô, những thanh niên bên nhà hàng xóm đang ăn tất niên, vội cầm dao, gậy gộc chạy đến. Không thể thanh minh cũng không thể đánh lại vì đám trai làng gồm gần 20 người quá gây hấn và manh động nên trinh sát Nguyễn Thế Văn buộc lòng hô “chạy”. 3 chiến sĩ cảnh sát truy nã mỗi người chạy một phương để mong thoát thân khỏi đám trai làng đang hừng hực khí thế đuổi “cướp”.
“Lúc ấy, tôi chỉ cắm đầu chạy thục mạng. Bởi nếu để đám trai làng tóm được thì bất kể thế nào, họ cũng sẽ đánh cho mình tan xác”, trung tá Nguyễn Thế Văn chia sẻ. Chạy thục mạng đến bờ sông, nhìn phía trước thấy không còn đường thoát nữa, nhưng lại thấy một ngôi nhà nho nhỏ phía trước, bên trong có ánh đèn sáng nên Thế Văn vội dồn sức chạy đến.

Chủ nhà là một ông lão có gương mặt hiền từ. Tưởng anh bị lũ cướp trâu đuổi nên chưa hỏi câu nào, ông đã vội ấn anh vào nhà. Vừa vào đến nơi, trinh sát Nguyễn Thế Văn đã nghe tiếng gậy gộc và tiếng người hô hoán nhau trước sân nhà ông lão.
Căn nhà có 2 tầng nhưng cửa tum lại bị khóa, không thể thoát được, biết là mình có thể chết bất cứ lúc nào nếu như đám thanh niên xông vào nhà, nên anh vội vã giải thích với chủ nhà trong tiếng thở hổn hển những mong ông có thể thuyết phục đám thanh niên hung tợn kia rằng anh không phải là cướp: “Ông ơi, con là Công an, con đi bắt tội phạm ở làng mình, nhưng đám thanh niên hiểu lầm, tưởng là cướp nên đuổi đánh", rồi gấp gáp lục túi lấy thẻ ngành ra.
Thật may cho Nguyễn Thế Văn lúc ấy khi ông lão bước ra ngoài sân, cầm giấy tờ tùy thân của anh và giải thích với đám thanh niên rằng, anh đến để làm nhiệm vụ bắt đối tượng phạm tội chứ không phải là cướp. Nhìn qua khe cửa, khi thấy đám thanh niên hạ gậy gộc, dao xuống, Trung tá Nguyễn Thế Văn mới biết mình hụt chết.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật